Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng huyện Phúc Thọ vẫn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) thành phố giao (đạt 110%). Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cần phát huy, còn đó những tồn tại, vướng mắc, thậm chí là bức xúc, cần phải khắc phục.
Nông dân xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) chăm sóc cây rau màu.
Võng Xuyên là xã thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng có một hộ ở cụm 5 từ chối nhận ruộng, bỏ hoang khoảng 600m2 là bất bình thường. Thực hiện chủ trương DĐĐT, năm 2012, xã Võng Xuyên triển khai ở 4/12 cụm dân cư (cụm 2, 5, 9 và 8b). Đến nay, việc dồn đổi từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn cơ bản hoàn thành, chỉ còn vướng mắc tại hai trường hợp thuộc cụm dân cư số 2, 5 và phức tạp nhất là trường hợp gia đình bà Khuất Thị Gái, ở cụm 5, vẫn chưa nhận ruộng. Bí Thư Đảng ủy xã Võng Xuyên Đoàn Văn Ngọc cho biết: Sau khi bàn bạc, công khai, dân chủ, nhân dân đồng thuận cao, cụm 5 tổ chức gắp phiếu giao ruộng cho dân. Để tạo sự công bằng, xã quán triệt thực hiện hai lần gắp phiếu; lần một chọn số thứ tự, lần hai xác định thửa đất. Trong các cuộc họp, cụm 5 có mời, nhưng gia đình bà Gái không đến dự và cũng không đến gắp phiếu. Theo quy định của cụm 5, gia đình nào không đến gắp phiếu, thì phiếu còn lại là của gia đình chưa gắp. Do không đến gắp phiếu nên phiếu cuối cùng (phiếu số 84) thuộc về gia đình bà Gái. Thế nhưng, gia đình bà Gái cho rằng, quá trình bốc thăm nhận ruộng, gia đình bà ghép với hai gia đình khác thành nhóm hộ và bốc được ô số 1. Về việc này, Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên cho biết, để thuận lợi cho sản xuất, cụm 5 cho phép ghép nhóm hộ, tổng số có 83 nhóm, sau đó các nhóm bốc thăm nhận ruộng. Nhóm của gia đình bà Gái gồm có ông Lê Quang Võ, Lê Quang Mười và bà Khuất Thị Gái. Vì bà Gái không đến gắp phiếu nên hai hộ xin tách riêng thành một nhóm. Chính vì vậy, cụm 5 đã tăng thêm 1 phiếu so với dự kiến ghép nhóm ban đầu, thành 84 nhóm hộ. Việc gia đình bà Gái cho rằng, vẫn thuộc nhóm hộ gia đình các ông Lê Quang Võ, Lê Quang Mười là không có cơ sở.
Tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ DĐĐT năm 2013, lãnh đạo huyện Phúc Thọ thẳng thắn nhìn nhận: Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, phong trào DĐĐT trên địa bàn đã và đang được người dân hưởng ứng tích cực, song ở một số xã, cán bộ và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của công tác DĐĐT. Có nơi, người dân chỉ thấy lợi nhỏ trước mắt mà chưa "nhìn xa, trông rộng", làm ảnh hưởng đến phong trào của địa phương. Cán bộ, lãnh đạo, nhất là chính quyền, chi bộ thôn, cụm dân cư chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân. Ngoài những bất cập nêu trên, có nơi chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này ngay từ đầu, dẫn đến tình trạng, một số địa phương không thực hiện được kế hoạch UBND huyện giao. Tính đến tháng 4-2013 vẫn còn 5 xã chưa thực hiện chỉ tiêu đăng ký năm 2012. Có địa phương, lãnh đạo thôn, cụm dân cư chưa nắm được quy trình DĐĐT, thực hiện khá lúng túng. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, đặc thù đồng đất của Phúc Thọ không được thuận lợi, có cả đồi gò và vùng bãi phân tán. Đơn cử như tại xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc, địa hình ruộng đồng bậc thang, khó dồn đổi; trong khi đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, gây tâm lý lo ngại trong dân... Hơn nữa, do thị trường bất động sản trầm lắng, khó khăn cho việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ công tác DĐĐT.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phúc cho biết, kế hoạch năm 2013, huyện thực hiện dồn đổi 3.129,14ha đất canh tác. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, cùng với việc khắc phục những mặt còn hạn chế, sau thu hoạch vụ xuân, nơi có điều kiện thuận lợi thực hiện ngay việc DĐĐT; sau thu hoạch vụ mùa, tập trung DĐĐT ở những vùng không sản xuất cây vụ đông; sau thu hoạch vụ đông hoàn thành nốt diện tích còn lại.