Ý chí làm giàu là điều cần có với người nông dân nhưng ý chí thôi chưa đủ mà trong làm ăn phải tính đến hiệu quả kinh tế và sự ổn định dài lâu. Đi khắp các vùng nông thôn trong tỉnh, chúng tôi đều nhận thấy ở nơi nào cũng có những người nông dân rất năng động trong phát triển kinh tế, luôn tìm tòi các loại cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao với hy vọng giấc mộng làm giàu sớm thành hiện thực…
Do nôn nóng làm giàu nên không ít nông dân khi vừa có thông tin về một loại cây trồng, vật nuôi nào đó đang cho hiệu quả kinh tế cao, ngay lập tức dồn vốn đầu tư sản xuất mà chưa nắm được hết quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đáng ngại hơn là thấy sản phẩm bán với giá cao là đua nhau trồng, nuôi mà nhiều người nông dân không hề nghĩ đến chuyện sau khi mình sản xuất thành công sẽ bán sản phẩm ở đâu hoặc chỉ nghe chủ cơ sở cung cấp giống cho biết thông tin chung chung là bán cho nhà hàng, xuất khẩu…Chính điều này mà chỉ có một vài hộ đầu tư cây trồng, vật nuôi hốt bạc khi “bán giống” còn lại hầu hết các hộ nông dân trong tỉnh đầu tư trồng, chăn nuôi thương phẩm đều gánh hậu quả là sa sút cơ nghiệp, “thối” chí làm ăn.
Gia đình anh Phạm Hồng Sơn ở tổ 15, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) đã bỏ ra khoản tiền gần 50 triệu đồng để nuôi lợn rừng nhưng do giá tụt giảm, thị trường bão hòa nên mới đây đã phải dừng việc chăn nuôi con vật này.
Có thể kể ra đây vài ví dụ như: 8 năm trước, tại T.X Sông Công đã có hộ dân bỏ ra khoản tiền cả trăm triệu đồng để chăn nuôi cá sấu và đã trở thành điểm cung cấp thịt cá sấu, da cá sấu cho nhiều nhà hàng, cơ sở sản xuất đồ da trong, ngoài tỉnh nên rất giàu có (cơ sở chăn nuôi duy nhất trong tỉnh lúc đó). Nhưng khi số cơ sở nuôi cá sấu lên tới con số 5 thì việc tiêu thụ những sản phẩm của con thủy vật hung dữ này ở T.X Sông Công lại chẳng dễ chút nào và đã có cơ sở thua lỗ, ngừng chăn nuôi. Tiếp đến là con hươu sao được một số nông dân ở các xã: Đắc Sơn, Minh Đức, Phúc Thuận (Phổ Yên) đưa về nuôi và ban đầu cũng “rộ” lên thông tin có hộ thu bạc tỷ từ bán nhung hươu nên người dân khắp nơi trong tỉnh tìm đến học tập kinh nghiệm. Nhưng may là cơ quan chuyên môn đã kịp thời cảnh báo nên không có nhiều chuồng hươu làm rồi để trống! Rồi các con vật nuôi khác như: Nhím, chồn hương, rắn, đà điểu, lợn rừng và mới đây nhất là cá tầm cũng khiến nhiều nông dân chồng chất nợ nần vì sự nôn nóng hoặc không tính được chuyện tiêu thụ sản phẩm.
Với nhiều loại cây trồng cũng tương tự, cách đây khoảng 6 năm cả nghìn hộ nông dân trong tỉnh phá bỏ cây màu đang trồng để trồng thanh hao hoa vàng khi nghe thông tin một doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc có nhu cầu rất lớn, mua giá cao (theo tính toán lúc đó lãi nhưng 5 triệu đồng/sào, cao gấp 10 lần trồng lúa). Nhưng khi cây thanh hao hoa vàng được thu hoạch, phơi khô, bó chặt những người nông dân đợi mãi chẳng có ai đến mua nên nhiều nhà đành mang làm củi đốt. Mới đây ở một số xã của huyện Phú Lương lại bùng lên phong trào trồng cây ba-kích làm dược liệu với thông tin truyền tai nhau là lãi cả trăm triệu đồng/ha và không lo chuyện tiêu thụ vì hiệu thuốc nào cũng cần để chế biến thuốc tráng dương, bổ thận!? Một lão nông ở huyện Đại Từ khi bàn chuyện về truy tìm cây trồng “hữu dụng” nhất đã từng than vãn rằng đời người nông dân sau khi chặt phá đồi chè để trồng mơ rồi lại chặt mơ trồng vải thiều thì coi như hết cơ hội làm giàu vì sức khỏe cạn kiệt.
Khi mà mối quan hệ giữa các giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với người sản xuất ra nông sản chưa thực sự chặt chẽ và công việc này đang được các cơ quan chức năng từng bước thực hiện thì trước khi đầu tư sản xuất bất kỳ loại cây trồng, vật nuôi nào, hộ nông dân cũng nên suy tính thật kỹ sản phẩm của mình sẽ tiêu thụ ở đâu? Bởi nông dân giờ đây không khác gì một doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Nếu chủ động được quy trình sản xuất, sản phẩm giá phù hợp, chất lượng và dự báo tương đối chính xác nhu cầu của thị trường thì chắc chắn sẽ thành công.