Tết Nguyên đán đang đến gần, đây là thời điểm thuận lợi nhất cho người nông dân tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên thời tiết rét hại, rét đậm, nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa phùn, gió bấc, độ ẩm cao khiến nhiều chủ gia trại, trang trại chăn nuôi không khỏi lo lắng tìm cách chống rét bảo vệ đàn lợn và gia súc, gia cầm. Với anh Đồng Văn Thành, một chủ trang trại ở xã Tân Phong (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) mùa đông năm nay, anh chẳng bận tâm nhiều đến thời tiết, vì gia đình anh là một trong những hộ được Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh triển khai thử nghiệm chăn nuôi lợn trên nền chuồng rải đệm lót sinh học (còn gọi là công nghệ chăn nuôi không phân) vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa có tác dụng giữ ấm cho đàn lợn.
Sau khi được HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong và Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh cho đi thăm quan một số mô hình ứng dụng công nghệ chăn nuôi trên nền chuồng có đệm lót sinh học ở tỉnh ngoài, anh Thành phấn khởi xuất vốn mua đủ định lượng nguyên liệu cần thiết làm đệm lót sinh học gồm vỏ trấu, mùn cưa theo đúng hướng dẫn. Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông, Khuyến ngư cử kỹ sư trực tiếp hướng dẫn anh Thành đảo, ủ chế phẩm sinh học men BALASA NO1 vào trấu, mùn cưa, khi đủ ngày lên men, đem rải trên nền chuồng lợn, độ dày 60 cm. Anh Thành thí điểm nuôi 2 đàn lợn để so sánh đối chứng: Một đàn lợn nuôi trong chuồng bình thường, một đàn lợn 15 con nuôi trong chuồng 30 m2, (2 m2/con), nền chuồng rải đệm lót sinh học. Qua 2 tháng, anh Thành khẳng định: Triển khai mô hình này đã tiết kiệm được khoảng 80% lượng nước trong chăn nuôi, do không phải sử dụng để rửa chuồng, tắm cho lợn; giảm 50% nhân công lao động do không cần tốn công vệ sinh chuồng trại mỗi ngày; tiết kiệm 10% thức ăn do khả năng tiêu hóa hấp thụ của vật nuôi tốt hơn nhờ vào lượng vi sinh vật có lợi từ đệm lót, đồng thời, giảm ô nhiễm môi trường, không hề có mùi hôi nên ruồi, muỗi cũng không có. Đàn lợn phát triển tốt, ít bệnh, tăng trưởng nhanh (bình quân trên 18 kg/tháng/con) so với nuôi ở chuồng xử lý phân, nước thải bằng hầm bioga. Với giá thành khoảng trên 5 triệu đồng/diện tích chuồng 30 m2, sử dụng trong vòng 4 năm mới phải thay đệm lót mới. Đệm lót cũ thải ra là loại phân bón lý tưởng cho các loại cây trồng. Qua anh Thành, chúng tôi được biết: Tại Nguyên Xá (Vũ Thư), một số chủ hộ trong câu lạc bộ gia trại, trang trại của xã cũng đã ứng dụng mô hình sử dụng đệm lót sinh học BALASA NO1 rải trên nền chuồng nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế cao, chống rét cho đàn gà rất tốt, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế được bệnh hô hấp và tiêu hóa của gà, giảm chi phí chăn nuôi, hạ giá thành sản phẩm. Sắp tới, anh Thành có kế hoạch tiếp tục ứng dụng đệm lót cho toàn bộ khu chuồng nuôi lợn, gà.
Trò truyện với anh Thành, chúng tôi đặc biệt cảm phục nghị lực và sự thông minh, năng động của anh trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với tích lũy kinh nghiệm. Vì thế, tuy đồng vốn hạn hẹp, trong thời gian 3,4 năm, vợ chồng anh đã biến khu đất hoang rộng 3 mẫu thành trang trại chăn nuôi tổng hợp, trong đó có cá lóc bông, ếch giá bán thành phẩm cao, thị trường tiêu thụ không bị sức ép cạnh tranh. Anh mua một máy xay viên thức ăn, tự pha chế thức ăn cho từng con vật nuôi bằng đỗ tương, thóc nghiền, ngô, cá vụn trộn với phụ phẩm vợ anh bán hàng thực phẩm tươi sống mang về theo tỷ lệ thích hợp. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, anh Thành luôn tìm tòi, đúc rút nhiều kinh nghiệm. Ví dụ khi mới nuôi ếch, có hiện tượng chúng không bị bệnh nhưng chết hàng loạt. Anh mổ xác ếch tìm hiểu nguyên nhân thấy chúng bị vỡ dạ dày do ăn quá no. Anh liền rút kinh nghiệm đem sấp nước để hạt cám trương nở mới cho ếch ăn. Những ngày trời lạnh, con ếch dễ mắc bệnh loét miệng, anh chủ động trộn thuốc vào thức ăn phòng bệnh khi nghe dự báo thời tiết thay đổi. Đối với đàn vịt đẻ, anh cũng rút kinh nghiệm lượng thức ăn mỗi con cần 1,4 lạng/ngày nhưng nếu cho vịt mẹ ăn một lần, quả trứng vịt vỏ dầy hơn chia thức ăn làm 2-3 bữa/ngày. Ngược lại, con lợn và con gà lại phải chia khẩu phần thức ăn 2-3 lần/ngày để chúng hấp thu hết thức ăn. Có lần cá trắm cỏ trong ao bị bệnh, Kỹ sư trại cá Hòa Bình hướng dẫn anh trộn thuốc vào cám viên rắc xuống ao, anh làm theo nhưng các loại cá khác tranh nhau đớp hết mồi. Anh suy nghĩ đem thuốc hòa nước, dùng bình phun vào cỏ, phơi cho cỏ héo, thuốc bám chặt vào cỏ mới thả xuống ao. Loại thức ăn này các loại cá khác thờ ơ nên cá trắm cỏ độc quyền tiêu thụ, nhanh khỏi bệnh.
Có vốn tích lũy từ vườn ao, vợ chồng anh Thành mua một ki ốt bán hàng ở chợ Đề Thám (Thành phố), thuê thêm lao động chuyên chế biến thực phẩm phục vụ bếp ăn tập thể của khu công nghiệp đặt hàng và nhận cung cấp các món ăn đặc sản cho đám cưới, nhà hàng, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Lợi nhuận thu được anh chị đầu tư cho các con ăn học và quay vòng nâng cấp trang trại. Từ chỗ khó khăn, công nợ nay kinh tế khá giả, trang trại ngày càng xanh, sạch, trù phú.