Việc chưa thật sự quan tâm xây dựng nên các thiết chế TDTT vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu xây dựng NTM và hoạt động của nhân dân.
Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), thiết chế thể dục, thể thao (TDTT) nằm trong tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều cơ sở chưa thật sự quan tâm xây dựng tnên hiện nay, các thiết chế TDTT vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu xây dựng NTM và hoạt động của nhân dân.
Vừa thiếu, vừa yếu
Chúng tôi về xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) khi địa phương vừa tổ chức xong lễ khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VII. Cũng như đại hội lần trước, lần này do xã không có sân vận động nên địa điểm tổ chức phải nhờ một trường học. Từ năm 2005 đến nay, xã Đại Hợp chưa quy hoạch được đất xây dựng sân vận động. Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT của xã rất nghèo nàn. Tất cả 3 thôn trong xã đều chưa có sân thể thao và rất ít điểm tập luyện.
Xã Đức Chính là 1 trong 5 xã của huyện Cẩm Giàng được chọn xây dựng NTM giai đoạn I. Hiện nay, xã đã có sân vận động nhưng chỉ rộng khoảng 3.000 m2. 5 trong tổng số 9 thôn của xã có sân thể thao nhưng diện tích các sân đều dưới 1.000 m2, không bảo đảm tiêu chuẩn. 4 trong 5 thôn không thể mở rộng sân thể thao thêm nữa do vướng nhà dân.
Có mặt ở xã Nam Chính (Nam Sách) một ngày trước khi địa phương tổ chức lễ khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VII, chúng tôi thấy mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng nhưng điều xã lo nhất là nếu trước giờ khai mạc trời đổ mưa, sân vận động sẽ ngập úng. Đồng chí Ngô Bá Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Chính cho biết: "Hiện nay, diện tích sân vận động của xã bảo đảm yêu cầu theo tiêu chí NTM nhưng sân đang thấp hơn mặt đường khoảng 50 cm nên khi có mưa to, nước không thể thoát được. Các thôn của xã đều có sân chơi TDTT nằm trong khuôn viên nhà văn hóa và chỉ có 3 trong tổng số 5 thôn có sân thể thao. Tuy nhiên, chất lượng các sân chơi, bãi tập của xã còn thấp như: mặt sân gồ ghề, không có tường bao, hệ thống thoát nước, khán đài..."
Theo tiêu chí NTM, cấp xã, thôn phải có khu thể thao với các công trình như: sân vận động (sân thể thao ở thôn), nhà tập luyện thể thao, bể bơi (ao bơi). Qua đợt điều tra, rà soát, thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, toàn tỉnh mới chỉ có 93 xã, phường, thị trấn có sân vận động (chiếm hơn 35%), 160 sân chơi thể thao, 14 ao bơi (bể bơi), 5 nhà tập luyện thể thao. Có 99 trong tổng số 1.447 thôn, khu dân cư có sân thể thao (chiếm hơn 6,8%). Các địa phương có ít sân vận động cấp xã là: Gia Lộc, Bình Giang (mỗi nơi có 4 sân), Cẩm Giàng (5 sân), thị xã Chí Linh (6 sân), Thanh Miện (7 sân)...
Có thể nói, hầu hết các thiết chế TDTT ở cơ sở hiện nay đều không đáp ứng được tiêu chuẩn NTM về diện tích, chất lượng, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện. Việc các sân chơi, bãi tập không bảo đảm đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động, phát triển phong trào TDTT ở cơ sở. Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện Tứ Kỳ cho biết: "Những xã, thị trấn trong huyện có hệ thống sân chơi, bãi tập thường có phong trào TDTT phát triển mạnh. Ngược lại, các địa phương thiếu cơ sở vật chất kéo theo phong trào nghèo nàn và rất khó tổ chức được các hoạt động văn hóa, thể thao có quy mô lớn".
Đâu là giải pháp?
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, cấp cơ sở cần hơn 370 nghìn m2, cấp thôn cần hơn 1,5 triệu m2 đất để xây dựng các thiết chế TDTT. Hiện nay, do quỹ đất không còn nên thời gian tới các địa phương sẽ phải lấy một phần diện tích đất nông nghiệp cho việc này. Ông Nguyễn Văn Tươi, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa hiện nay rất khó khăn. Muốn chuyển được mục đích, tỉnh ta phải tổng hợp diện tích đất trồng lúa nằm trong quy hoạch xây dựng thiết chế TDTT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, theo phân bổ đất của Nhà nước đến năm 2020, quỹ đất của tỉnh ta dành cho TDTT chỉ còn 310 ha. Đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất mà các xã, thị trấn đang gặp phải".
Một trở ngại lớn nữa mà các cơ sở phải giải quyết, đó là tìm nguồn kinh phí để nâng cấp, tu sửa, xây mới các thiết chế TDTT theo tiêu chí NTM. Xã Đức Chính hiện đã quy hoạch khu Trung tâm Văn hóa, thể thao rộng hơn 14 nghìn m2, trong đó sân vận động rộng hơn 8.100 m2. Để xây dựng trung tâm này, xã cần khoảng 48 tỷ đồng. Xã Đại Hợp đang làm quy hoạch sân vận động rộng 10 nghìn m2 và sân thể thao ở các thôn, mỗi sân rộng 5.000 m2. Mặc dù biết sân vận động bị xuống cấp nhiều năm nay nhưng xã Nam Chính không tìm được nguồn kinh phí để nâng cấp, tu sửa. Đến nay, các cơ sở hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ nào của cấp trên về xây dựng thiết chế TDTT. Bên cạnh đó, nếu xã nào có kinh phí đều ưu tiên đầu tư cho các công trình khác vì cho rằng, việc xây dựng thiết chế TDTT hiện chưa "cháy nhà chết người", nên đã khó lại càng khó.
Một thực tế hiện nay, các xã, thị trấn đã có sân chơi, bãi tập nhưng hầu hết diện tích không bảo đảm theo tiêu chuẩn NTM do xây dựng từ trước và nằm trong khu dân cư nên không thể mở rộng được. Ông Nguyễn Đình Hài, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Cẩm Giàng cho biết: "Tiêu chí về diện tích thiết chế TDTT hiện nay đối với sân vận động cấp xã từ hơn 10 nghìn m2 trở lên và sân thể thao ở thôn từ 2.000 m2 trở lên sẽ rất khó thực hiện, nhất là đối với những địa phương đã có cơ sở vật chất nhưng không có điều kiện nâng cấp, xây mới"...
Ông Phạm Sĩ Cẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để thực hiện thành công thiết chế TDTT phục vụ xây dựng NTM, thời gian tới tỉnh cần có những giải pháp tháo gỡ tích cực không chỉ về kinh phí mà cả về cơ chế, chính sách trong việc tạo quỹ đất cho các công trình, đặc biệt là những xã triển khai xây dựng NTM giai đoạn I. Nếu được quan tâm, đầu tư tốt về cơ sở vật chất, phong trào TDTT ở cơ sở mới có điều kiện phát triển.