Lễ Tôn vinh đón bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013

 8949 lượt xem
Ngày 13/4 (tức 4/3 năm Quý Tỵ), tại Trung tâm Lễ hội Khu Di tích Lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng – nơi hội tụ của khí thiêng sông núi, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013. 

Chủ tịch nước Trân Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ.

Tới dự về phía Trung ương có các đồng chí: Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ KH&CN; Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Tổng ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội; Vũ Trọng Kim – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Lưu Hải – Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ; Trung tướng Dương Đức Hòa – Tư lệnh Quân khu II; Trung tướng Trần Đơn – Tư lệnh Quân khu VII; Mai Văn Ninh – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí lãnh đạo đại diện bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương; Ban Chỉ đạo Tây Bắc; các thành viên hội đồng di sản quốc gia; đoàn đại biểu đại diện kiều bào tiêu biểu. Dự buổi lễ có các đại diện quốc tế: Ngài Etienne Clément -  đại diện Văn phòng Tổ chức UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Bangkok; bà Katherine Muller Martin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; các cơ quan đại diện ngoại giao các nước: Braxin, Ai Cập, Ma rốc, Hàn Quốc, Iran, Bỉ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Tây Ban Nha và lãnh đạo một số tỉnh thành trong cả nước.

Về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Chu Ngọc Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Minh Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, đoàn ĐBQH tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các thành viên Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị; đại diện các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
Ngày 6/12/2012, tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể diễn ra tại Pa-ri (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vui, vinh dự của tỉnh Phú Thọ mà còn của cả nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Và càng tự hào hơn khi đó là di sản của tinh thần và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hơn 86 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất hình chữ S đã lập tới 1.417 di tích thờ các Vua Hùng và tổ chức giỗ Tổ hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Đồng thời là dịp quan trọng để chúng ta chuyển tải ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo đã tồn tại hàng ngàn năm nay, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
  
Ngài Etienne Clément - đại diện Văn phòng Tổ chức UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok và bà Katherine Muller Martin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trao Bằng công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho lãnh đạo Bộ VHTT&DL và lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ.
 
Tại Lễ tôn vinh, Bà Katherine Muller Martin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, bà rất vui khi Ủy ban Liên Chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã quyết định Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà ghi nhận sự tâm huyết và những nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành, các tổ chức văn hóa, cộng đồng, truyền thông, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và quần chúng nhân dân trong việc xây dựng Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Lễ tôn vinh hôm nay chính là sự nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đoàn kết và thống nhất đối với dân tộc Việt Nam cũng như tầm quan trọng đối với sự công nhận  giá trị của sự đa dạng được thống nhất bởi một cội nguồn duy nhất, một mối quan hệ huyết thống duy nhất vốn được hình thành từ tình yêu giữa cha Rồng mẹ Tiên Lạc Long Quân – Âu Cơ. Bà mong niềm tin này sẽ mãi gắn kết dân tộc Việt Nam và định hướng cho mọi người dân cùng nhau chung sống bền vững đồng thời bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Anh Tuấn đã công bố Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giai đoạn 2013 -  2015, định hướng đến năm 2020 gồm 9 nội dung nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị to lớn, độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
 
Phát biểu tại Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định mỗi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về Tổ tiên, với tấm lòng thành kính, tri ân. Khai mạc lễ hội Đền Hùng năm nay, nhân dân ta có thêm niềm vui, niềm vinh dự, tự hào to lớn là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của nhân dân ta được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lòng biết ơn tôn kính đối với tổ tiên, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta được công nhận là di sản có giá trị mang tính toàn cầu, là sự đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại. Vinh dự, tự hào đồng thời cũng đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta và đồng bào các dân tộc Phú Thọ trách nhiệm to lớn là phải tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa giá trị của di sản vô giá này, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho những giá trị văn hoá của cha ông chúng ta để lại mãi mãi toả sáng cùng với những bước tiến của đất nước trong thời đại ngày nay.
 
Sau phần Lễ, du khách thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” được dàn dựng công phu, hoành tráng với sự tham gia của hơn 1300 nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân dân gian, học sinh, sinh viên gồm 3 chương, 10 cảnh: Chương 1: Dòng giống Rồng - Tiên - Thiêng liêng hai tiếng “Đồng bào”; chương 2: Hành trình tâm linh về nguồn cội, tri ân Quốc Tổ Hùng Vương; chương 3: Phú Thọ - Mùa xuân linh diệu của non sông. Chương trình nghệ thuật khẳng định giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” không phải chỉ có riêng ở Phú Thọ mà tồn tại rộng khắp ở mọi miền Tổ quốc, kể cả ở nước ngoài và trong từng gia đình Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình bảo vệ và xây dựng  đất nước.
 
Một số hình ảnh trong chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”:
 
 Phần I Khai từ: “Hương trầm tỏa ngát từ núi thiêng Nghĩa Lĩnh”
 
 Tái hiện hình ảnh cuộc gặp gỡ lịch sử của Cha Rồng Mẹ Tiên 
 
 Chương trình nghệ thuật với những hình ảnh tái hiện lễ hội dân gian mang đậm bản sắc của người dân đất Tổ.
 
 Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình phát triển đất nước.
 

 

 
Ý kiến của bạn