Phú Yên: Đẩy mạnh Thi đua để phát triển kinh tế - xã hội.

 8259 lượt xem
(BTĐKT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh Phú Yên giai đoạn (2011 – 2015), với sự phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, các ngành, các cấp cùng nhân dân trong tỉnh, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh cơ bản ổn định và một số mặt phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Những kết quả đạt được nêu trên có sự đóng góp tích cực của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. 

Thông qua các phong trào thi đua đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, đạt được mức tăng trưởng GDP là 10,5% trong đó: Nông- lâm-thủy sản tăng 1,7%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,5%, dịch vụ tăng 12,8%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GDP bình quân đầu người là 23,2 triệu đồng, tăng 18,4% so với năm trước. 

Nhiều phong trào được triển khai có hiệu quả.
 
Thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; năm 2012 một số phong trào thi đua tiêu biểu được tổ chức, phát động trên địa bàn tỉnh, như:  Phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua lập thành tích Kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc... 
 
Cụ thể, lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản: Các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phát động nhiều phong trào thi đua như: “Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, phong trào “Làm kinh tế trang trại, kinh tế tập thể”; phong trào thi đua lao động sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng...; Qua các phong trào trên đã thu hút nhiều nông dân, ngư dân tham gia, góp phần làm cho sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Các mô hình sản xuất bước đầu làm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có hiệu quả trong kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. 
 
Những chuyến tàu neo đậu hai bên bờ kè Tam Giang (TX Sông Cầu)  nổi tiếng về du lịch biển đang chuẩn bị ra khơi.
 
Trong các phong trào thi đua nêu trên toàn tỉnh đã có hơn 54.000 hộ nông dân được công nhận hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở 4 cấp, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương có thu nhập ổn định. Tiêu biểu như: Ông Bùi Văn Ngọ, thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu với mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả, hàng năm thu nhập trên 900 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Cường, khu phố Long Bình,  phường Xuan Phú, thị xã Sông Cầu, hàng năm nuôi Nhím thu nhập trên 500 triệu đồng; ông Tạ Phan Thế Dũng, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân trồng dưa hấu và các loại cây trồng khác, hàng năm thu nhập trên 300 triệu đồng; ông Lê Ngọc Nuôi, Hội viên khu phố thôn Long Châu, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân làm trang trại Nông - Lâm kết hợp, lợi nhuận 362 triệu đồng trên năm, tạo việc làm cho 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số... 
 
 Trong lĩnh vực Công nghiệp: Với các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả, ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đã góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 đạt 6.354 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2011. Nhiều sản phẩm tăng khá so với năm 2011 như: Tinh bột sắn tăng 43%; thuốc viên các loại tăng 20,2%; hàng may mặc tăng 13,9%; đường kết tinh các loại tăng 4,8%... Đã thu hút thêm 02 dự án mới vào các khu công nghiệp, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư lên 76 dự án (trong đó: 62 dự án đi vào sản xuất, 07 dự án đang triển khai, 07 dự án đang lập thủ tục đầu tư), góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.
 
Trong năm 2012, ngành Du lịch đã tiếp đón trên 500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 40.000 lượt, tăng 33,3%, doanh thu du lịch 500 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. “Dịch vụ vận tải” tiếp tục phát triển ổn định, duy trì hoạt động của các loại xe khách chất lượng cao, đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của người dân; Trong năm vận chuyển hành khách tăng 26,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 23,3%, doanh thu đạt 1.277 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm trước. Điển hình như Công ty Cổ phần Thuận Thảo, có doanh thu lên đến 141 tỷ đồng; doanh nghiệp vận tải Cúc Tư, có doanh thu 16 tỷ đồng…
 
Ngoài ra, ngành thuế của tỉnh đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu ngân sách cho tỉnh đạt 1.538,6 tỷ đồng trong điều kiện có nhiều khó khăn. 
 
Thông qua các phong trào thi đua đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, đạt được mức tăng trưởng GDP là 10,5% trong đó: Nông- lâm-thủy sản tăng 1,7%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,5%, dịch vụ tăng 12,8%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GDP bình quân đầu người là 23,2 triệu đồng, tăng 18,4% so với năm trước. 
 
Khen thưởng kịp thời và lan tỏa trong cộng đồng
Năm 2012, phong trào thi đua yêu nước của Tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo; các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nên đã có sự chuyển biến tích cực. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố mới trong các lĩnh vực... Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo được sức lan tỏa chung, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2012 và góp phần đưa công tác thi đua, khen thưởng ngày càng phát triển.
 
Nhịp sống miền núi đang chuyển động rộn ràng. Đời sống bà con đang khá dần lên nhờ chính sách của tỉnh.
 
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở các địa phương, đơn vị được bồi dưỡng về nghiệp vụ, tham mưu kịp thời cho Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đúng quy định; Phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung thi đua thiết thực, bám sát với chức năng, nhiệm vụ được giao của các địa phương, đơn vị. 
 
Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các phong trào thi đua,  được thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện ở các địa phương, đơn vị. Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cũng được chú trọng; Báo Phú Yên, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình đã dành nhiều trang, bài để giới thiệu các gương người tốt, việc tốt, các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn có một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác xét, công nhận danh hiệu thi đua ở một số đơn vị còn nể nang, chưa chú trọng chất lượng; Chiến sĩ thi đua cơ sở được công nhận hàng năm ở một số đơn vị chiếm tỷ lệ còn cao (30 – 70%) so với số lượng cán bộ, công chức; số cá nhân đề nghị các cấp khen thưởng là cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn chiếm tỷ lệ cao so với công chức, viên chức và người lao động trực tiếp.
 
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến thực hiện chưa thường xuyên. Nhiều nhân tố mới, điển hình mới, gương người tốt, việc tốt, nhiều sáng kiến hay chưa được tổng kết, phổ biến nhân rộng, việc tổ chức học tập áp dụng mô hình mới còn lúng túng, đã làm hạn chế tác dụng và hiệu quả của phong trào thi đua chung của Tỉnh. 
 
Năm 2013 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV, để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong năm 2013, công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ngay từ những ngày tháng đầu năm theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra; tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức, Chung lòng xây dựng nông thôn mới” xem xét khen thưởng kịp thời các xã đạt nhiều tiêu chí, các tập thể, cá nhân thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động thi đua Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/1948 – 11/6/2013) bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung quy định, quy chế về thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng để phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng ở các địa phương, đơn vị. 
 
Trần Ngọc Tú
 
 
Ý kiến của bạn