Đúng như mục tiêu xuyên suốt hành trình 150 năm qua của phong trào Chữ thập đỏ (CTĐ) - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là chung tay cải thiện đời sống của những người dễ bị tổn thương, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội CTĐ thành phố Đà Nẵng đã trở thành một hoạt động có “thương hiệu” khi kêu gọi được toàn xã hội cùng làm nhân đạo.
Người nghèo vẫn yên tâm được nhận sự hỗ trợ khi cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ngày một lớn mạnh.
Ông Nguyễn Thuận, Phó Chủ tịch Hội CTĐ thành phố nói: “Phong trào được khởi xướng từ Hội, nhưng nay thì lực lượng vũ trang, nhà báo, công nhân viên, doanh nhân, kiều bào, người lao động nói chung, đến các hội, đoàn thể, khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở... đều tham gia nhiệt tình. Phong trào trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị to lớn khi thu hút được sức mạnh toàn xã hội”.
Được triển khai từ năm 2008, đến nay, cuộc vận động đã trở thành hoạt động thường xuyên của mọi người, mọi nhà. Riêng năm 2012, các cấp Hội CTĐ vận động được 1.287 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp 7,63 tỷ đồng, hỗ trợ cho 3.727 địa chỉ nhân đạo (vượt kế hoạch 24,2%).
Sẻ chia và những đổi thay
Với người nghèo trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), nhiều năm qua, Ban quản lý chợ Hòa Cường và địa chỉ 79 Tiểu La đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của họ. Đó là nơi 35 hộ nghèo có thể đến để nhận gạo miễn phí hằng tháng (10kg/người). Dù kinh tế khó khăn và sự vận động tài trợ cho các hoạt động từ thiện trong thời gian này không dễ dàng, nhưng các mạnh thường quân như Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Hòa Cường, Công ty TNHH Xây dựng Phú Sơn vẫn đồng cam cộng khổ với những con người bất hạnh. Theo ông Đặng Công Tùng, Chủ tịch Hội CTĐ phường Hòa Cường Bắc, Hội còn có nguồn quỹ gần 100 triệu đồng do Công ty 545 đóng góp nhằm tạo vốn vay không lãi suất cho người nghèo khó. Số vốn 4 triệu đồng/người/năm tuy không lớn, nhưng đối với những người phải chạy đôn chạy đáo lo từng bữa ăn thì nguồn hỗ trợ này như một chiếc phao cứu sinh thực sự.
Giọng đầy hồ hởi, bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi, trú 192/6 Núi Thành) chia sẻ: “Cuộc đời tôi khó khăn vô cùng khi chồng chết, con trai gần 30 tuổi nhưng lơ ngơ như đứa trẻ lên hai. Nhờ Hội CTĐ cho tiền làm nhà, sắm giúp cái tủ bán hàng. Dịp Tết vừa rồi, tôi còn được vay 4 triệu đồng không tính lãi nên có ít vốn mua đồ tạp hóa về bán”.
Bi đát hơn bà Hồng, bà Nguyễn Thị Sớt (trú tổ 17, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) dù đã 76 tuổi, mắt mờ, chân cụt vẫn phải đi bán vé số dạo nuôi cháu. “Nghèo trên cả mức nghèo”, đó là những gì mọi người có thể nói về hoàn cảnh của bà. Biết bà Sớt đang mắc nợ hơn 2 triệu đồng không có khả năng hoàn trả, Hội CTĐ địa phương đã kêu gọi nhà hảo tâm trả hết nợ nần cho bà, đồng thời phụ cấp gia đình bà mỗi năm 1,2 triệu đồng.
Hành trình chưa dừng lại
Không chỉ có người già hay người nghèo nói chung, mà trẻ em cũng là đối tượng ưu tiên hàng đầu khi được lựa chọn đưa vào các địa chỉ nhân đạo. Đặc biệt, không chỉ bản thân trẻ được tiếp sức đến trường thông qua hình thức trao học bổng, mà phụ huynh, gia đình các em cũng nhận được sự hỗ trợ để thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Lưu, cán bộ Thành Hội cho biết: “Các em được nhận học bổng 1,8 triệu đồng thì cha mẹ cũng được khảo sát, hỗ trợ phương tiện sinh kế 3 triệu đồng. Chúng tôi cho đây là cách làm nhân đạo phát triển bền vững, chứ không đơn thuần là hỗ trợ tức thời”.
Ở một số địa phương, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã phát triển thành nhiều mô hình hay. Mô hình “Điểm tựa nhân đạo” của phường Thạc Gián là một ví dụ. Ông Nguyễn Đức Xuân, Chủ tịch Hội CTĐ phường Thạc Gián cho hay, Hội đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường ra nghị quyết 100% chi bộ, cán bộ, công nhân viên và người dân trên địa bàn cùng làm việc thiện. Nhờ những “điểm tựa” đó, nhiều người được sẻ chia kịp thời và có những đổi thay đáng kể trong đời sống.
Nói như ông Nguyễn Thuận, niềm vui của những người làm CTĐ là được nhìn thấy sức lan tỏa của cuộc vận động, nhưng không thể không lo khi kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét khiến việc vận động hỗ trợ tài chính gặp không ít thách thức. Tuy vậy, sự thay đổi của những thân phận bất hạnh như được đề cập ở trên là minh chứng cho sự phát triển đường dài của cuộc vận động này.
Từ nguồn kinh phí của cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, năm qua, Hội CTĐ thành phố hỗ trợ tiền, gạo hằng tháng (600.000 đồng - 1,2 triệu đồng/người) cho 1.542 người già neo đơn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ học bổng (1,2 triệu đồng/em) nhằm tiếp sức cho 1.101 học sinh nghèo; hỗ trợ dạy nghề miễn phí (1,2 - 3 triệu đồng/em) cho 74 thanh- thiếu niên khuyết tật, nạn nhân CĐDC; hỗ trợ, hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà và trợ giúp các phương tiện sinh hoạt cho 238 người khuyết tật; hỗ trợ xây mới 24 nhà, sửa chữa 36 nhà; hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế (3 - 5 triệu đồng/hộ) cho 288 hộ nghèo.