Xây dựng nông thôn mới ở Cửu An: Bắt đầu từ giao thông

 7821 lượt xem
Trong 6 xã xây dựng nông thôn mới của thị xã An Khê đến thời điểm này chỉ Cửu An có 7 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Từ chỉ số tiêu chí đạt chuẩn đã cho thấy hành trình để xã Cửu An đạt chuẩn nông thôn mới đúng lộ trình đề ra địa phương rất cần những tác động tích cực. 

Cửu An không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới nên việc triển khai xây dựng nông thôn mới thời gian qua dựa vào nội lực của địa phương và nguồn vốn đầu tư của các chương trình hỗ trợ khác; nổi bật là chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn.

Thực tế cho thấy phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Cửu An không mạnh bằng các xã khác của thị xã An Khê nhưng để lại ấn tượng tốt cho những ai quan tâm đến địa phương này. Còn nhớ thời điểm công trình thủy điện An Khê-Ka Nak thi công, người dân Cửu An không chịu mất một tấc đất còn bây giờ lại tình nguyện hiến đất, góp tiền làm đường bê tông. Có tuyến đường tưởng không bao giờ làm được như đoạn đường dài khoảng 600 mét nối đường chính của xã với xóm Gò Gai giờ đã thông suốt như lời khẳng định của Bí thư Đảng ủy xã Cửu An Trần Công.
 
Xóm Gò Gai xuất hiện trong bản đồ địa chính xã từ những năm mới giải phóng. Ngày đầu thành lập, xóm có 40 hộ dân, nhưng mùa mưa giao thông ách tắc vì xóm nằm bên kia cánh đồng nên nhiều hộ bỏ xóm qua phía trục đường chính của xã làm ăn, giờ chỉ còn 20 hộ. Hơn 35 năm chịu cảnh “ngăn sông cấm chợ” mùa mưa, giờ người dân xóm Gò Gai đã trút được nỗi lo khi con đường bê tông mặt rộng 3m đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
 
Đối chiếu 19 tiêu chí nông thôn mới thì xã Cửu An hiện có 7 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là: quy hoạch; hộ nghèo; điện; bưu điện; hình thức tổ chức sản xuất; y tế; an ninh trật tự xã hội. Mục tiêu năm 2013 của xã là phấn đấu đưa 5 tiêu chí tiệm cận chuẩn nông thôn mới đạt chuẩn là: trường học, nhà ở dân cư, giáo dục, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh.
 
Hơn 35 năm mới làm được đường vì chủ ruộng không hiến đất nên Gò Gai mới chịu cảnh “ốc đảo” vào mùa mưa đến năm 2012. Ông Công nói để làm được con đường, lãnh đạo xã, chi bộ thôn và tổ chức đoàn thể phải 4 lần đến nhà vận động, giải thích thiệt hơn, các chủ ruộng mới chịu hiến tổng cộng 1.000 m2 đất vườn và 379 m2 đất ruộng để làm đường, giúp các hộ dân xóm Gò Gai ổn định cuộc sống; trong đó hiến nhiều nhất là hộ bà Nguyễn Thị Mai hiến 100 m2 đất ruộng 2 vụ.
 
Tiếp đến, vận động nhân dân đóng góp 99 ngày công vận chuyển đá và 23.548.000 đồng đối ứng với vốn sự nghiệp giao thông nông thôn thị xã cấp gần 100 triệu đồng để làm đường.
 
Không chỉ tuyến đường xóm Gò Gai, trong năm 2012, xã Cửu An còn xây dựng hơn 4 km đường giao thông nông thôn theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Quá trình đưa tiêu chí giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều hộ dân trên tuyến đường thi công đã tình nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất trồng mì, lúa 2 vụ và ao; đóng góp ngày công, phương tiện vận tải; đồng thời đóng 25% so với tổng vốn đầu tư toàn tuyến đường…; nâng chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được bê tông theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm lên 9 km.
 
Điểm nổi bật trong làm đường giao thông nông thôn ở Cửu An được ghi nhận đến thời điểm này là nhân dân không nợ tiền đóng góp-dù số tiền nộp vào không đầu tư trực tiếp tuyến đường họ định cư. Giải thích tinh thần vì cộng đồng này, Bí thư chi bộ thôn An Điền 2-ông Vũ Văn Dự cho biết định mức đóng góp làm đường giao thông 100.000 đồng/hộ/năm đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và nhận được sự đồng thuận nên định mức đóng góp trên được HĐND xã đưa vào nghị quyết thực hiện cả nhiệm kỳ. Vì vậy, khi lãnh đạo UBND xã gửi thông báo đến từng hộ dân yêu cầu đóng góp tiền để xây dựng kế hoạch làm đường theo phương châm hiện trạng tuyến đường đi lại khó khăn ưu tiên làm trước, ít khó khăn hơn làm sau thì nhân dân tự giác nộp tiền.
 
Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc đầu tư giao thông giúp giao thương thuận lợi, thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa nâng giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất canh tác; làm tiền đề phát triển các loại hình dịch vụ tăng thu nhập sớm đưa tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đạt chuẩn nông thôn mới.
 
 
Ý kiến của bạn