(BTĐKT)-Ngày 17. 4, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương có buổi làm việc với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Vĩnh Phúc về công tác khen thưởng năm 2012 và kết quả 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch nước có đồng chí: Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phạm Văn Vọng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các đồng chí thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thị tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay từ đầu năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua rộng khắp, hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, trọng tâm là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", gắn liền với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, có tiêu chí thi đua và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực; một số phong trào có tác dụng tốt trong thực tiễn, có sức lan tỏa được người dân đón nhận, hưởng ứng tích cực và triển khai bằng các nội dung, mô hình, giải pháp, cách làm cụ thể. Kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã góp phần phát huy truyền thống cách mạng, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các phong trào thi đua thường xuyên, các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề nhằm khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất và chào mừng các ngày kỉ niệm, ngày lễ lớn của địa phương, của đất nước đã được triển khai có hiệu quả như: Phong trào “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và giai đoạn 2011-2015 ; phấn đấu đến năm 2015 xây dựng Vĩnh Phúc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI” ;“Thi đua tập trung nguồn lực để bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình trọng điểm và xây dựng nông thôn mới” ; “Dạy tốt, học tốt”; “Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học”; “Học tập và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”...
Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đang thực sự đi vào đời sống người dân, tạo khí thế mới, khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Tỉnh đã tập trung cho công tác chỉ đạo điểm phong trào thi đua ở cấp huyện và cấp xã để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong giai đoạn 2013-2015. Việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các tỉnh quan tâm chỉ đạo tích cực. Tỉnh đã phát động phong trào thi đua, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và lồng ghép các chỉ tiêu của Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh vào nội dung phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề, theo đợt để tổ chức thực hiện và đạt được kết quả cao. Các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát huy tác dụng tích cực. Năm 2012, mặc dù việc huy động các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho công tác triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh rất khó khăn (ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Ngân sách nhà nước, vốn huy động dân và các thành phần kinh tế khác rất hạn chế) nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực không ngừng khắc phục khó khăn, quyết tâm thi đua xây dựng nông thôn mới của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 3/2013 tỉnh đã có 8 xã đạt (14 -18 tiêu chí); 62 xã đạt ( 9 - 13 tiêu chí); 42 xã đạt ( 5- 8 tiêu chí); riêng 20 xã làm điểm phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trong năm nay. Để kịp thời ghi nhận và biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tặng Bằng khen cho 12 tập thể đã có thành tích trong tổ chức, triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến đã được chú trọng hơn, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được biểu dương và khen thưởng kịp thời. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng tại cấp huyện dần được ổn định, toàn tỉnh có 9/9 huyện, thị xã, thành phố có cán bộ chuyên trách; 11 sở, ban, ngành có cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ thi đua, khen thưởng kiêm nhiệm với mức phụ cấp là 0,6 mức lương tối thiểu.
Đồng thời, công tác khen thưởng đã thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hưỡng dẫn thi hành, từng bước được thực hiện chặt chẽ và kịp thời hơn, chất lượng khen thưởng được nâng lên, các địa phương đã chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác học tập, lao động, sản xuất, quan tâm nhiều hơn đến khen thưởng người trực tiếp lao động, các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế tập thể và hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu.
Kết luận buổi làm việc Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tuyên dương và đánh giá cao công tác thi đua khen thưởng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2012 với nhiều hình thức đa dạng phong phú, tập trung để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế địa phương, nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phó Chủ tịch nước yêu cầu: Các phong trào thi đua phải có tiêu chí cụ thể để đánh giá khách quan, khen thưởng chính xác mới có tác dụng nêu gương; gắn nội dung các phong trào thi đua với việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tập trung chỉ đạo có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong năm 2013, cần tập trung làm tốt việc rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điểm cấp huyện và cấp xã để kịp thời nhân rộng phong trào trong giai đoạn 2013-2015; nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Cụm, Khối thi đua của từng tỉnh; tăng cường sự đồng thuận, thực hiện tốt phương châm đã đề ra “đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển” để tổ chức có hiệu quả các hoạt động của phong trào thi đua ở từng địa phương, đơn vị; Ban Thi đua - Khen thưởng các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình các địa phương tăng cường tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục để đăng tải thường xuyên, kịp thời các gương “Người tốt, việc tốt” cũng như các nội dung của công tác Thi đua, Khen thưởng. Tăng cường tổ chức trao đổi kinh nghiệm và học tập các mô hình, các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.; Từng bước nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng chặt chẽ, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc. Cần chú trọng hơn nữa để làm tốt việc khen thưởng cho cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất; công tác khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề, nhằm góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phạm Thu Thủy