Kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”: Lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua

 10250 lượt xem
Trải qua chặng đường 65 năm thực hiện “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/6/1948-11/6/2013), Hà Nội với vị trí, vai trò là Thủ đô, trái tim của cả nước xứng đáng tự hào bởi là địa phương luôn dẫn đầu các phong trào thi đua, đồng thời là nơi khởi phát nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa rộng lớn, tạo động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước. 

Nhằm phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân, đáp ứng những yêu cầu to lớn của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc". Bác mong muốn “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một người chiến sỹ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa…"; "Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc". Bác tin tưởng: "Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi khó khăn, mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi".

Thực hiện Lời kêu gọi của Bác, nhân dân Hà Nội đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp với nhiều hình thức phong phú và thu được kết quả quan trọng. Trên mặt trận kinh tế, với các phong trào “Gió đại phong”, “Cờ ba nhất”, “Tiếng trống Bắc Lý"… Quân dân Thủ đô đã đưa khí thế thi đua này về từng nhà máy, xí nghiệp, trên các cánh đồng, trong mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, trường học. Nhờ đó, giá trị sản xuất các ngành này tăng nhanh, tạo động lực quan trọng cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đến năm 1962, công nghiệp Hà Nội chiếm 28,2% giá trị sản lượng công nghiệp toàn miền Bắc, công nghiệp cơ khí Hà Nội bằng 98,8% sản lượng cơ khí toàn miền Bắc…
 
Điển hình trong các phong trào thi đua của Hà Nội trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc phải kể đến phong trào “Ba sẵn sàng”. Khởi phát từ Hà Nội, “Ba sẵn sàng" đã trở thành phong trào cách mạng rộng lớn của thanh niên Việt Nam. "Ba sẵn sàng" là khẩu hiệu, là mệnh lệnh chiến đấu, là lý tưởng sống của tuổi trẻ lúc đó. Kể từ đêm 9/8/1964, 26 vạn thanh niên Hà Nội biểu tình tại quảng trường Nhà hát lớn, hừng hực tinh thần "Ba sẵn sàng", chỉ sau một tuần đã có 20 vạn thanh niên ghi tên tình nguyện, không ít những lá đơn được viết bằng những giọt máu đào của tuổi trẻ Thủ đô. 
 
Cùng với phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang" là phong trào được xuất phát từ Đan Phượng, Hà Nội. "Ba đảm đang" đã trở thành phong trào thi đua yêu nước được đông đảo phụ nữ Thủ đô và cả nước hưởng ứng. Các mẹ, các chị đã đảm đang nhiệm vụ sản xuất thay thế cho chồng con đi chiến đấu, phục vụ chiến đấu và rất nhiều chị em đã trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù, chứng tỏ cho giặc Mỹ biết truyền thống "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" của phụ nữ Việt Nam. Từ phong trào này, Bác Hồ đã khen ngợi: "Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”. Người đặc biệt quan tâm, theo dõi, chỉ đạo và động viên phong trào: Gửi thư khen, tặng huy hiệu, gặp mặt những phụ nữ tiêu biểu của phong trào. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hàng vạn phụ nữ Thủ đô được rèn luyện trong phong trào "Ba đảm đang" đã trưởng thành nhanh chóng, lập nhiều thành tích, xứng đáng với lời khen của Bác.
 
Khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Các phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội tiếp tục được tổ chức thường xuyên, có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, từng đơn vị. 
 
Phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" của Thủ đô Hà Nội được chính thức phát động năm 1992, và được Thành phố Hà Nội coi đây là phong trào trọng tâm, quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đổi mới. Thực tế đã chứng minh sức lan tỏa của phong trào. Nếu như năm 1992 - năm đầu tiên phát động phong trào có hơn 2.000 đơn vị hưởng ứng, thì đến 1996, sau 5 năm phát động phong trào có gần 5.000 đơn vị trên địa bàn tham gia, và đến nay, 100% các đơn vị trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”. 
 
 
Lãnh đạo TP luôn động viên, biểu dương kịp thời những tấm gương "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu.
 
Kể từ khi phát động phong trào người tốt, việc tốt đến nay, Hà Nội liên tục và đều đặn tổ chức trọng thể việc biểu dương "Người tốt, việc tốt" vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. Mỗi năm có khoảng 1000 đại biểu "Người tốt, việc tốt” tiêu biểu chủ yếu là cán bộ cơ sở và người lao động trực tiếp được lựa chọn từ hàng vạn "Người tốt, việc tốt" ở các ban ngành, quận, huyện, thị xã; các cơ quan Trung ương trên địa bàn về dự. Đến nay, đã có trên 20 nghìn lượt người tốt, việc tốt tiêu biểu được Thành phố biểu dương; hơn 300 ngàn lượt người tốt việc tốt được các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thuộc thành phố khen thưởng. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, vào dịp tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt”, Thành phố đã tổ chức xét chọn và vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú mỗi năm có đóng góp xuất sắc cho Thủ đô và đất nước.
 
Bên cạnh các phong trào thi đua thường xuyên, các cấp, ngành của TP còn phát động phong trào thi đua chuyên đề, thi đua theo đợt nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức thi đua, động viên sự tham gia của toàn xã hội. Tiêu biểu như: “Cựu chiến binh Thủ đô giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Cán bộ, chiến sỹ công an Thủ đô Trung thành - Tận tụy - Kỷ cương - Sáng tạo vì Thủ đô bình yên”, “Học sinh Thủ đô nhường một phần quà sáng cho các bạn học sinh nghèo”, “Nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”… 
 
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc", Hội đồng TĐKT TP Hà Nội đang nghiên cứu phát động cuộc thi xây dựng các danh hiệu thi đua đặc thù của từng cấp, từng ngành. Dự kiến, mỗi đơn vị sẽ có 10 gương mặt tiêu biểu mỗi năm. Từ đó, các ngành sẽ bật lên các tấm gương tiêu biểu để biểu dương trong ngày truyền thống của ngành; đồng thời, đó sẽ là một trong các nguồn cung cấp nhân tố tiêu biểu để Hội đồng TĐKT TP sàng lọc, xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Cùng với đó, trong dịp này TP tổ chức gắn biển 8 công trình với tổng giá trị gần 280 tỷ đồng, trong đó, có nhiều công trình có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa - xã hội; tổ chức gặp mặt, biểu dương các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua-khen thưởng; giao lưu với một số “Công dân Thủ đô ưu tú”; biên soạn, xuất bản 2,5 nghìn ấn phẩm “Hà Nội-65 năm thi đua yêu nước”… Đây là minh chứng cho tinh thần thi đua xuyên suốt qua nhiều năm tháng, thể hiện sự tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện xuất sắc “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
 
 
Ý kiến của bạn