(BTĐKT) – Chiều 10 -6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư tổ chức hội thảo khoa học "Ðẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay" nhằm Kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2013).
Đồng chí Trần Thị Hà phát biểu tại Hội thảo.
Hơn 50 ý kiến tham luận được trình bày và gửi đến hội thảo, khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản, một kho báu vô cùng quý giá về tư tưởng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, có một phần về thi đua yêu nước. Tư tưởng về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thắm đượm truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và niềm tự hào dân tộc. Bác chỉ ra: Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển đất nước và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày. Bác đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị, coi thi đua là biểu hiện của lòng yêu nước, là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người dân Việt Nam.
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Người, 65 năm qua, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đã tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần tạo động lực to lớn, cổ vũ động viên nhân dân cả nước vượt mọi khó khăn, gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Từ những phong trào thi đua lớn như: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Hũ gạo kháng chiến", "Sóng Duyên Hải, "Gió Ðại Phong", "Cờ Ba Nhất"... đến các phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Tuổi nhỏ chí lớn", "Dạy tốt, học tốt"... đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực lao động, sản xuất, quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Quang cảnh Hội thảo.
Trong thời kỳ đổi mới, công tác thi đua - khen thưởng đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HÐH. Tiêu biểu là các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Trường Sa thân yêu", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, phong trào thi đua và công tác khen thưởng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong khen thưởng, chưa quan tâm đúng mức đến người lao động trực tiếp. Một số tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa tạo được sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng...
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung mang tính lý luận và thực tiễn, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của các phong trào thi đua, từ đó tham gia tích cực vào các phong trào thi đua trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế. Từ những kết quả đạt được của các phong trào thi đua và những bất cập của các phong trào thi đua, các đại biểu đề xuất với Ðảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác thi đua - khen thưởng; các giải pháp đổi mới để công tác thi đua thiết thực hơn, các phong trào thi đua có nội dung tiêu chí cụ thể hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của các ngành, các cấp; hình thức phát động phải đa dạng, phong phú để khuyến khích nhiều người tham gia hưởng ứng. Công tác tuyên truyền về thi đua yêu nước cần được tăng cường và đổi mới, qua đó biểu dương, tôn vinh người tốt, việc tốt. Các cấp, các ngành cần tiếp tục có những biện pháp xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến thông qua các phong trào thi đua.
Gia Linh