Cán bộ, chiến sĩ (thuộc Vùng Cảnh sát biển 3 và Vùng 5 Hải quân) bỏ phiếu bầu cử sớm tại ngoài khơi vùng biển huyện Ðông Hải (Bạc Liêu)
Được sự chấp thuận của Ủy ban Bầu cử quốc gia, hôm qua, hàng nghìn cử tri ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc phấn khởi, vinh dự, tự hào cầm lá phiếu đi bầu cử sớm, lựa chọn những đại biểu ưu tú có đức, có tài, có tầm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân vào Quốc hội (QH) khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trên vùng quê Bạc Liêu những ngày này, từ trung tâm thành phố đến các huyện vùng ven biển, vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer như: Ðông Hải, Hồng Dân, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, thị xã Giá Rai…, đến đâu chúng tôi cũng được tận mắt chứng kiến không khí thật rộn ràng, khẩn trương, sôi động trước ngày hội lớn của đất nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân cao cả của mình. Từ thị xã Giá Rai đến thị trấn vùng ven biển Gành Hào (huyện Ðông Hải) hơn 30 km, hai bên đường Quốc kỳ đỏ rực phấp phới tung bay trong gió biển. Các băng-rôn, áp-phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động bầu cử, càng làm cho không khí nơi đây thêm nhộn nhịp, tưng bừng, vui tươi, thật sự là ngày hội lớn của toàn dân…
Ðáng chú ý, ngay từ sáng sớm 19-5, tại vùng biển thuộc huyện Ðông Hải, 37 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu Cảnh sát biển 3001 (Vùng Cảnh sát 3) và tàu Vạn Hoa 792 (Vùng 5 Hải quân), phấn khởi được bỏ phiếu bầu cử sớm hơn bốn ngày so với ngày bầu cử toàn quốc. Ðại tá Nguyễn Sỹ Cường, Chủ nhiệm Chính trị (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu) cho biết: "Trong tổng số 37 cán bộ, chiến sĩ được vinh dự bỏ phiếu sớm, có 34 cán bộ, chiến sĩ thuộc tàu Cảnh sát biển 3001 và tàu Vạn Hoa 792, thực hiện quyền và nghĩa vụ bỏ phiếu bầu ba đại biểu Quốc hội (ÐBQH) khóa XV đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Bạc Liêu (gồm thị xã Giá Rai và các huyện: Ðông Hải, Phước Long, Hồng Dân). Còn ba cán bộ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu phối hợp làm nhiệm vụ trên các tàu nêu trên, ngoài bỏ phiếu bầu ÐBQH, còn bỏ phiếu bầu hai đại biểu HÐND tỉnh khóa 10 ở đơn vị bầu cử số 16, gồm thị trấn Gành Hào và các xã: An Phúc và Long Ðiền Tây, thuộc huyện Ðông Hải…
Rời thị trấn ven biển Gành Hào đầy nắng và gió, chúng tôi đến xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi. Xã Hưng Hội có hơn 76% số dân là đồng bào Khmer, là xã có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Bạc Liêu. Bí thư Ðảng ủy xã Hưng Hội phấn khởi cho biết: Ðể công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, nhiều ngày qua, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp chức sắc, ban quản trị các chùa Khmer trên địa bàn xã, các thành viên "Câu lạc bộ ba tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer" tăng cường tuyên truyền cho chư tăng, phật tử và nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm của cử tri về bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND các cấp…
Thượng tọa Tăng Sa Vông, Phó Chủ tịch Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, trụ trì chùa Cái Giá (xã Hưng Hội), là người có uy tín trong đồng bào Khmer ở Bạc Liêu cho biết: "Bà con phật tử, nhất là các vị chức sắc nơi đây ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ rất cao, thực hiện tốt công tác bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND các cấp…".
