Tên của đại biểu tôi bầu

 128 lượt xem
 

Bạn có nhớ được tên của đại biểu Quốc hội mình đã bầu cho họ trong lần bầu cử gần đây nhất không?

Khi còn làm việc ở Văn phòng Quốc hội, tôi thường tổ chức chương trình "Nghị viện trẻ" để giáo dục cho các cử tri trẻ về Quốc hội. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, tôi hay hỏi các bạn trẻ: "Các bạn có nhớ trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi mình đã bầu cho ai không?".

Câu trả lời khá nhất quán, gần như không ai nhớ đã bầu cho đại biểu nào.

Không nhớ được tên các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mình đã bầu là tình trạng chung của nhiều cử tri chúng ta.

Không nhớ được tên đại biểu thì khó xác lập chế độ trách nhiệm của đại biểu trước cử tri. Nếu dân chủ là việc các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải chịu trách nhiệm trước cử tri, chúng ta sẽ vận hành nền dân chủ của mình thế nào trong tình cảnh như vậy?

Hơn nữa, nhớ được tên đại biểu của mình, tức là nhớ tên người đã được mình ủy quyền, không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi.

Trong thể chế chính trị hiện nay, chỉ có các đại biểu mới phụ thuộc vào cử tri và vì vậy mới có khuyến khích lớn nhất để lắng nghe và cố gắng giải quyết những vấn đề của chúng ta. Các quan chức hành chính ít có động lực này, vì họ cũng ít phụ thuộc vào cử tri hơn. Điều này đúng không chỉ cho Việt Nam, mà còn đúng cho tất cả các nước có bầu cử dân chủ.

Tôi còn nhớ, một cặp vợ chồng Việt kiều Australia về Việt Nam thăm thân, và người vợ sinh con ở Việt Nam. Không biết vì chuyện gì, vợ chồng họ đã bất đồng đến mức người chồng cầm toàn bộ hộ chiếu, giấy tờ bỏ về Australia. Người vợ và đứa con bị kẹt lại ở Việt Nam vì không còn giấy tờ tùy thân. Cô đã tìm cách tiếp cận nhiều cơ quan chức năng của Australia nhưng không xử lý được vấn đề. Khi rời Australia, cô chưa có đứa con, các giấy tờ chứng minh sự ra đời của đứa trẻ đã bị chồng mang đi mất. Gần như không có cách gì để người mẹ có thể làm được thủ tục đưa con cùng trở về Australia.

Quá bế tắc, cô đã gửi thư cầu cứu vị nghị sĩ Australia, là đại biểu đại diện cho cô. Ông nghị sĩ đã tiếp xúc tất cả cơ quan chức năng liên quan và giải quyết được cho hai mẹ con trở về Australia. Rõ ràng, trong tất cả các quan chức nước này, vị nghị sĩ có sự khuyến khích lớn hơn cả trong việc giúp người mẹ Việt kiều. Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ cô đã bỏ phiếu bầu ra ông, mà còn nằm ở chỗ trong đợt bầu cử tới, nghị sĩ vẫn cần tới lá phiếu của cô.

Một mô thức khuyến khích tương tự cũng sẽ vận hành ở Việt Nam, nếu chúng ta nhớ được tên của các đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân của mình. Ta còn có thể tiếp cận họ để nhờ giúp đỡ khi gặp những khó khăn về mặt pháp lý.

Có thể, không phải đại biểu nào của Việt Nam cũng chuyên nghiệp và hiệu năng trong việc giải quyết khiếu nại và kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, điều này thuộc về kỹ năng nhiều hơn.

Nền dân chủ đại diện có hai cấu phần: đại diện và ủy quyền. Phần đại diện do các đại biểu đảm nhiệm; phần ủy quyền do cử tri đảm nhiệm.

Vận hành nền dân chủ đại diện chính là vận hành cả hai phần cấu thành này. Tuy nhiên, từ trước đến nay, có vẻ như chúng ta chỉ chú ý đến phần đại diện mà ít quan tâm đến phần ủy quyền.

Các đại biểu phải hoạt động theo quy chế, phải báo cáo kết quả hoạt động với cử tri, phải chịu sự giám sát của Mặt trận và của truyền thông... Còn các cử tri, sau khi bỏ phiếu xong, gần như hết trách nhiệm, gồm cả việc nhớ tên.

Ngoài ra, trong gần 30 năm làm việc cho Quốc hội, tôi biết rằng có không ít đại biểu đã giải quyết được rất nhiều việc cho cử tri của mình, đặc biệt là khi họ đeo bám đến cùng những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Làm đại biểu, đặc biệt đại biểu Quốc hội, là một nghề rất khó. Nếu chỉ được làm một nhiệm kỳ, khó có đại biểu nào có thể trở nên hiệu năng và chuyên nghiệp được. Điều đáng phấn khởi là tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đang được tăng lên đến 40% cho khóa XV tới. Như vậy, chúng ta sẽ có đến 200 đại biểu sẽ làm việc toàn thời gian cho Quốc hội và cử tri. Hy vọng, các đại biểu sẽ có kỹ năng làm người đại diện cho Nhân dân tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Tất nhiên, để có được các đại biểu hiệu năng, trước hết phải chọn được những đại biểu như vậy hoặc có tiềm năng trở thành như vậy qua cuộc bầu cử vào ngày 23/5 sắp tới. Mà ở đây, cử tri chúng ta sẽ có vai trò quyết định.

Ngày bầu cử tháng 5 sắp tới chính là ngày "chọn mặt gửi vàng". Để "chọn mặt gửi vàng", quan trọng là phải hiểu biết về các ứng cử viên mà mình sẽ cân nhắc lựa chọn.

Tìm kiếm thông tin về các ứng cử viên thông qua tiểu sử, qua các cuộc tiếp xúc cử tri trong quá trình vận động bầu cử và qua phỏng vấn được đăng tải trên truyền thông rất quan trọng. Trong trường hợp bất khả kháng, bạn vẫn có thể tìm hiểu về các ứng cử viên thông qua tiểu sử tóm tắt được dán ở khu vực bỏ phiếu.

Quan trọng hơn nữa, cần tránh hiện tượng bầu thay, bầu mù. Bầu thay là việc một người đi bầu cử thay cho cả nhà. Việc này mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng đôi khi vì thành tích, nhiều tổ bầu cử có thể nhắm mắt cho qua. Bầu mù là việc nhắm mắt gạch đại cho xong, không cần để ý mình đã bầu cho ai.

Nếu chúng ta để chuyện bầu thay, bầu mù xảy ra, thì làm sao ta có thể nhớ được mình đã bầu cho ai? Nếu không nhớ được mình đã bỏ phiếu cho ai, làm sao bạn biết đại biểu của mình là ai để đòi hỏi người đó phải đại diện cho lợi ích của mình?./.

 

                                                                                            TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

https://tcnn.vn/news/detail/50800/ten-cua-dai-bieu-toi-bau.html

 
Ý kiến của bạn