Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”: Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

 11627 lượt xem
Sau 5 năm thực hiện, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngày càng được quán triệt sâu rộng trong các trường học và thu hút được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Sự phối hợp giữa các ngành trong Ban chỉ đạo tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch liên ngành và chỉ đạo các cơ sở tổ chức thực hiện phong trào thi đua ngày càng chặt chẽ, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh. 

 Học sinh trường Tiểu học Nam Thành (TPNB) chơi kéo co. 

Thực hiện Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 - 2013; Công văn của UBND tỉnh về triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các nhà trường của tỉnh trong năm học 2008-2009 và giai đoạn 2008-2013; công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn đánh giá kết quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực tham mưu với UBND tỉnh Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 - 2013. 

BCĐ cấp tỉnh gồm các ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh do đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng ban. Cùng với đó, Ban chỉ đạo phong trào thi đua cấp huyện, thành phố, thị xã; các trường học được thành lập, bổ sung kiện toàn. 
 
Hàng năm, Ban Chỉ đạo tổ chức họp định kỳ, ký kế hoạch phối hợp liên ngành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các thành viên của cấp mình tổ chức hoạt động thường xuyên và đạt hiệu quả cao. 
 
Sau 5 năm thực hiện, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngày càng được quán triệt sâu rộng trong các trường học và thu hút được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. 
 
Sự phối hợp giữa các ngành trong Ban chỉ đạo tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch liên ngành và chỉ đạo các cơ sở tổ chức thực hiện phong trào thi đua ngày càng chặt chẽ, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh.
 
Ngay từ năm học 2008-2009, năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động thực hiện phong trào, toàn tỉnh đã có 478 trường, đạt 100% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và các Trung tâm GDTX hưởng ứng tham gia. 
 
Sau 5 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh có 335/478 trường được kiểm tra công nhận đơn vị đạt danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong đó cấp học Mầm non có 97 trường, Tiểu học có 120 trường, THCS 97 trường và THPT, TTGDTX 21 trường. 
 
Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học được tăng cường trong các năm học. Diện tích đất của nhà trường ở nhiều nơi được mở rộng, các nhà trường đã có cổng trường, tường bao quanh, khuôn viên trường lớp khang trang, xanh- sạch-đẹp, an toàn, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh, thuận tiện cho cán bộ, giáo viên và học sinh sử dụng, có trường đã vượt tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia ở một số chỉ tiêu. Gần 100% trường học có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch đảm bảo thoáng mát, sạch đẹp. 
 
Trong 5 năm, các trường học tổ chức trồng mới hơn 26 nghìn cây xanh; trên 200 trường học xây mới các công trình vệ sinh. Công tác đảm bảo trường lớp an toàn, giúp các em học sinh tránh xa các tai, tệ nạn xã hội, việc tổ chức các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca đã tạo cho học sinh sự năng động, tích cực, gắn bó cùng bạn bè vui chơi, học tập và rèn luyện. 100% các trường phổ thông nhận chăm sóc các di tích, danh thắng trên địa bàn. 
 
329 trường phổ thông, trong đó có 151 trường Tiểu học; 143 trường THCS, 27 trường THPT và 8 Trung tâm GDTX đã nhận chăm sóc 78/80 di tích lịch sử cấp Quốc gia; 162/183 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh; 232 nghĩa trang liệt sỹ, 129 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình thương binh, liệt sỹ… 
 
Qua các hoạt động này đã nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của từng cán bộ, giáo viên, học sinh về văn hoá truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta… Chủ trương đảm bảo “3 đủ” được xã hội đồng thuận và tích cực tham gia. Đến nay trong toàn tỉnh không có học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở… 
 
100% các trường học đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức nhà trường chủ động xây dựng không khí thân thiện thông qua tổ chức “Tiết giảng thân thiện”, xây dựng “Lớp học thân thiện”, “Thư viện thân thiện”…
 
Việc đổi mới phương pháp dạy và hướng dẫn tự học giúp cho học sinh hứng thú trong tiếp thu kiến thức và tích cực trong các hoạt động giáo dục. Học sinh được tham gia các trò chơi dân gian, hát các làn điệu dân ca... đã tạo môi trường giáo dục thân thiện, vui tươi ở các nhà trường. 
 
Đã có nhiều câu lạc bộ học sinh được thành lập, giúp các em rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội, tạo điều kiện sử dụng thời gian sống phù hợp, tránh xa các tệ nạn xã hội. 
 
Công tác tư vấn, hỗ trợ cho học sinh, giáo dục kỹ năng sống được chú trọng thực hiện. 100% các trường có kế hoạch và các giải pháp tăng cường công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục, quản lý học sinh tốt hơn.
 
Thực hiện các nội dung của phong trào, cán bộ, giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, phát huy sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. 
 
Phong trào mỗi cán bộ, giáo viên có ít nhất 1 sáng kiến được duy trì hiệu quả trong các nhà trường. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm đã được ứng dụng cao trong công tác, nhiều người vươn lên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo. 
 
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã hỗ trợ trực tiếp cho phong trào thi đua này. Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực, sử dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học “Bàn tay nặn bột”, “Tiết học thực địa”, “Bản đồ tư duy”, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, sử dụng tư liệu về di sản văn hóa góp phần tạo nên không khí dạy và học tích cực cho giáo viên và học sinh các nhà trường. 
 
Việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã thành nền nếp, có tác dụng tốt cho tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục ở các nhà trường. 100% các trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh. 
 
Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen cho 14 tập thể và 27 cá nhân do có nhiều thành tích trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
 
Những kết quả bước đầu đạt được rất đáng khích lệ, trở thành đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện 
 
Thời gian tới, để phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đạt hiệu quả cao hơn, toàn ngành tập trung thực hiện tốt các nội dung như: Duy trì và mở rộng mô hình điển hình, bền vững thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các vùng khác nhau trong mỗi huyện, thành phố, thị xã. 
 
Chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực của thầy và trò trong nhà trường, gia đình và cộng đồng. Có cơ chế giám sát và hỗ trợ thực hiện, có giải pháp đỡ đầu nhà trường còn khó khăn của mỗi địa phương. Giáo dục văn hóa từ thực tiễn của mỗi địa phương thông qua các nội dung của phong trào. Mỗi nhà trường mang đậm sắc thái văn hóa của địa phương, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực với cách nhìn toàn diện, tổng thể để phát triển lâu dài, bền vững, không chạy theo thành tích, hình thức. 
 
Tích hợp nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực vào xây dựng trường chuẩn Quốc gia, tiêu chí đánh giá trường học ở mỗi cấp học. Chú trọng các nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đặc biệt là hướng dẫn cách học, tính tự giác, tích cực trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống và văn hóa học đường. 
 
Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, cán bộ phụ trách công tác y tế các nhà trường. Tiếp tục lồng ghép nội dung “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” vào Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, vận động “Quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập giúp học sinh khó khăn”. Tiếp tục lồng ghép nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực vào các hoạt động của Đoàn, Đội phù hợp với đặc thù của từng cấp học…
 
Ý kiến của bạn