Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2011 - 2015 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 21/12/2011 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 09/3/2012.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra kết quả làm đường giao thông nông thôn tại Văn Chấn.
Sau một năm thực hiện Đề án, chỉ với nguồn vốn đầu tư 107 tỷ đồng ngân sách, còn lại là sức dân, toàn tỉnh đã làm mới đạt hơn 130km đường bê tông nông thôn, mở mới đường đất với tổng chiều dài 348km. Tuy nhiên qua thực hiện cũng còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục trong những năm tới. Để hiểu rõ hơn về những tồn tại và chủ trương mới của Đề án, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Tú - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) xung quanh nội dung này.
PV: Đến hết quý I năm 2012, Đề án phát triển GTNT mới chính thức được triển khai, tuy nhiên chúng ta vẫn thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Xin ông cho biết yếu tố nào mang lại thành công đó?
Ông Bùi Danh Tú: Năm 2012 là năm đầu tiên triển khai thực hiện, song Đề án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự ủng hộ tích cực của nhân dân các địa phương. Mặc dù do điều kiện khó khăn của ngân sách tỉnh nên số tiền hỗ trợ kinh phí ngân sách cho các địa phương thực hiện kiên cố hóa GTNT rất thấp nhưng ngành GTVT đã cùng các ban, ngành, địa phương tranh thủ những chương trình mục tiêu, dự án của các bộ, ngành Trung ương, dự án ODA, tổ chức phi chính phủ..., sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân, GTNT của tỉnh đã đạt được kết quả đáng kể, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, cải thiện bộ mặt nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới.
Năm 2012, tổng vốn ngân sách Nhà nước bố trí thực hiện Đề án là 107 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh 74,9 tỷ đồng, ngân sách huyện 32,1 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 73,78 tỷ đồng, toàn tỉnh hoàn thành kiên cố hóa đường bê tông được 130,7km, vượt 10km so với kế hoạch; đường đất mở mới với tổng chiều dài 348km, vượt 43km so với kế hoạch.
Một trong những thành công khi Đề án triển khai là đã được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Trong quá trình xây dựng đường GTNT, nhiều địa phương đã xuất hiện các sáng kiến, cách làm hay, thiết thực, trong đó nổi bật là phong trào hiến đất làm đường, từ phong trào này người dân trong tỉnh đã hiến 73ha đất. Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định thành công của Đề án. Đặc biệt, không chỉ người dân ở vùng thấp mà người dân ở các xã vùng cao khó khăn cũng hưởng ứng nhiệt tình, bỏ hàng nghìn ngày công lao động để mở mới đường liên thôn.
PV: Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai, Đề án còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Bùi Danh Tú: Năm 2012 là năm đầu thực hiện Đề án nên cũng đã nảy sinh hàng loạt vấn đề khó khăn. Đề án phát triển GTNT nếu triển khai ở vùng thấp, đông dân, điều kiện kinh tế khá thì rất thuận lợi, nhiều địa phương đăng ký nhưng vẫn chưa được làm. Tuy nhiên, cũng với cơ chế đó mà triển khai ở các xã vùng cao, vốn thưa dân, đời sống còn rất khó khăn, không có nguồn tài nguyên cát, sỏi để khai thác như ở Trạm Tấu hay Mù Cang Chải, với cơ chế 60/40 thì khả năng đóng góp của người dân để làm đường là rất khó.
Một vấn đề nan giải mà hầu hết các địa phương đang mắc khi giao cho xã làm chủ đầu tư các tuyến đường bê tông hóa là thủ tục đầu tư và thanh, quyết toán. Nhiều tuyến đường người dân đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu cát, sỏi nhưng lại chưa có tiền để mua xi măng, chưa có tiền từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước do xã chưa hoàn thiện được các thủ tục để lấy kinh phí. Nguyên nhân chủ yếu là do Đề án mới được triển khai, phương thức thực hiện có nhiều điểm mới như giao cho xã làm chủ đầu tư và tổ chức thi công, trong khi đó năng lực của cán bộ xã còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng.
PV: Vậy ông có thể cho biết, năm 2013 Đề án có điều chỉnh như thế nào?
Ông Bùi Danh Tú: Năm 2013, nguồn lực đầu tư cho Đề án là 125,052 tỷ đồng, kiên cố 130,227km đường bê tông, mở mới 312,023km. Đề án cũng có một số điều chỉnh, bổ sung cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư Nhà nước: hỗ trợ 20 triệu đồng mở rộng nền đường liên thôn, bản, đường tới cụm dân cư trên 1km với bề rộng nền đường từ 2,5m lên 3,5m, đồng thời hỗ trợ 100% kinh phí vật liệu nổ, chi phí khoan, chi phí vận chuyển và công kỹ thuật.
Việc thực hiện giao cho ban bhỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức; điều chỉnh mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng/km lên 2 triệu đồng/km cho chi phí lập hồ sơ, in ấn tài liệu, quản lý thi công; đối với các công trình cầu (cầu bản có khẩu độ nhỏ hơn 6m), công trình thoát nước (cống tròn đường kính lớn hơn 1m) hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện phần kết cấu chính, 50% chi phí khảo sát, 35% chi phí thiết kế và 50% chi phí giám sát thi công. Những điều chỉnh trên đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1748QĐ - UBND ngày 12/12/2012 và được áp dụng từ năm 2013.
PV: Xin cảm ơn ông!