Ở Bạc Liêu, những ngày này, lực lượng đoàn viên, thanh niên, các đội "xung kích" đều không quản ngại nắng mưa, vất vả, hăng hái, liên tục đi tuyên truyền lưu động về bầu cử khắp các tuyến đường, con hẻm. Các bạn trẻ trong mầu áo thanh niên Việt Nam tươi trẻ, dù mồ hôi ướt đẫm áo nhưng ai cũng vui vẻ, đầy nhiệt huyết điều khiển những chiếc mô-tô, xe gắn máy chở theo loa, pa-nô tuyên truyền, cổ động ngày bầu cử.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Bạc Liêu, Lê Thị Ái Nam chia sẻ: Bạc Liêu có hai đơn vị bầu cử ÐBQH; 17 đơn vị bầu cử đại biểu HÐND tỉnh, 67 đơn vị bầu cử HÐND cấp huyện, 521 đơn vị bầu cử HÐND cấp xã. Tỉnh đã thành lập 551 tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh, tổng số có 8.694 thành viên. Toàn tỉnh có 611.723 cử tri; có 551 khu vực bỏ phiếu. Tỉnh có 83 người ứng cử đại biểu HÐND cấp tỉnh, 386 người ứng cử đại biểu HÐND cấp huyện, 2.846 người ứng cử đại biểu HÐND cấp xã. Cơ cấu nữ, trẻ, tái ứng cử, ngoài đảng, dân tộc, tôn giáo đều bảo đảm theo quy định…
Lúc 7 giờ sáng 21-5, hoạt động bầu cử đã diễn ra trang nghiêm trên cụm đảo Hòn Khoai một trong hai nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau tổ chức bầu cử sớm. Từ sáng sớm, các cử tri là cán bộ, chiến sĩ và người lao động trên đảo háo hức đến điểm bầu cử đặt tại Ðồn Biên phòng Hòn Khoai. Ai cũng đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, sát khuẩn và giữ khoảng cách an toàn. Mọi người lần lượt xuất trình thẻ cử tri để nhận phiếu bầu, sau đó lần lượt di chuyển vào khu vực bầu cử là một hội trường lớn.
Cử tri Huỳnh Tuấn Kiệt, công tác tại Trạm Kiểm lâm Hòn Khoai chia sẻ: Chúng tôi đã xem kỹ tiểu sử của các đại biểu được niêm yết công khai tại điểm bầu cử, cho nên biết rõ để chọn bầu người xứng đáng. Chúng tôi kỳ vọng các đại biểu khi trúng cử sẽ quan tâm giúp đỡ hơn nữa đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở những đảo xa như Hòn Khoai.
Cụm đảo Hòn Khoai thuộc Ðơn vị bầu cử số 4, Tổ bầu cử số 5 của Ủy ban Bầu cử xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Cụm đảo nêu trên có 223 cử tri tham gia bỏ phiếu. Họ là lực lượng của Bộ đội Biên phòng, hải quân, trạm hải đăng, kiểm lâm và một số công nhân, người lao động của doanh nghiệp đang làm nhiệm vụ trên đảo. Ðến gần 11 giờ cùng ngày, việc bỏ phiếu cơ bản hoàn tất. Tổ bầu cử đã thực hiện kiểm số lượng phiếu bầu ngay tại điểm bầu cử trước khi vận chuyển vào đất liền.
Cùng thời gian như Hòn Khoai, nhưng việc bầu cử ở cụm đảo Hòn Chuối không được thuận lợi. Các thành viên trong tổ bầu cử đi tàu chuyên dụng của Bộ đội Biên phòng, phải vất vả đội mưa to, sóng lớn, đến gần 10 giờ sáng mới đến đảo nhỏ cách đất liền hơn
17 hải lý. Ðiểm bầu cử nằm ở đỉnh Hòn Chuối là nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) và kiểm lâm.
Theo tàu ra đảo vào sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Phương Ðông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: Cụm đảo Hòn Chuối thuộc Ðơn vị bầu cử số 1, Tổ bầu cử số 3 của Ủy ban Bầu cử thị trấn Sông Ðốc. Trên đảo có 177 cử tri là cán bộ, chiến sĩ các LLVT và người dân. "Việc di chuyển ra đảo có chút khó khăn vì mưa to, sóng dữ, nhưng khi đến nơi, hoạt động kiểm tra y tế đã hoàn tất. Vì thế, việc bỏ phiếu cùng lắm kéo dài đến khoảng 13 giờ là xong để chúng tôi vận chuyển phiếu bầu vào đất liền trong ngày" - đồng chí Nguyễn Phương Ðông nói.
