Nghề trồng cỏ nhung Nhật Bản ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm đã bén rễ trên mảnh đất này hơn chục năm, đem lại cuộc sống khá giả cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, hiện nghề này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, do đầu ra hạn chế, giá thấp… song người dân vẫn cố gắng bám nghề.
Xã Phú Diễn là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, trên 70% đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sang các dự án xây dựng đô thị, văn phòng, trụ sở làm việc của các cơ quan, khu thương mại, trường học, bệnh viện, đường giao thông, bến xe... Con đường vào xã Phú Diễn đã mang dáng dấp của làng trong phố. Những mảnh vườn thơm ngát hoa bưởi tháng ba đã thưa vắng dần, thay vào đó là những dãy nhà trọ cho thuê nối dài từ xóm này đến xóm khác. Tuy nhiên, xen lẫn vào đó là những vạt cỏ nhung Nhật Bản xanh rì, mềm mịn, làm không khí làng quê dịu mát, thoáng đạt trong cái nắng hanh hao cuối xuân, đầu hè.
Lao động nữ ở làng trồng cỏ nhung Phú Diễn.
Ông Phí Văn Sửu, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Phú Diễn cho biết: Đất nông nghiệp thu hẹp, nhiều hộ đã tận dụng số diện tích đất ít ỏi còn lại để trồng cỏ nhung Nhật Bản. Mấy năm trước nghề này khá sôi động, nhưng thời gian gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên việc trồng cỏ nhung Nhật Bản gặp không ít khó khăn. Song, đã mất bao nhiêu công sức để có thị trường, có thương hiệu, có kinh nghiệm trồng cỏ nhung Nhật Bản, nên bà con vẫn bám nghề. Chỉ tay về phía những luống cỏ xanh rì đã quá lứa, đang chờ cắt để đón lứa mới, ông Sửu than: Chỗ đó mà có khách cũng được ngót nghét chục triệu đồng. Nay bỏ không phí quá! Khi thị trường bất động sản còn sôi động, các công trường, nhà máy, cơ quan, công sở thi công dồn dập, xe lớn, xe bé nối đuôi nhau về nhập cỏ để trang trí, do vậy mà hộ nào trồng cỏ ở đây cũng kiếm một hai trăm triệu đồng một năm.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Đặng Thu Bích, ở thôn Phú Diễn, một trong những hộ trồng cỏ lớn nhất của xã, với diện tích hơn 1ha, khi bà đang tẩn mẩn chăm sóc vạt cỏ trước nhà. Bà Bích kể: Tôi là một trong những người đầu tiên ở trong thôn làm nghề trồng cỏ. Lúc đầu cũng chỉ trồng vài trăm mét vuông, thấy đầu ra ổn định, thu nhập tốt, gia đình tôi đã thuê thêm đất để mở rộng sản xuất. Trồng cỏ nhung Nhật Bản chỉ cần làm đất, cấy cỏ giống, giữ ẩm thường xuyên. Khi cỏ lên dày thì chặt cỏ thành từng ô, khi thu hoạch thì dùng thuổng xúc cỏ, cuộn cỏ lại gọn gàng. Những năm làm ăn thuận lợi, gia đình thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Nhưng năm nay tình hình khó khăn quá! Thay vì trồng 2-3 vụ/năm, hiện gia đình đã thu hẹp diện tích trồng cỏ. Nhiều luống cỏ đã lên cao vì qua mùa thu hoạch, không có người mua, nhưng gia đình vẫn phải thường xuyên cắt tỉa, đánh giống cỏ cũ ra trồng vụ mới và phải thuê máy cắt cỏ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Diễn cho rằng, từ những mét vuông cỏ nhung Nhật Bản đầu tiên được trồng tại Phú Diễn cách đây hơn chục năm, đến nay cả thôn Phú Diễn có trên 10ha của trên 20 hộ gia đình chuyên canh cỏ nhung. Nghề này đã giải quyết công việc cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Cây cỏ không cần chăm bón nhiều, một năm có thể thu hoạch hai vụ, giá bán lúc cao điểm lên tới 40.000-50.000 đồng/m2. Nay giá xuống thấp chỉ bằng nửa và người mua cũng ít. Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương vẫn tuyên truyền, vận động bà con cố gắng bám nghề, khắc phục khó khăn, bởi xét về lâu dài, đây vẫn là nghề có thu nhập ổn định, mang lại giá trị cao hơn trồng lúa, rau màu khác. Cỏ nhung Nhật Bản ở Phú Diễn không chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội, mà còn theo thương lái đến nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ... góp phần làm đẹp cho các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí...