Phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD - ĐT phát động từ năm học 2007-2008, với ý nghĩa rất rộng lớn, bao quát cả mọi hoạt động của nhà trường, cả các tiết học nội, ngoại khóa, là mối quan hệ giữa thầy và trò, trong đó có sự phối hợp của gia đình và toàn xã hội…
Học sinh Trường Tiểu học Yên Phong (Yên Mô) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
5 nội dung của phong trào thi đua là: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp, an toàn, thu hút học sinh đến học; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; giúp học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương…
Đến thăm Trường Tiểu học Yên Phong (Yên Mô) đúng vào giờ ra chơi của các em học sinh, tại sân trường, sau hoạt động thể dục giữa giờ của các em học sinh với những động tác tập thể dục vui khoẻ, đẹp mắt, từng nhóm học sinh tản ra các góc sân trường chơi những trò chơi dân gian mà mình yêu thích. Có nhóm các em túm tụm chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây, trò bịt mắt bắt dê, chỗ khác lại chơi kéo co mang khí thế của tinh thần đồng đội quyết thắng… Tất cả đều diễn ra dưới những tán cây bóng mát quanh sân trường, chỗ nào cũng được các em tận dụng chơi các trò chơi dân gian vui và hữu ích…
Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Phong cho biết: Bám sát các nội dung của phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hàng năm, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa định kỳ cho học sinh học tập và tìm hiểu truyền thống của nhà trường, quê hương, đất nước. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện với học sinh về truyền thống cách mạng, thi tìm hiểu, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về Đội TNTP Hồ Chí Minh, thi kể chuyện đạo đức, tham gia các hội thi văn hoá, văn nghệ...; khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng Quỹ “Hỗ trợ bạn nghèo”, “Cùng bạn đến trường”… Ngoài tổ chức cho các em tìm hiểu giá trị, ý nghĩa và chăm sóc Di tích lịch sử đền Quảng Phúc (là di tích lịch sử cấp Quốc gia), nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh các khối lớp giúp đỡ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sỹ… trên địa bàn xã.
Từ các hoạt động ngoại khóa gắn với giáo dục đạo đức và các hoạt động xã hội, nhà trường đã hướng cho học sinh ý thức sống trung thực, kính trọng cha mẹ, thầy cô, chan hòa, thân thiện, biết phê phán những thói hư tật xấu, tránh xa các tệ nạn xã hội và có ý thức tự rèn luyện vươn lên trong học tập. Vì vậy, học sinh của nhà trường luôn được đánh giá chăm ngoan, lễ phép trong giao tiếp, ứng xử. Với tổng số 20 lớp và 554 học sinh, công tác trí dục được nhà trường xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là xây dựng kỷ cương nền nếp dạy và học, chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh học lực yếu, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhà trường hiện có 32 giáo viên, 100% đạt trình độ chuẩn, trong đó 94% giáo viên có trình độ trên chuẩn, trên 80% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; nhiều năm nhà trường đoạt giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Kết quả sơ kết học kỳ I, năm học 2012-2013, 266/543 học sinh, chiếm 49% đạt học lực giỏi; trên 33% đạt học lực khá, chỉ còn 1% học sinh có học lực yếu. 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm đạt yêu cầu. Qua việc thực hiện tốt các nội dung của phong trào thi đua, nhiều năm nay, Trường Tiểu học Yên Phong được đánh giá là trường đạt danh hiệu xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 năm 2009.
Đánh giá về phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của các trường học trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, phong trào đã nhận được sự đồng thuận, quan tâmcủa cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng. Ngay từ năm đầu triển khai, toàn tỉnh đã có 100% các trường tham gia phong trào thi đua. Đến nay có 335/478 trường được kiểm tra công nhận danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trong đó có 229 trường đạt danh hiệu xuất sắc, 104 trường xếp loại tốt và 2 trường xếp loại khá. 100% trường học thực hiện đảm bảo “Ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở), nhiều nơi bổ sung thêm chủ trương “Ba đủ” thành “Bốn đủ”, thêm Đủ phương tiện đến trường (Đủ tiền đò, đủ xe đạp)…
Đến nay trong toàn tỉnh không có học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở. Các nhà trường có nhiều sáng kiến tổ chức phụ đạo, hỗ trợ để không có học sinh bỏ học vì học yếu kém. Các thầy, cô giáo, cán bộ nhà trường đã chủ động xây dựng không khí thân thiện thông qua tổ chức “Tiết giảng thân thiện”, xây dựng “Lớp học thân thiện”, “Thư viện thân thiện”… Việc đổi mới phương pháp dạy và hướng dẫn tự học tốt hơn làm cho học sinh hứng thú trong tiếp thu kiến thức và tích cực hơn trong các hoạt động giáo dục. Học sinh được tham gia trò chơi dân gian, hát dân ca, tạo nên môi trường giáo dục vui tươi, lành mạnh ở hầu hết các nhà trường. Hiện nay, đã có nhiều câu lạc bộ học sinh được thành lập, giúp các em rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội, đồng thời tạo điều kiện sử dụng thời gian sống phù hợp, tránh sa đà vào các tệ nạn xã hội. 100% trường học đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường…
Phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có tác động mạnh mẽ tới việc giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh. Toàn tỉnh có 329 trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, nghĩa trang hoặc Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ… 5 năm qua, học sinh các trường học đã chăm sóc 78 di tích Quốc gia; 162 di tích cấp tỉnh; 232 công trình Nghĩa trang liệt sỹ hoặc Đài tưởng niệm liệt sỹ; 129 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình thương binh, liệt sỹ… Thông qua việc chăm sóc, tìm hiểu, tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công; học tập những gương chiến đấu, lao động, học tập của các thế hệ đi trước, giúp các em học sinh thêm yêu quê hương, đất nước, hình thành các kỹ năng sống…