Trên cơ sở đề xuất của Cà Mau, ngày 20-4, Hội đồng Bầu cử quốc gia có văn bản cho phép tổ chức bầu cử ở cụm đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối vào ngày 21-5, sớm hơn hai ngày so với ngày bầu cử toàn quốc. Ðể bảo đảm việc bỏ phiếu bầu cử sớm ở hai cụm đảo nêu trên kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, được sự chỉ đạo của cấp trên, nhiều ngày trước đó, các tổ chức phụ trách bầu cử tại hai cụm đảo đã xây dựng kế hoạch, phương án bỏ phiếu sớm (về phương tiện, thời gian, nhân sự, thực hiện quy trình bỏ phiếu, kiểm phiếu, lập biên bản, bảo quản và bàn giao tài liệu, vật liệu…). Công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân trên đảo được quan tâm thực hiện thường xuyên, bảo đảm cho người dân nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia bầu cử.
Ðại diện Ủy ban Bầu cử tỉnh Cà Mau cho biết, bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn tỉnh có 14 đơn vị bầu cử, với 1.259 khu vực bỏ phiếu của cử tri, tổng số 852.514 cử tri đủ điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Hiện, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Ủy ban Bầu cử tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các công việc để chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử, để ngày bầu cử thật sự vui tươi, dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thành công.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, nhất là bảo vệ các điểm bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra an toàn, sáng 21-5, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hậu Giang náo nức đi bầu cử sớm ở 10 khu vực bầu cử trên địa bàn. Ðúng 6 giờ 30 phút, tại khu vực số 6, phường 5, TP Vị Thanh, nơi tổ chức cho LLVT tỉnh Hậu Giang bỏ phiếu bầu cử sớm, khá đông cán bộ, chiến sĩ đã có mặt để làm các thủ tục, thực hiện nghiêm các khâu phòng, chống dịch Covid-19, như: đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách an toàn trong quá trình làm các thủ tục bầu cử. Ðiểm bầu cử này có năm người ứng cử ÐBQH khóa XV, tám người ứng cử đại biểu HÐND tỉnh, năm người ứng cử đại biểu HÐND thành phố Vị Thanh. Chiến sĩ Nguyễn Quốc An cho biết: "Trước đó, lãnh đạo đơn vị đã tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt bầu cử lần này, nhất là tìm hiểu kỹ các ứng cử viên để bầu đúng, bầu đủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc lựa chọn người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026". Ðại tá Huỳnh Việt Trung, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang cho biết, theo kế hoạch, đến 9 giờ sáng, cán bộ, chiến sĩ thuộc các phòng, ban của đơn vị bỏ phiếu xong, ngay sau đó tổ bầu cử chở thùng phiếu phụ đến các đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ sẵn sàng trực chiến để tiếp tục bầu cử.
Tại khu vực bầu cử số 3, phường V, TP Vị Thanh, Công an tỉnh Hậu Giang cũng tổ chức cho hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đi bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, trong quá trình bầu cử, ưu tiên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp chiến đấu và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân bỏ phiếu trước, sau đó đến các đơn vị còn lại; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19. Trung úy Trương Thị Ngọc Thương, cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Hậu Giang cho biết: Trước khi bỏ phiếu, tôi đã tìm hiểu kỹ các ứng cử viên ÐBQH và đại biểu HÐND các cấp. Ai cũng đủ tiêu chuẩn, nhưng tôi sẽ lựa chọn những người xứng đáng hơn để bầu ra những đại biểu ưu tú đại diện cho nhân dân ở địa phương và QH. Hy vọng, nhiệm kỳ tới những người trúng cử sẽ có nhiều đóng góp thiết thực để tỉnh Hậu Giang nói riêng và đất nước nói chung, ngày càng phát triển.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hậu Giang đi bầu cử sớm
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang, các điểm bỏ phiếu bầu cử sớm của tỉnh hầu hết hoàn tất trong buổi sáng 21-5; được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm và bảo đảm an toàn phòng dịch.
