Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua

 12584 lượt xem
65 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên quê hương Thái Bình, qua các thế hệ, đã nhân lên truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, góp phần khẳng định tầm cao nhân cách, chiều sâu văn hóa tâm hồn của người công dân đối với Tổ quốc thông qua những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể. 

Đúng ngày này năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. "Kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công", mong muốn của Người không chỉ đã trở thành hiện thực, mang lại độc lập tự do, cơm no, áo ấm cho nhân dân, cho em thơ ngày ngày được cắp sách tới trường; mà còn tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ái quốc ngày càng phát triển, lan rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội, thấm sâu trong mỗi trái tim người Việt, tạo sức mạnh tổng hợp làm nên những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất". 65 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên quê hương Thái Bình, qua các thế hệ, đã nhân lên truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, góp phần khẳng định tầm cao nhân cách, chiều sâu văn hóa tâm hồn của người công dân đối với Tổ quốc thông qua những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể. Bởi thế mà lịch sử truyền thống của Thái Bình mỗi ngày thêm một trang vàng vẻ vang: là một trong hai tỉnh thanh toán nạn mù chữ sớm nhất cả nước sau Cách mạng Tháng Tám; vinh dự  được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thêu 8 chữ vàng "Quân dân một lòng tiêu diệt địch" khi kết thúc kháng chiến chống Pháp; là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; là tỉnh đi đầu hoàn thành chương trình "điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch" với phương châm sáng tạo "Nhà nước và nhân dân cùng làm" những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới; và đến ngày hôm nay, Thái Bình được chọn là một trong 5 tỉnh chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới nhiều khởi sắc... "Thu hoạch" được những thành tựu này là do Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã chủ động "gieo trồng" các phong trào thi đua phù hợp với mỗi giai đoạn cách mạng, biến động lực nội sinh to lớn thành sức mạnh đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng chung sức giành thắng lợi mỗi ngày một toàn diện hơn.
 
Thực tế 65 năm qua đã khẳng định: Thi đua là cách tốt nhất, thiết thực nhất để gắn chặt tình đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ; để từng bước làm cho cái tiêu cực bị đẩy lùi, cái tích cực ngày càng phát triển và được nhân rộng, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh còn nhiều khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen nhau, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân càng cần phải nâng cao ý thức nỗ lực cố gắng bằng những hành động thi đua cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
 
"Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua", mỗi người hãy bắt đầu từ chính ngày hôm nay - Ngày truyền thống thi đua yêu nước 11/6, cần trách nhiệm hơn với chính mình để thi đua yêu nước bằng những việc làm nhỏ bé nhất, bình thường nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần "xung phong làm gương mẫu cho quần chúng noi theo", để mỗi công dân đều là một bông hoa đẹp,  cả đất nước trở thành  một rừng hoa đẹp.
 
 
Ý kiến của bạn