Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, cùng ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, chàng thanh niên dân tộc Giáy - Lý Văn Dầu, đảng viên - Bí thư Chi đoàn thôn Cốc Hạ, xã Bản Xen, huyện Mường Khương đã sớm trở thành triệu phú nhà nông trẻ tuổi.
Gian nan không nản…
Bản Xen là một xã vùng thấp của huyện Mường Khương, cách trung tâm tỉnh Lào Cai 25 km về phía Nam, cách huyện 35 km về phía Bắc. Xã có 12 dân tộc anh em cùng sống chung, tổng dân số 3.664 người, đồng bào dân tộc thiếu số chiếm trên 80% dân số. Đông nhất là đồng bào dân tộc Nùng (35.34%) với sản xuất nông lâm nghiệp là chính. Cho đến nay xã đang hình thành vùng chuyên canh sản xuất nguyên liệu chè búp tươi, vùng lúa đặc sản Sén Cù, vùng nuôi thuỷ sản. Tuy nhiên vùng đất ngày càng bị bạc màu, thời tiết khí hậu khắc nghiệt với rét đậm, rét hại, hạn hán lũ lụt, sâu bệnh, dịch bệnh …, trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu… khiến cho đời sống nhân dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn.
Là con trưởng trong một gia đình thuần nông nghèo có 3 anh chị em, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn nên sau khi tốt nghiệp THPT năm 1998, chàng trai Lý Văn Dầu không có điều kiện lựa chọn cho mình con đường thi vào đại học như các bạn cùng trang lứa. Anh về giúp đỡ gia đình sản xuất nông nghiệp để lo cho các em được ăn học.
Năm 2004 vợ chồng anh quyết định ra ở riêng và được cha mẹ cấp cho 3ha đất sản xuất canh tác. Những ngày đầu khó khăn vô cùng, trong tay anh không có phương tiện, máy móc cải tạo đất, gia đình lao động sản xuất chủ yếu bằng dụng cụ lao động thô sơ, ngoài ra anh còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, kiến thức nông nghiệp, chủ yếu trồng các loại giống cây bản địa, hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ manh mún nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống tinh thần vật chất của gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu. Hơn nữa, Bản Xen quê anh vốn là một xã nghèo, khoa học - kỹ thuật chưa phát triển “biết làm gì đây để thay đổi cuộc sống, thoát được cái nghèo?” Bao trăn trở, lo âu trên con đường phía trước đặt ra đối với anh.
Đúng lúc đó Đảng ra chủ trương triển khai thực hiện các chương trình đề án, dự án phát triển kinh tế ở nông thôn, các cấp uỷ Đảng, các tổ chức đoàn thể của huyện đã phổ biến triển khai sâu rộng đến từng thôn bản các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, Lý Văn Dầu đã mạnh dạn xin vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Khương với số tiền là 20 triệu đồng về mua trâu, lợn và trồng chè. Những năm đầu còn thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả chuyển đổi cây trồng vật nuôi chưa cao, nhưng được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành đoàn thể cùng với sự cố gắng nỗ lực làm theo sự hướng dẫn và tập huấn các lớp nghề ngắn hạn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong lao động sản xuất để nâng cao giá trị lao động anh đã thu được nhiều thành công nhất định, sản xuất dần đi vào ổn định.
Bàn tay ta làm nên tất cả...
Với tâm niệm “Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ý chí không ngại khó, không ngại khổ, không lùi bước trước khó khăn, anh quyết tâm vươn lên làm giàu. Qua thời gian tổ chức sản xuất, anh nhận thấy với 3 ha đất sản xuất mà chỉ biết trồng loại giống ngô địa phương gọi là ngô bản địa và một số lọai cây giống kém hiệu quả thì chỉ mang lại đói nghèo mà thôi! Vậy là một lần nữa anh lại suy nghĩ, tìm tòi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Vừa là một Đảng viên, vừa một cán bộ đoàn Lý Văn Dầu đã phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao cụ thể là phần đất bạc màu tôi chuyển sang trồng cây chè theo mô hình và dự án của tỉnh, huyện và của địa phương đến nay tổng diện diện tích đất trồng chè là 01 ha. Số đất còn lại được trồng cây ngô lai cho thu hoạch từ 7-8 tấn/năm. Đến nay tổng diện tích đất trồng chè là 01ha, mô hình trồng chè, ngô hàng hoá hiện nay với 3.000 gốc chè 6 tuổi và 12.000 gốc chè 3 tuổi tính đến nay bình quân gia đình thu từ cây chè đạt 18 đến 20 triệu/1năm. Bên cạnh đó, với 2ha trồng ngô lai mỗi năm thu về từ 40 đến 48 triệu đồng/1năm. Số đất còn lại được trồng cây ngô lai cho thu hoạch từ 7 đến 8 tấn/năm.
Từ năm 2011 gia đình anh có nuôi 2 con trâu và anh mạnh dạn tiếp tục thí điểm mô hình nuôi lợn nái và bán lợn giống ra thị trường đem lại nguồn thu từ bán lợn giống là 24 triệu đồng. Sau những năm chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia đình anh thu nhập năm sau cao hơn năm trước, ổn định hàng năm từ 60 đến 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn ban đầu vay ngân hàng chính sách xã hội huyện để sản xuất chăn nuôi đến nay anh đã trả được cả vốn và lãi suất cho ngân hàng.
Dường như quyết tâm làm giàu vươn lên thoát khỏi đói nghèo luôn là tâm niệm của chàng trai người Giáy. Song mặc dù say mê làm giàu là thế nhưng triệu phú trẻ cũng là một thủ lĩnh không kém phần say sưa, năng nổ với công tác Đoàn tại địa phương. Năm 2006 được sự tin tưởng của các cấp Uỷ Đảng và tổ chức Đoàn thanh niên, anh tham gia vào Ban Chấp hành Đoàn xã giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn thôn Cốc Hạ, với tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được phân công anh luôn ra sức vận động các thanh niên tại địa phương tham gia sinh hoạt Đoàn, từ 04 ĐVTN tham gia đến nay đã có 25 ĐVTN sinh hoạt và trưởng thành Đoàn. Đồng thời, qua tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Đoàn cho cán bộ Đoàn cơ sở, anh nhận thức được rằng công tác đoàn kết tập hợp thanh niên trong thời kỳ mới hiện nay vô cùng quan trọng và rất cần thiết, bởi trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, một bộ phận thanh niên phai nhạt lý tưởng, thích sống đua đòi, thực dụng dễ vướng vào các tệ nạn xã hội. Từ đó anh thường xuyên phối hợp với các ngành tổ chức nhiều các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, tuyên truyền vận động trong đoàn viên thanh niên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc tạo ra của cải vật chất là việc cần thiết và tất yếu nó phục vụ trực tiếp cuộc sống cho mỗi gia đình và xã hội. Chính vì thế việc sản xuất ra của cải hàng hoá cần đảm bảo chất lượng, bên cạnh việc phục vụ gia đình các hộ nông dân còn có thể xuất khẩu ra thị trường. Chính vì vậy, vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đang là mục tiêu của nhiều thanh niên nông thôn trong cả nước. Với sự nhanh nhạy, sáng tạo dám nghĩ, dám làm của triệu phú trẻ Lý Văn Dầu và cùng với vai trò của người cán bộ Đoàn hy vọng rằng anh sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tỉnh nhà trong phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” góp phần phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội./.