Sức lan tỏa mạnh mẽ của các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động

 9070 lượt xem
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn thực hiện tốt việc tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động và thực sự đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho mỗi thời kỳ cách mạng của đất nước. 

Ở đâu có công đoàn, ở đó có phong trào thi đua

65 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) do Công đoàn phát động đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng thời kỳ, khơi dậy được lòng yêu nước, tính năng động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Những phong trào thi đua đã có nhiều đổi mới cả về bề rộng và chiều sâu, nội dung thi đua bám sát vào mục tiêu kinh tế - xã hội của ngành, mang thương hiệu Công đoàn kế tiếp nhau xuất hiện khiến cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, tạo nên những làn sóng thi đua tích cực trong CNVCLĐ. 
 
Trong thời kỳ kháng chiến giải chống Pháp có các phong trào “Thi đua canh tác”, “Thi đua chuẩn bị tổng phản công”. Đến thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam có những phong trào như “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay búa, tay súng”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất, mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”...
 
Đến giai đoạn cả nước xây dựng CNXH, cùng với cả nước, tổ chức Công đoàn căn cứ vào tình hình nhiệm vụ đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” … 
 
Trong đó, đáng chú ý từ phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn đã vận dụng sáng tạo và tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hội thi phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, công tác ở doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành nghề. Tiêu biểu như phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Kinh doanh giỏi, quản lý tốt”, “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi Công đoàn một sáng kiến”...
 
Đặc biệt, nét mới được đánh giá là có hiệu quả to lớn và tác dụng lan tỏa trong những năm gần đây là phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm quốc gia. Hàng loạt các công trình lớn như nhà máy Thủy điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất... đã được rút ngắn thời gian thi công, đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến… 
 
Điểm nhấn từ năm 2008, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lập giải thưởng mang tên Nguyễn Đức Cảnh. Qua hai lần trao giải, đã có 239 công nhân trực tiếp lao động sản xuất được vinh danh, tạo tiếng vang lớn và là cú hích quan trọng cho phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục được đẩy mạnh.
 
Qua các phong trào thi đua, hàng ngàn công trình, sản phẩm được hoàn thành, hàng ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua các cấp, những điển hình tiên tiến được Nhà nước và các cấp Công đoàn khen thưởng. Đó chính là những tấm gương tiêu biểu của truyền thống yêu nước và cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, là những bông hoa tưới thắm nhất trong vườn hoa muôn màu của phong trào thi đua yêu nước. 
 
Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, đã có gần 7.000 công trình, sản phẩm được các cấp Công đoàn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gắn biển với trị giá làm lợi gần 21.000 tỷ đồng; gần 835.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích được phát huy và ứng dụng với giá trị làm lợi hơn 52.000 tỷ đồng; gần 22.000 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng với giá trị làm lợi gần 35.400 tỷ đồng...
 
Với những thành tích đạt được, trong 5 năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng lần thứ hai; 3.743 Huân chương các loại; 6.573 bằng khen, 790 cờ thi đua, 275 danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tổng Liên đoàn đã khen thưởng gần 3.000 cờ thi đua, trên 22.000 bằng khen, bằng lao động sáng tạo cho các tập thể, cá nhân... 
 
Ngày càng chú trọng khen thưởng công nhân lao động trực tiếp
 
Từ các phong trào thi đua chung do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, tại các địa phương, ngành khác nhau, tổ chức Công đoàn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cũng đã sáng tạo ra các phong trào thi đua mang tính đặc thù nhưng có hiệu quả rất thuyết phục. Điển hình như Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng cho ra đời Giải thưởng Tôn Đức Thắng từ năm 2000. Giải thưởng chủ yếu dành cho công nhân, kỹ sư trực tiếp sản xuất có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo, đào tạo thợ giỏi, có trình độ học vấn khá, có phẩm chất chính trị tốt và được tập thể đơn vị tín nhiệm. 
 
Liên tục tổ chức hằng năm, từ đó đến nay đã có 127 công nhân ưu tú nhất của thành phố được trao giải. Đáng chú ý, nhiều công nhân sau khi được trao giải thưởng đã không ngừng phấn đấu và đã vươn lên dành được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Điển hình như anh Cao Anh Minh, Trưởng Ban Quản lý kỹ thuật Đài truyền hình, giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2005 – hiện nay là Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh; Anh Nguyễn Ngọc An, Phó phòng kỹ thuật, giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2006 – hiện nay là Phó Tổng Giám đốc Công ty VISSAN; chị Phạm Thị Ẻng, cán bộ tổ kỹ thuật cơ điện, được giải thưởng Tôn Đức Thắng 2008 - hiện là Giám đốc Xí nghiệp bao bì An Khang; chị Hà Thị Cẩm Thu, công nhân may, giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2010 - hiện nay là kỹ thuật viên Công ty Cổ phần May da Xuất khẩu 30/4; chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Tổ trưởng Tổ Nái sinh sản, Xí nghiệp Heo giống cấp I, giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2011 - hiện nay là Phó Giám đốc Xí nghiệp Heo giống cấp I...
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao giải Nguyễn Đức Cảnh năm 2013 cho các công nhân lao động trực tiếp.
 
Cũng chú trọng đến việc khen thưởng những người lao động trực tiếp, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội phát động công nhân lao động phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” và “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”. Kết quả, 6 năm qua đã có trên 200.000 công nhân đạt danh hiệu công nhân giỏi cấp cơ sở, trên 11.700 người đạt danh hiệu công nhân giỏi cấp trên cơ sở và hơn 800 người đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”; và có khoảng 50.350 sáng kiến được áp dụng, làm lợi hơn 500 tỉ đồng từ phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.
 
Từ phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Công đoàn Hóa chất Việt Nam phát động phong trào “tập hợp ý tưởng, sáng kiến sáng tạo”, “Phong trào tiết kiệm chi phí”. Từ các phong trào này, 5 năm qua đã có trên 15.300 ý tưởng được báo cáo, trong đó có trên 4.500 sáng kiến được áp dụng trong sản xuất với số tiền làm lợi gần 468 tỷ đồng và từ phong trào tiết kiệm chi phí, 5 năm qua, các đơn vị trong Tập đoàn đã tiết kiệm được 481 tỷ đồng....
 
Có thể nói, các phong trào thi đua yêu nước liên tục được tổ chức Công đoàn phát động và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy trong mỗi giai đoạn có những hình thức và cách làm khác nhau nhưng đây là hoạt động không thể thiếu gắn liền với bản chất cách mạng của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng./..
 
 
Ý kiến của bạn