Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển.
Ý thức được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thực hiện nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân tỉnh, 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự hỗ trợ của các đơn vị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, hội viên nông dân, công tác Hội và các phong trào nông dân tỉnh Hưng Yên đạt được kết quả khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu vượt mức so với đại hội đề ra, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm kỳ qua, công tác hội và phong trào nông dân, nhiều hoạt động của Hội đã đi vào cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn, từng bước hạn chế các hoạt động mang tính hình thức, chung chung không hiệu quả. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên. Hoạt động được đổi mới về cả nội dung và hình thức, các cấp hội đã tổ chức trên 1.500 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 117.450 lượt hội viên; các CLB trợ giúp pháp luật tổ chức 4.670 buổi tuyên truyền cho trên 373.600 lượt hội viên tham gia, các nội dung tuyên truyền đều liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nông dân. Toàn tỉnh có gần 514.300 lượt hội viên được tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, các chuyên đề. Hội Nông dân tỉnh đã khai trương Cổng thông tin điện tử, trang quản lý văn bản điện tử của Hội - là diễn đàn trao đổi cho cán bộ, hội viên nông dân trong hoạt động hội và phong trào nông dân.
5 năm qua, 3 phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động đã duy trì và thực hiện có hiệu quả. Trong đó nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Hàng năm các cấp hội tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và tổ chức các hoạt động để hỗ trợ nông dân. Kết quả, trung bình hàng năm toàn tỉnh có 82 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi, chiếm 55% số hộ đăng ký. Thông qua phong trào đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nói chung, cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp nói riêng theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả cao theo cơ chế thị trường. Toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân SXKD giỏi mang lại thu nhập cao từ 500 - 600 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình là huyện Khoái Châu đã thu nhập bình quân đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm. Bằng các hình thức hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, các chi hội, tổ hội và hộ SXKD giỏi đã hỗ trợ giúp 2.316 hộ nông dân thoát nghèo với gần 4,5 tỷ đồng (không tính lãi) cùng trên 38 nghìn cây giống, con giống các loại và trên 56.700 ngày công lao động…
Công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh luôn đổi mới, các cấp hội thường xuyên nâng cao chất lượng hội viên, kiện toàn tổ chức cán bộ hội. Nhiệm kỳ qua, đã kết nạp mới 21.356 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 200.100 hội viên (đạt 85,3% số hộ nông nghiệp). Xác định cán bộ hội giữ vai trò quan trọng trong thực hiện công tác hội và phong trào nông dân, hàng năm Hội Nông dân tỉnh đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ ở cơ sở. Đến nay, 97% cán bộ chuyên trách của tỉnh và các huyện hội, thành hội có trình độ đại học trở lên, 45% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 65% chủ tịch, 37% phó chủ tịch Hội nông dân cơ sở có trình độ trung cấp chuyên môn. Đội ngũ cán bộ hội được trẻ hoá, có trình độ chuyên môn, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh đã đầu tư 20 triệu đồng đặt 20 panô tại ở 20 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia đóng góp hơn 100 tỷ đồng, 172.215 ngày công để làm mới 534km đường thôn xóm, sửa chữa và kiên cố hóa 421,4km kênh mương nội đồng. Hội Nông dân tỉnh triển khai 4 dự án xây dựng hệ thống rãnh nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn ở 4 xã với số tiền trên 500 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Hoạt động chuyển giao KHKT, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tiếp tục thực hiện hiệu quả. Các cấp hội đã phối hợp tổ chức 3.567 lớp chuyển giao cho trên 363.700 lượt người tham dự, 50 hội thảo đầu bờ cho 4 nghìn lượt người dự, hàng năm dạy nghề cho 926 hội viên nông dân… Hoạt động liên kết “4 nhà” được duy trì, trong đó các cấp hội đã cung ứng 32.352 tấn phân bón NPK trả chậm trị giá hơn 150 tỷ đồng cho trên 47.200 lượt hộ nông dân. Đồng thời, khai thác nguồn vốn từ các ngân hàng với hơn 746,2 tỷ đồng, tăng hơn 190,9 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Nhìn chung, nguồn vốn vay đáp ứng được yêu cầu của hội viên, các hội viên sử dụng vốn hiệu quả, không có tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn tích cực tham gia thực hiệu có hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, bảo vệ an ninh quốc phòng, công tác đền ơn đáp nghĩa, tham gia xây dựng các loại quỹ nhân đạo… Vận động hội viên đóng góp hàng chục nghìn ngày công và hàng trăm triệu đồng hỗ trợ xây nhà ở cho hộ hội viên nghèo, hội viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhận bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên học giỏi...
Từ hiệu quả của các phong trào thi đua, các hoạt động của hội, vị trí vai trò của tổ chức hội được khẳng định và nâng cao, Hội Nông dân xứng đáng với vai trò chủ thể trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà đang đứng trước yêu cầu cao của quá trình đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Một bộ phận cán bộ Hội các cấp còn hạn chế cả về năng lực trình độ, cũng như ý thức và tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Đây là những bất cập trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác Hội và giai đoạn mới.
Để công tác Hội và phong trào nông dân tiếp tục phát triển, nhiệm vụ xuyên suốt trong 5 năm tới các cấp hội cần thực hiện là “Phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, chủ động, năng động, sáng tạo xây dựng Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên vững mạnh, xứng đáng với vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Các huyện và cơ sở trọng điểm phát triển về nông nghiệp cần tích cực vận động hội viên, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng gắn với việc đẩy nhanh ứng dụng các thành tựu tiến bộ KHKT và công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao năng suất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành nhiều mô hình, cơ sở SXKD có hàng hóa thương hiệu; liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; xây dựng các dự án nhóm hộ cùng ngành nghề sở thích, liên kết hình thành các mô hình kinh tế tập thể, HTX để nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh phát triển bền vững… Cùng với đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, năng lực, trình độ cho cán bộ hội. Chủ động thực hiện tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nông dân, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông dân mới.
Đại hội đại hiểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018 sẽ góp phần xứng đáng mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội nông thôn và góp phần nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân nông thôn, trong đó có đông đảo hội viên nông dân.