Sáng 13/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) do đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên UBTV QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP; Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công chức cấp xã của TP được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Từ năm 2005 đến nay, UBND TP đã ban hành gần 20 văn bản chỉ đạo công tác này. Đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, TP đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, bài bản các quy định của Trung ương, trong đó có một số sáng tạo phù hợp với đặc thù, như tổ chức thi viên chức ở một số vị trí hay việc bổ sung nội dung phỏng vấn trong xét tuyển viên chức giáo viên mầm non, đảm bảo tuyển đúng người có trình độ, chất lượng. Trong 3 năm từ 2010-2012, TP đã tuyển 1491 công chức hành chính, 2443 công chức cấp xã, 18.110 viên chức giáo dục và 2903 viên chức sự nghiệp khác. Bên cạnh đó, TP cũng quan tâm thực hiện chính sách tuyển dụng đối với người có trình độ cao (như thủ khoa, thạc sỹ, tiến sỹ, tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài…) vào làm việc tại các cơ quan của TP. Từ năm 2009 đến nay TP đã tuyển dụng 37 thủ khoa, đặc cách tuyển dụng 27 nghệ sỹ diễn viên, 37 vận động viên, huấn luyện viên xuất sắc, tiếp nhận 42 viên chức ngoại tỉnh có trình độ tiến sỹ và thạc sỹ…
Thành phố cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhằm đảm bảo 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ Lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ Đại học. Cùng với đó, TP đã xây dựng một loạt đề án, chương trình đào tạo nhằm nâng cao và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, như đào tạo cán bộ nguồn dân vận, tuyên giáo, tổ chức của Thành ủy, đề án thí điểm đào tạo, tuyển dụng 1000 công chức nguồn cho 5 chức danh tại cấp xã. Tính từ năm 2010 đến nay, toàn TP có trên 157 nghìn lượt cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị. Cũng trong thời gian từ năm 2010 đến nay, TP đã tiến hành luân chuyển 63 cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyển đổi vị trí công tác đối với 874 người. Công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức được tiến hành nhằm mục đích rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, bổ sung nguồn cán bộ vào quy hoạch…
Bên cạnh những kết quả đó, do hiện chưa có văn bản của Trung ương hướng dẫn thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức nên công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, nâng ngạch của TP còn khó khăn; nội dung và hình thức thi theo quy định mới còn nhiều bất cập, dễ nảy sinh tiêu cực; số lượng thí sinh dự tuyển mỗi kỳ thi rất lớn (tỷ lệ khoảng 5/1) do đó áp lực và tính cạnh tranh cao, xuất hiện hiện tượng tiêu cực như bằng giả, mang tài liệu vào phòng thi, tìm người quen nhờ giúp đỡ, xuất hiện các đối tượng lừa đảo người dự thi… Để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về cán bộ, công chức, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn việc xếp lương khi viên chức chuyển công tác; quy định cụ thể các đối tượng có tài năng, năng khiếu đặc biệt. Đối với Bộ Nội vụ, sớm điều chỉnh, bổ sung quy định tại khoản 2, điều 10 Thông tư số 13, ngày 30/12/2012 của Bộ Nội vụ về tiếp nhận không qua thi đối với thủ khoa, người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài sau khi qua kiểm tra sát hạch, UBND TP quyết định tuyển dụng không qua thỏa thuận với Bộ để rút ngắn thời gian; cho phép TP tổ chức thí điểm thi tuyển công chức trên máy tính. Đối với Bộ GD&ĐT, TP Hà Nội đề nghị Bộ quản lý các hình thức đào tạo và số lượng in phôi bằng tốt nghiệp, thống nhất cách tính điểm trung bình toàn khóa để đảm bảo sự công bằng cho các sinh viên đào tạo ở các tỉnh, TP…
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã nêu nhiều câu hỏi với lãnh đạo TP Hà Nội. Như những phản ánh về tiêu cực trong thi tuyển công chức, viên chức, chất lượng thi tuyển và xét tuyển; vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, về chuyên môn và lý luận chính trị; việc phân cấp trong tổ chức thi tuyển, xét tuyển; việc thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ… Trả lời những câu hỏi của Đoàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc và Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo TP đã làm nhưng chưa thường xuyên, hiện TP đang nghiên cứu để triển khai thi tuyển từ cấp Phó Giám đốc Sở trở xuống. Về đánh giá cán bộ, công chức, do chưa có đề án tiêu chuẩn, vị trí việc làm nên việc đánh giá cán bộ chủ yếu dựa trên bằng cấp, tới đây khi TP hoàn thiện thí điểm Đề án này thì sẽ rõ tiêu chí đánh giá, rõ người rõ việc. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết, việc tăng số lượng biên chế thời gian qua do việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non sau khi sát nhập để đảm bảo sự thống nhất, cùng với đó TP được Chính phủ giao thực hiện thí điểm việc tổ chức thanh tra xây dựng cấp xã và bổ sung đội ngũ thanh tra giao thông…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên UBTV QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội ghi nhận những kết quả, sự nỗ lực của Hà Nội trong thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt có những việc Trung ương chưa hướng dẫn nhưng Hà Nội đã mạnh dạn, sáng tạo thí điểm thực hiện. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã nhanh chóng ổn đinh tổ chức bộ máy, giảm dần các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo hoạt động của các cơ quan hành chính. Đồng chí Phan Trung Lý cũng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, rà soát những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; đẩy nhanh việc xây dựng đề án tiêu chuẩn, vị trí việc làm; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyển dụng công chức, viên chức; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, tránh chạy theo số lượng. Với những kiến nghị của TP Hà Nội, đồng chí Phan Trung Lý tiếp thu và tổng hợp báo cáo Quốc hội.