Hội nghị sơ kết, tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình cấp tỉnh 2 năm (2011 - 2012) trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sẽ diễn ra vào ngày 18/4 tới. Nhằm tôn vinh, nhân rộng những cách làm hay, những gương điển hình trong học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ, Báo Bình Thuận xin giới thiệu một số gương tiêu biểu, trong các tập thể và cá nhân được tuyên dương lần này.
Huỳnh Quang Huy: Việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm
Mỗi năm, Chi cục Thủy sản Bình Thuận tiếp nhận trên 7.000 hồ sơ các loại của ngư dân, liên quan đến các lĩnh vực chi cục quản lý. Trong đó phần lớn là hồ sơ đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Do địa bàn xa, ngư dân phải chi phí nhiều cho việc đi lại làm thủ tục. Là Chi cục trưởng, anh Huỳnh Quang Huy đã cố gắng tìm giải pháp cải tiến thủ tục đăng kiểm, nhằm giảm chi phí cho dân. Năm 2012, anh chủ trương đưa cán bộ về tận địa bàn, để hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ cho ngư dân. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2012, chi cục đã tiếp nhận 6.700 hồ sơ, trong đó tiếp nhận tại địa bàn 2.800 hồ sơ (42%), tiết kiệm cho ngư dân trên 280 triệu đồng chi phí đi lại, chưa kể các phí tổn vô hình khác. Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chi cục Thủy sản, được ngư dân hoan nghênh, vì đem lại lợi ích thiết thực cho bà con. Nhờ biết phát huy sức mạnh tập thể, anh Huỳnh Quang Huy đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu chi bộ vững mạnh xuất sắc.
Hồ Thị Phi: Tiết kiệm để tương thân, tương ái
Là Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bình Nhơn, xã Bình Tân, Bắc Bình, với bản chất đảm đang, biết thu vén dành dụm của phụ nữ Việt Nam, chị Phi đã vận động được rất đông chị em trong thôn tham gia “hũ gạo tình thương”. Mỗi chị em đều có 1 hũ gạo riêng tại gia đình, cứ mỗi bữa nấu cơm thì bớt 1 nắm bỏ vào hũ. Cứ 6 tháng (hay 1 năm) khui hũ 1 lần, để giúp chị em có hoàn cảnh ngặt nghèo. Năm ngoái “hũ gạo tình thương” của thôn Bình Nhơn dành được 360 kg gạo, giúp nhiều chị em khó khăn, người già neo đơn, tàn tật.
Chị còn vận động được 30 chị em trong thôn tham gia mô hình “nuôi heo đất”, tiết kiệm chi tiêu hàng ngày để mua sắm vật dụng gia đình (hay đầu tư vào sản xuất). Hàng tháng, vào ngày sinh hoạt phụ nữ thôn, các chị em đi họp mang theo tiền bỏ vào heo đất (tùy điều kiện mỗi chị em). Rồi nửa năm hay 1 năm, tổ khui heo 1 lần, giúp nhau vốn không tính lãi để cải thiện cuộc sống. Ở thôn Bình Nhơn còn thành lập được 2 tổ tiết kiệm có 20 chị em, với số tiền tiết kiệm là 100.000 đồng/người, cũng nhằm mục đích tương thân, tương ái như trên.
Phát huy tình làng nghĩa xóm, đạo lý tắt lửa tối đèn có nhau, Chi hội phụ nữ thôn cũng đã xây dựng được 1 căn nhà trị giá 22 triệu đồng, cho một phụ nữ nghèo khó. Bản thân chị Phi đã vận động chị em đóng góp được gần 1 triệu đồng, cho một cháu đi mổ tim; thăm hỏi 4 cụ già bệnh tật, số tiền 280.000 đồng; xin hỗ trợ cho trẻ em nghèo ở Bình Nhơn 5 xe đạp, bàn học, dụng cụ học tập; hỗ trợ 1 người bị tai nạn tàu hỏa 5 triệu đồng; hỗ trợ 1 hộ nghèo khác 5 triệu đồng…
Còn nhiều việc tốt mà Hồ Thị Phi cùng chị em thôn Bình Nhơn đã làm được, để thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Không chỉ tiết kiệm trong việc cưới, tang, lễ hội, mà tiết kiệm từ cuộc sống thường nhật. Và điều cao quý nhất, đó là tiết kiệm để tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong thôn xóm với nhau.
Đặng Ra - người cựu chiến binh “nói được, làm được”
Là thương binh 3/4, hội viên Hội Cựu tù chính trị, hội viên Hội Cựu chiến binh ở khu phố 8, phường Bình Tân, thị xã La Gi, dù tuổi cao sức yếu do các năm tháng ác liệt của chiến tranh và tù đày để lại, nhưng các đóng góp xây dựng quê hương của ông Đặng Ra thì ở địa phương ai cũng biết. Khi phường và khu phố vận động làm đường giao thông nông thôn bằng nhựa hóa, ông về khuyên nhủ vợ con trong gia đình đồng thuận, đốn dừa, nhổ hàng rào đem vô trong, nhường ra hơn 2 x 40m đất (tương ứng với số tiền trên 40 triệu đồng) làm đường, để bà con thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Bà con hàng xóm khen ông là gia đình kiểu mẫu, biết thương yêu nhau, nhường nhau từng tấc đất, để đường thông thoáng hơn xưa.
Làm được, nói được. Ông cùng ban điều hành khu phố, vận động bà con làm đường giao thông hẻm khu phố 8 chiều dài 150m, với tổng số tiền trên 80 triệu đồng; làm con đường Nguyễn Khuyến trên 250m, tổng kinh phí trên 400 triệu đồng đều do nhân dân đóng góp. Trường tiểu học Bình Tân 2 có được như ngày nay có một phần lớn công của ông. Ngôi trường này, trước kia là khu mồ mả, ông đã vận động bà con di chuyển đi để xây trường học. “Lúc đầu bà con ở đây phản ứng dữ lắm, nhưng sau đó cũng đồng ý, mình làm như vậy là vì tương lai của con cháu chứ có phải cho ai đâu” - ông tâm sự. Ông vận động bà con khu phố treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, vận động làng xóm giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định (mỗi nhà có 1 sọt rác)… đều được bà con hưởng ứng thực hiện. Bởi bà con biết ông Đặng Ra luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm.