Đồng bào dân tộc Hà Nhì xã biên giới Sín Thầu bỏ phiếu bầu cử
Hòa chung không khí phấn khởi tự hào cùng cử tri cả nước khi cầm lá phiếu trên tay, hôm nay (ngày 23-5), trên 364 nghìn cử tri tỉnh miền núi, biên giới Điện Biên nô nức đi bầu cử. Cầm là phiếu trên tay, người dân ở vùng thấp đến vùng cao, đồng bào dân tộc Thái, H’Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú… đều hân hoan và ngập tràn niềm tin tưởng.
5 giờ sáng ngày 23-5, bà con dân tộc Hà Nhì ở các bản: Tá Miếu, Tá Sú Lình, Tả Ko Ky, Tả Ko Khừ đã gọn gàng trong bộ trang phục trang phục truyền thống với lá phiếu sẵn sàng đi bầu cử. Người nào người ấy đều hân hoan, nụ cười rạng ngời.
Riêng ông Pờ Dần Sinh, người con ưu tú của dân tộc Hà Nhì ở bản Tả Ko Khừ lại trầm tư. Nhắc người trong nhà phải khẩn trương, đến điểm bỏ phiếu phải đọc, tìm hiểu kỹ tiểu sử ứng cử viên để lựa chọn người có đức có tài đại diện cho tiếng nói cử tri tham gia các việc trọng đại của đất nước, địa phương, nhưng ông Sinh vẫn như canh cánh một nỗi niềm.
Hỏi ông “có điều gì đó trăn trở phải không”, thì ông khẽ cười và bảo: “Không! Chỉ là hôm nay vui quá tôi lại nhớ ngày xưa”. Và cứ thế, theo dòng hồi tưởng “ngày xưa” ông Pờ Dần Sinh đã kể về cuộc sống của người Hà Nhì và con đường về Mường Nhé sau ngày Điện Biên giải phóng.
Ông Sinh bảo, mấy năm liền tôi học hành chăm chỉ, tiến bộ vậy mà không được lên lớp, bởi vì cả xã chỉ có duy nhất một lớp một. Đến năm 1969 bố tôi mới quyết định đưa tôi ra gửi nhà người quen ở trung tâm huyện là huyện Mường Tè (cũ) để theo học lên lớp hai rồi cứ thế học tiếp. Đường từ xã về huyện là đường bộ đúng nghĩa đi bộ, lại qua nhiều suối to nước lớn nên 10 năm liền đi học tôi không dám về dù rất nhớ bố mẹ, anh em, nhớ bản nhỏ bình yên trên biên giới.
Ngày ấy, tôi cũng nhớ các kỳ bầu cử được tổ chức đơn sơ lắm chứ không trang hoàng rực rỡ, khí thế như bây giờ. Thế hệ chúng tôi đi bầu cử đã có phiếu in màu đen trắng, nhưng bố mẹ tôi bỏ phiếu bằng hạt ngô, thanh tre vì ngày xưa không có phiếu mà có phiếu thì cũng không ai biết chữ cho nên nghe cán bộ đọc tên các ứng viên, nếu đồng ý người nào thì bỏ một hạt ngô hoặc thanh tre và ô ghi tên ứng viên đó.
Không phụ niềm tin tưởng của người Hà Nhì, nhiều lớp cán bộ được lựa chọn đã cống hiến tâm huyết, trí tuệ để hôm nay đường về Sín Thầu được rải nhựa phẳng lỳ; con em các dân tộc Hà Nhì, Thái, Mường, Dao, Si La… ở ngã ba biên giới được học tập tại xã; điện lưới quốc gia cũng được kéo về thắp sáng bản vùng biên, để bây giờ đêm cũng như ngày, bản vùng biên tràn đầy ánh sáng.
Dừng một lát, ông Pờ Dần Sinh tiếp lời để giãi bày tâm trạng của ông, không phải vì buồn mà vui nên ông càng thêm mà nhớ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhờ có Đảng, có Bác mà cuộc sống người vùng biên mới có ngày hôm nay. Bởi thế ông Sinh thường xuyên nói với con cháu, người trong gia đình, dòng họ về ý nghĩa lá phiếu họ cầm trên tay hôm nay là thành quả của bao sự hy sinh, cống hiến. Để xứng đáng với sự hy sinh ấy, bà con phải có trách nhiệm đi bỏ phiếu và sáng suốt lựa chọn người đại diện xứng đáng.
Không biết có phải vì hiểu thấu những điều ông Sinh dạy hay không mà ở Sín Thầu bà con háo hức, đợi mong lắm. Bẩy giờ sáng, họ đã tề tựu đông đủ tại các điểm để tự tay bỏ phiếu bầu những người họ tin tưởng, kỳ vọng.
Cũng tâm trạng như ông Pờ Dần Sinh, ông Lường Văn Thước - cán bộ tiền khởi nghĩa, người có uy tín ở bản Sen Thượng, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) đã nhiều đêm thao thức vì đợi mong ngày bầu cử.
Sáng sớm hôm nay 23-5, ông Thước đã giục con, cháu đưa đến điểm bỏ phiếu rồi khi nhìn thùng phiếu màu đỏ thắm có hình Quốc huy ông rưng rưng xúc động. Quay sang chúng tôi, ông nói giọng nghẹn ngào xúc động: Đất nước đổi thay, bản làng đổi thay rất nhiều. Mỗi lần đi bầu cử là một lần tôi cảm nhận rõ ràng hơn sự đổi thay ấy. Hơn 90 tuổi, được 15 lần bỏ phiếu bầu người đại diện cho mình tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp với tôi như thế mãn nguyện lắm rồi. Tôi và đồng bào của tôi, ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm!
Cử tri là F1 đang cách ly tập trung tại Trường Mầm non Si Pa Phìn thực hiện quyền bầu cử tại khu cách ly
Ở xã biên giới Si Pa Phìn - nơi tâm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, song không vì thế mà giảm đi “sức nóng” cuộc bầu cử ở nơi này. Đúng 7 giờ sáng tại trung tâm xã Si Pa Phìn diễn ra lễ khai mạc trang trọng, có sự chứng kiến của đông đảo cử tri. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định phòng dịch, cử tri đều đeo khẩu trang, đứng giãn cách và đi theo hàng đến khu vực bỏ phiếu.
Ông Giàng Quốc Khánh, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy được tăng cường về xã Si Pa Phìn hỗ trợ bầu cử, cho biết: Toàn xã có 12 bản, với 3.366 cử tri tham gia bầu cử tại chín tổ. Để bảo đảm quyền bầu cử của 314 cử tri là F1 đang cách ly tập trung tại bốn điểm: Trường Tiểu học Si Pa Phìn, Trường Mầm non Si Pa Phìn, Trường THCS Tân Phong và Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tân Phong, UBBC xã đã bố trí 13 hòm phiếu phụ, phân công thành viên tổ bầu cử đem hòm phiếu phụ đến từng giường để cử tri bỏ phiếu.
Là một trong những cử tri được bỏ phiếu tại khu cách ly tập trung Trường Tiểu học Si Pa Phìn, bà Vàng Thị Pà (bản Nậm Chim) vô cùng xúc động khi thành viên tổ bầu cử mang phiếu đến tận giường để bà được tự tay bỏ lá phiếu bầu cho những người bà tin tưởng, gửi gắm.
Bà Vàng Thị Pà, cho biết: Thực hiện quyền công dân ngay tại khu đang cách ly là việc thực đây mà tôi cứ ngỡ như mơ; bao nhiêu mệt mỏi, lo lắng bệnh tật tan biến. Bỏ phiếu bầu cho người đủ đức, đủ tài, tôi mong sao tới đây người được lựa chọn đại diện cho cử tri sẽ góp trí, góp sức và việc làm thiết thực giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nậm Pồ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung ngày càng có cuộc sống tốt hơn.
Chung niềm mong mỏi như bà Vàng Thị Pà, hàng trăm cử tri ở các khu cách ly tập trung cũng như cử tri ở các bản trong xã Si Pa Phìn đã đi bầu cử từ rất sớm. Đến 9 giờ sáng hôm nay, đã có có trên 50% cử tri ở các khu cách ly tập trung và cử tri trên địa bàn xã Si Pa Phìn bỏ phiếu.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa phận xã Na Ư, huyện Điện Biên, ngày hôm nay (23-5) cũng thực sự là Ngày hội Non sông với đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Thái. Vẫn những con đường dẫn vào các bản: Con Cang, Ca Hâu, Na Láy, Púng Bửa, Hua Thanh, Na Ư nhưng hôm nay khác những ngày thường. Xen giữa màu xanh, màu đỏ trên hoa văn áo, váy thiếu nữ, chàng trai H’Mông, là rừng cờ hoa rực rỡ.
Ông Vàng A Dế, Trưởng bản Púng Bửa, cho biết: Được cán bộ xã, cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang về tuyên truyền ý nghĩa cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, dân bản Púng Bửa đã hiểu bầu cử không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ công dân. Chọn, bầu người đại diện cho mình, cho dân bản làm việc ích cho dân, cho nước là rất ý nghĩa do vậy các gia đình trong bản đã gác lại việc nhà, ruộng nương để đi bầu cử.
Trực tiếp tham gia, hỗ trợ chính quyền xã Na Ư triển khai các bước chuẩn bị bầu cử và thường xuyên về bản tuyên truyền bầu cử nên Trung tá Nguyễn Văn Phúc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, hiểu rõ niềm vui của người dân Na Ư hôm nay. Trung tá Nguyễn Văn Phúc, cho biết: Toàn xã có 1.044 cử tri bỏ phiếu tại sáu tổ bầu cử; trong đó cử tri bản Na Ư bỏ phiếu tại trung tâm xã; còn cử tri ở năm bản: Con Cang, Ca Hâu, Na Láy, Púng Bửa, Hua Thanh bỏ phiếu bầu tại nhà văn hóa bản. Hiểu rõ ý nghĩa cuộc bầu cử, bà con phấn khởi lắm. Đến 8 giờ 15 phút sáng ngày 23-5, có trên 70% cử tri trong xã Na Ư đã hoàn thành bỏ phiếu.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Vừa lo chống dịch vừa chuẩn bị công tác bầu cử, song do có sự chuẩn bị chu đáo, sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy nên đến thời điểm này tại 1.020 khu vực bỏ phiếu thuộc 10 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh đều được triển khai đúng kế hoạch; cử tri chấp hành nghiêm quy định phòng dịch.
Toàn tỉnh Điện Biên có 364.239 cử tri; có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 88 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 322 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 2.740 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Bài, ảnh: LÊ LAN
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/ron-rang-ngay-bau-cu-noi-cuc-tay-bien-gioi-647379/