Đúng 7 giờ sáng 21-5, năm khu vực bỏ phiếu trên xã đảo Thổ Châu, TP Phú Quốc (Kiên Giang) đã đồng loạt khai mạc bầu cử ÐBQH khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại khu vực bỏ phiếu dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ LLVT đã thực hiện nghi thức chào cờ và tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Diễn ra bầu cử sớm trên xã đảo Thổ Châu, ngoài người dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT đóng quân trên địa bàn tham gia bỏ phiếu, còn có cán bộ, chiến sĩ của các tàu thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển cũng tranh thủ bầu cử sớm ở Thổ Châu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên biển. Tại tất cả các điểm bầu cử, cử tri đều đeo khẩu trang và xếp hàng giãn cách, bảo đảm trật tự, chờ đến lượt để thực hiện quyền bầu cử. Cử tri Võ Minh Hoàng, chiến sĩ Trung đoàn 152 (Quân khu 9) chia sẻ: "Ðây là lần đầu tôi đi bầu cử ÐBQH và HÐND các cấp. Ðược cầm lá phiếu trên tay, tôi rất phấn khởi, tự hào. Hy vọng các ÐBQH, HÐND các cấp được bầu vào khóa tới sẽ có nhiều đóng góp thiết thực cho đất nước và địa phương, nhất là bà con xã đảo.
Cử tri Nguyễn Bảo Thu, là ngư dân ở ấp Bãi Ngự, sau khi thực hiện xong quyền bầu cử, phấn khởi nói: "Tôi làm nghề câu. Hôm nay nghỉ hẳn một ngày để đi bầu cử. 5 năm mới có một lần, tôi phải nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Bầu xong, ngày mai ra biển tiếp".
Thượng tá Dương Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã làm tốt công tác tuyên truyền về bầu cử cho cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện các nhiệm vụ trên biển. Ðồng thời, trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực tuyên truyền cho người dân đang làm ăn trên biển hiểu về các nội dung của cuộc bầu cử và đề nghị họ quay về nơi đăng ký thường trú, tạm trú sớm để đi bầu cử đúng ngày quy định. Hiện tại, có một số tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 4 đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển tây nam, trong đó, có một số tàu thực hiện nhiệm vụ chống xâm nhập trái phép, một số tàu tuyên truyền về pháp luật… Ðể bảo đảm cho tất cả cán bộ, chiến sĩ được tham gia bầu cử, Bộ Tư lệnh vùng đã làm tốt công tác chuẩn bị, trong đó bố trí để cán bộ, chiến sĩ tham gia bầu cử sớm cùng các lực lượng khác và người dân trên xã đảo Thổ Châu. Và hôm nay, ngay từ sáng sớm, cán bộ, chiến sĩ đã chủ động thực hiện các nội dung đề ra để tiến hành bầu cử, nhằm bảo đảm thời gian và 100% quân số được bầu cử.
Ðồng chí Ðỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã đảo Thổ Châu cho biết: Thổ Châu nằm tách biệt và đi lại khó khăn, cho nên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang cho phép tổ chức bầu cử sớm. Công tác bầu cử của các xã đảo được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Sáng qua, hơn 42 nghìn cử tri tại 207 điểm bầu cử tại các bản làng vùng sâu, vùng xa biên giới thuộc bốn huyện miền núi tỉnh Nghệ An đã đi bầu cử sớm.
Bà con người dân tộc Thái bỏ phiếu tại Ðơn vị bầu cử số 2, ở Bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)
Ðồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện cho biết: Với 156 trong số 194 tổ bầu cử thuộc 16 xã ở vùng sâu, vùng xa biên giới trong tổng số 21 xã, thị trấn trong toàn huyện được tổ chức bầu cử sớm, chúng tôi xác định, đây là ngày hội lớn chính thức của đồng bào các dân tộc huyện nhà.
Tuy núi non hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng trên các nẻo đường, tại các khu vực bỏ phiếu ở huyện rẻo cao 30a này đều được trang hoàng lộng lẫy cờ, băng-rôn, khẩu hiệu… chào mừng ngày hội non sông. Từ sáng sớm, trên các tuyến đường từ các cụm dân cư dẫn về tại điểm bỏ phiếu số 2 - Nhà văn hóa bản Xốp Thạng, xã Hữu Lập, từng tốp người trong trang phục truyền thống hồ hởi, phấn khởi đi bầu cử. Tại khu vực bỏ phiếu, Ban tổ chức bố trí đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang và yêu cầu mọi người thực hiện đúng 5K theo quy định. Em Kha Thị Cẩm Tiến, 19 tuổi, xúc động cho biết: Lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân của mình, tôi sẽ lựa chọn bầu những người có nhiều thành tích, ưu tiên người trẻ, có trình độ. Cụ Lương Thị Minh, 70 tuổi, người dân tộc Thái, đang xem xét lần cuối lý lịch các ứng cử viên cho biết: Tuy đã đi bầu cử nhiều lần, nhưng mấy hôm nay tôi cứ háo hức chờ đợi để được cầm lá phiếu trên tay lựa chọn những cán bộ tiêu biểu, đủ tài, đức.
