Ða dạng phong trào làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ

 7370 lượt xem
Ðiều dễ nhận ra sau hơn hai năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiều phong trào sâu rộng đã được hình thành, với những việc làm thiết thực đầy ý nghĩa. Trên khắp mọi miền đất nước, khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến có sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt.

Ðến Trạm Tấu, huyện vùng cao tỉnh Yên Bái, chỉ thấy chủ yếu là rừng và đất rừng. Vậy mà, người dân nơi đây lại thiếu đất sản xuất. Ðói thì "nhường cơm sẻ áo", thiếu đất sản xuất thì san sẻ cho nhau để nhà nào cũng có đất cấy lúa, trồng ngô. Ðó là nội dung được các cấp ủy huyện Trạm Tấu đưa vào vận động đồng bào khi triển khai thực hiện phong trào "Yên Bái làm theo lời Bác" do Tỉnh ủy phát động. Gia đình đảng viên làm trước, đến trưởng các đoàn thể và từ đó, khơi dậy tình làng, nghĩa xóm, để các hộ tự nguyện giúp nhau cùng có đất sản xuất. Kết quả là 63 hộ xã Trạm Tấu giúp 84 hộ hơn 40 ha; huyện có 279 hộ giúp 338 hộ 155,7 ha đất sản xuất. Giờ đây, không chỉ hộ nào cũng có đất sản xuất, mà còn ấm lên nghĩa tình thôn, bản. Huyện vùng cao này còn tới hơn 70% số hộ nghèo. Vì nghèo mà nhiều em không thể đi học. Ðể con em mình được học cái chữ, Huyện ủy vận động xây dựng "kho thóc khuyến học" và chủ trương ấy nhanh chóng lan tỏa đến từng hộ gia đình. Mỗi cán bộ, công chức quyên góp ít nhất 30 kg thóc; các gia đình thì tùy tâm và hoàn cảnh. Ðến thăm Trường bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trạm Tấu, thấy gương mặt các em rạng ngời, cơ ngơi khang trang, ai cũng mừng vì ý nghĩa thiết thực của phong trào "Kho thóc khuyến học". Càng tìm hiểu, càng thấy giá trị ý nghĩa của phong trào "Yên Bái làm theo lời Bác", cụ thể và lan tỏa.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, với phương châm là tạo chuyển biến từ những việc làm thiết thực, thường xuyên hằng ngày trong cuộc sống, các tổ chức đảng, các cấp, các ngành đã có nhiều cách làm sáng tạo. Mỗi nơi một mô hình, nhưng điểm chung là xây dựng, thực hiện các chuẩn mực đạo đức, tác phong làm việc, lối sống giản dị, tận tụy công việc, vì dân, vì đồng chí, vì tình làng nghĩa xóm. Ở huyện Trạm Tấu có "Kho thóc khuyến học" thì ở huyện Ðác Hà, tỉnh Kon Tum có "Ngân hàng lương thực cộng đồng" và nay được tỉnh nhân rộng thành "Ngân hàng cộng đồng" với hàng hóa trong "ngân hàng" gồm lương thực, phân bón các loại, chế phẩm sinh học, lúa giống và tiền để giúp các gia đình khó khăn có vốn sản xuất.
 
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chuyển mạnh từ "học tập" sang "làm theo". Ðó là noi gương Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác,... Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung, xây dựng các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và hướng dẫn thực hiện theo ngành dọc; coi việc thực hiện chuẩn mực đạo đức là căn cứ để kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ được các tổ chức đảng thuộc Ðảng bộ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ðà Nẵng, các Ðảng bộ Công an, Quân đội,... gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng; với Quy định những điều đảng viên không được làm và lấy đó làm nội dung quan trọng trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Nhiều cấp ủy đã chỉ đạo lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm tập trung giải quyết.
 
Với phong trào người đảng viên sống đẹp, mỗi cán bộ, đảng viên phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng đăng ký làm một việc tốt cho cộng đồng dân cư. Ở xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có phong trào "Ðồng hành cùng người nghèo", mỗi cấp ủy, cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo xóa đói, giảm nghèo bằng cách lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, từ đó đưa ra cách hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực. Cũng tại huyện vùng cao Bắc Trà My này, xã Trà Ðông có chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi lợn, gà và nuôi cá nước ngọt đem lại hiệu quả. Ba xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka mở lớp thợ nề cho thanh niên. Ðồng bào các xã Trà Ðốc, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân và Trà Nú được giúp con giống, cây giống,... Phong trào "Một nghìn đồng giúp đảng viên nghèo" ở huyện Cư Kuin, Ðác Lắc thấm đượm tình đồng chí. Tại Bệnh viện đa khoa TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, chương trình "Ðối thoại chiều thứ sáu" đã trở nên quen thuộc đối với bệnh nhân để những người thầy thuốc nơi đây lắng nghe ý kiến góp ý của họ.
 
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ từ những việc làm cụ thể đã trở thành công việc quan trọng, thường xuyên ở nhiều tổ chức đảng, cơ quan đơn vị. Trong mỗi kỳ sinh hoạt, chi bộ tổ dân phố Hiệp Lợi, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại thực hiện chương trình "5 và 7", tức là ôn lại năm mẩu chuyện đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh; kiểm điểm bảy nội dung phấn đấu rèn luyện của đảng viên do chi bộ đề ra. Công an TP Cần Thơ có diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân", tổ chức đối thoại để nhân dân góp ý cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Tỉnh Bến Tre thành lập câu lạc bộ "Gương điển hình". Ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, các tổ chức cơ sở đảng lập bảng theo dõi kết quả khắc phục yếu kém hằng tháng. Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp từ tỉnh đến cơ sở đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, v.v.
 
Dù còn những việc chưa như mong muốn, nhưng sau hai năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, nhiều phong trào thi đua, nhiều việc làm tốt đã lan tỏa, tạo niềm tin trong Ðảng, trong nhân dân. Nhân lên những việc làm tốt theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp không chỉ là mong muốn, trách nhiệm mà còn là tình cảm thiêng liêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
 
 
Ý kiến của bạn