Báo công dâng Bác tại lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang)
Hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong tâm khảm mỗi người dân cả nước nói chung, quê hương Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang nói riêng. Tấm gương đạo đức và bình dị của Người là động lực để cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang học tập và làm theo bằng những việc làm thiết thực trong xây dựng cuộc sống mới.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua, tỉnh Tuyên Quang có 19.835 lượt tổ chức đảng đăng ký nội dung đột phá, làm theo của tập thể; hơn 284.050 lượt đảng viên đăng ký việc cụ thể, gắn với vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể như cách làm của Đảng bộ xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương trong huy động sức dân phát triển giao thông nông thôn. Trước đây, tuyến đường chính đi qua xã và các đường thôn bản còn nhỏ hẹp và xuống cấp; mùa mưa lầy thụt, mùa khô thì bụi khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Cuối năm 2018, huyện Sơn Dương thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên các xã hạ huyện, trong đó đoạn qua xã Vân Sơn dài 7,5 km.
Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn Vũ Kim Tin cho biết, Vân Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Dương, với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Để thực hiện dự án, xã đã thành lập Ban Vận động hiến đất làm đường, tích cực bám sát dân, vừa tuyên truyền, vận động, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Qua đó, người dân nhận biết đây là mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước với mong mỏi là mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, vì thế nhiều hộ đã tiên phong hiến đất để làm đường, tạo thành phong trào ngày càng lan rộng. Trong đó, điển hình là thôn Mãn Sơn. Toàn thôn hiện có gần 100 hộ hiến đất để làm đường, điển hình có hộ bà Nguyễn Thị Hoa hiến 2.340 m2 đất ở và đất rừng; hai hộ ông Nguyễn Minh Nghiên và ông Nguyễn Minh Hồng, mỗi hộ hiến 2.250 m2; hộ ông Nguyễn Văn Sau hiến 1.000 m2…
Tại huyện Lâm Bình có Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Thượng Lâm, mặc dù mới thành lập từ giữa năm 2018, nhưng đang là điểm sáng "Thanh niên làm theo lời Bác". Khởi nghiệp với bảy thành viên và đều là người dân tộc thiểu số, ban đầu hoạt động chính của HTX Thanh niên Thượng Lâm là trồng rau, nuôi trồng thủy sản nước ngọt; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi; dịch vụ lữ hành du lịch nội địa; dịch vụ vận tải đường thủy nội địa phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại homestay của HTX. Nhưng nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở Lâm Bình phù hợp phát triển cây cà gai leo, HTX đã đưa vào trồng thử nghiệm để sản xuất trà túi lọc. Sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ du khách, vì thế, các thành viên trong HTX đã tập trung mở rộng diện tích trồng, tìm kiếm thị trường phát triển. Từ đó, HTX ký hợp đồng liên kết trồng, thu mua sản phẩm với các hộ gia đình trồng cà gai leo trong và ngoài xã với tổng diện tích hơn 6 ha. Trong đó, HTX cung cấp giống cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây đạt hiệu quả kinh tế cao và thu mua sản phẩm. Trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, 1 ha cà gai leo mỗi năm cho thu hoạch khoảng 8 tấn sản phẩm, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây từng bước thoát nghèo.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, thầy giáo Đặng Đàm Trọng, Trường tiểu học Yên Lâm I, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên đã vận động được hơn 80 triệu đồng, cùng 19 triệu đồng của cá nhân thầy tiết kiệm sau nhiều năm dạy học để xây "cây cầu ước mơ" cho các em học sinh tại xóm Gốc Chanh, thôn Thài Khao, xã Yên Lâm. Công tác tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên, hằng ngày thấy các em vượt suối đi học rất vất vả, những ngày mưa, lũ phải nghỉ học, thầy Trọng đã vận động người dân, các nhà hảo tâm chung tay góp công, góp của xây cầu vượt suối. Để bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng, ngoài giờ lên lớp, thầy Trọng thường xuyên có mặt tại công trình, động viên và góp sức cùng người dân sớm hoàn thành cây cầu. Cây cầu hoàn thành với tổng trị giá hơn 60 triệu đồng đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19-5-2019. Số tiền còn lại, thầy Trọng báo cáo Đảng ủy xã và Ban giám hiệu nhà trường sửa lại mái tôn các lớp học tại Điểm trường tiểu học Thài Khao đã xuống cấp và trang bị bốn xích đu cho hai Điểm trường mầm non Thài Khao, Cọ Cỏm để các em vui chơi. Việc làm bình dị của thầy Trọng được người dân trong xã Yên Lâm mến phục, đồng nghiệp tin yêu, cấp ủy đánh giá cao.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang Nông Thị Bích Huệ cho biết, năm 2020, toàn tỉnh Tuyên Quang có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tiềm năng, lợi thế về du lịch, nông nghiệp từng bước được khai thác, phát huy; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện và nâng cao chất lượng; công tác giảm nghèo thu được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (trên 3%/năm) và đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được cải thiện.
Bài và ảnh: HẢI CHUNG
https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/hoc-tap-va-lam-theo-bac-bang-nhung-viec-lam-thiet-thuc-646700