Chủ tịch UBND xã Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Hữu Lập, Lô Ðình Thụ cho biết: Toàn xã có hơn 1.400 cử tri đều là người dân tộc Thái và Khơ Mú với sáu điểm bỏ phiếu. Do địa bàn rộng, một số điểm bỏ phiếu cách xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn; trong đó có điểm ở bản Moọng Ó cách trung tâm xã hơn một giờ đi xe máy, lại không có sóng điện thoại để liên lạc, nhưng đến trưa cùng ngày đã có hơn 80% số cử tri đi bầu cử... Tại những nơi có người già, ốm đau không đi lại được, một số người đang cách ly từ vùng dịch các tổ kiểm phiếu đưa thùng phiếu phụ đến tận nơi để họ bỏ phiếu đúng quy định. Do chủ động thông tin sớm cho nên nhiều người làm ăn ở xa đã kịp thời về địa phương bỏ phiếu ngay trong sáng nay.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn, Lỳ Bá Thái cho biết: Ðể tránh sai sót trong ngày hội bầu cử, huyện đã có các phương án chuẩn bị chu đáo. Những ngày trước khi bầu cử diễn ra, Ủy ban Bầu cử của huyện đã cử các đoàn công tác đi đến từng điểm bầu cử để đôn đốc từng công việc, một cách tỉ mỉ nhất là phần trang trí điểm bỏ phiếu, bố trí phòng bỏ phiếu, hệ thống loa đài; huy động các nguồn lực, phương án sắp xếp bố trí nguồn điện thắp sáng, máy móc, thiết bị cần thiết cho phục vụ việc kiểm phiếu… nhất là khu vực chưa có điện lưới (toàn huyện hiện có 99 khu vực bỏ phiếu chưa có điện lưới). Tại tất cả các điểm bầu cử đều có cán bộ hướng dẫn cử tri thực hiện 5K để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đồng chí Vi Hòe, công tác bầu cử sớm ở các điểm bầu cử của Kỳ Sơn đều diễn ra như kế hoạch. Ðến trưa cùng ngày, đã có 81 trong số 156 khu vực (điểm) bầu cử hoàn thành việc bỏ phiếu; đã có hơn 24 trong số 31 nghìn cử tri trong huyện thực hiện quyền bỏ phiếu, đạt 81%...
Ở Nghệ An, ngoài huyện Kỳ Sơn còn có 51 khu vực bỏ phiếu thuộc 13 xã của các huyện miền núi Quế Phong, Tương Dương và Con Cuông, với hơn 11 nghìn cử tri tham gia ngày hội bầu cử sớm. Thời điểm diễn ra bầu cử, tại nhiều địa phương vào đúng dịp thu hoạch lúa và thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, Ban Chỉ đạo bầu cử có chủ trương khai mạc sớm để đồng bào đi bỏ phiếu, vừa tránh được nắng nóng vừa tạo điều kiện giúp họ về đi thu hoạch lúa.
Theo báo cáo, có khoảng hơn 42.600 cử tri các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Con Cuông đi bầu cử sớm tại 207 điểm bỏ phiếu. Ðến trưa cùng ngày, đã có hơn 80% số cử tri đi bầu cử. Cũng theo đánh giá của Ủy ban Bầu cử tỉnh Nghệ An, trong suốt quá trình tổ chức bầu cử, các tổ bầu cử sớm đã thực hiện đúng quy trình, làm tốt công tác tuyên truyền cho cử tri nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của cuộc bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Công tác niêm yết danh sách, tổ chức cho các cử tri nghiên cứu thông tin, tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên được tiến hành đúng trình tự, nguyên tắc, bảo đảm cử tri nghiên cứu kỹ và nắm chắc thông tin về ứng cử viên. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự cũng được các tổ bầu cử và các địa phương chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc.
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/ngay-hoi-som-o-vung-sau-vung-xa-647148