Thời gian qua, Kontum đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Đặc biệt trong 2 năm 2011-2012, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua - nhất là đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh do Tỉnh uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh phát động vào cuối tháng 10/2011 với 8 nội dung cụ thể nhằm đạt mục tiêu: “Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố và phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững với cơ cấu hợp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; xây dựng tỉnh Kon Tum cơ bản thoát nghèo vào năm 2015”. Nhiều phong trào thi đua đã phát huy hiệu quả tích cực, trong đó phải kể đến các phong trào như: “Vì an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy” (Công an tỉnh); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” (Hội Nông dân tỉnh); “Sáng tạo, kỷ cương, an toàn, quyết thắng” (BCHQS tỉnh, BCHBP tỉnh); “Thanh niên lập thân, lập nghiệp vì cuộc sống cộng đồng” (Tỉnh đoàn); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (Hội LHPNVN tỉnh); “Siết chặt kỷ cương, tăng cường y đức và nâng cao nghiệp vụ” (Sở Y tế); “Dạy tốt, học tốt” (Sở GD&ĐT); “Công nhân thi đua lao động sản xuất giỏi” (LĐLĐ tỉnh); “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” (huyện Đăk Hà)...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hùng trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đạt thành tích tốt trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum.
Trong phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đã kịp thời hướng dẫn việc học tập chuyên đề và các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện. Các cấp uỷ cơ quan đã tổ chức cho CBCCVC học tập, gắn kết nội dung các chuyên đề với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn. MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tổ chức giới thiệu nội dung chuyên đề cho hội viên, đoàn viên thuộc tổ chức mình bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, lồng ghép trong các buổi họp thôn, sinh hoạt của đoàn thể, trong các buổi toạ đàm nhân các ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương. Sau khi học tập chuyên đề, hầu hết CBCCVC, đảng viên đã xây dựng bản đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời hoàn thành việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4-khoá XI. Trên cơ sở chuẩn mực đạo đức đã xây dựng, các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát lại các chuẩn mực đạo đức đã có, bổ sung, xây dựng thành chuẩn mực đạo đức mới theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với nhiệm vụ công tác của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đối với phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh theo Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra; với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2012 tiếp tục ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,77%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ; diện tích, sản lượng một số loại cây trồng tăng cao, diện tích cao su trồng mới đạt 8.940 ha, vượt 17,6% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước đạt 1.509 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,4%; tổng mức hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tăng 31,51% so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,77%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp PTTH đạt 98,97%, tăng 1,62% so với năm học trước; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có 26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; các hoạt động giao lưu văn hoá, thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh Kon Tum được đẩy mạnh; bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc bản địa được bảo tồn và phát huy có hiệu quả.
Các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được tổ chức triển khai đồng bộ, đạt được nhiều thành tích đáng kể; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên; nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều đổi mới. Các phong trào “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Xây dựng nông thôn mới”... đã được các cấp, các ngành, địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng năm. Đến nay toàn tỉnh có 68.684 hộ được công nhận là “GĐVH”, 441 khu dân cư văn hoá, 536 thôn làng vùng đồng bào DTTS có nhà rông truyền thống, 19 khu dân cư có nhà văn hoá, 207 khu dân cư có hội trường sinh hoạt cộng đồng; 641 khu dân cư không phát sinh tội phạm, 563 khu dân cư không phát sinh người nghiện ma tuý, 676 khu dân cư không có người vi phạm an toàn giao thông bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có 454 khu dân cư trong sạch vững mạn toàn diện; hỗ trợ xây dựng 625 căn nhà “đại đoàn kết” với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020; trong năm 2012 đã đào tạo mới 24 thạc sĩ, 1 tiến sĩ phục vụ cho các lĩnh vực y tế, GĐ&ĐT, quản lý, KH&CN, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh sẽ thực hiện thu hút 46 chỉ tiêu các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu cán bộ của các địa phương, đơn vị. Tiếp tục thực hiện các đề tài, dự án chuyển tiếp về nghiên cứu các phương pháp nhân giống và trồng sâm giây; nghiên cứu mở rộng mô hình sản xuất một số loài rau, hoa có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện sinh thái tại huyện Kon Plông; nghiên cứu trồng thử nghiệm hoa anh đào Nhật Bản tại Măng Đen; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây cà chua ghép tại thành phố Kon Tum; chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng cây cà chua ghép, mô hình nấm rơm và nấm bào ngư tại huyện Kon Rẫy...
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Trung ương phát động. Qua 3 năm thực hiện với nhiều quyết tâm cao, đến nay đã hoàn thành phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới ở 81 xã, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đối với 3 xã chỉ đạo điểm của tỉnh, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2013; xã Đoàn Kết (TP Kon Tum) đạt 9/19 tiêu chí; xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) đạt 5/19 tiêu chí.
Các công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tích cực; đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 7/8 công trình. Đó là các công trình: Công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 24 đoạn qua TP Kon Tum; Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội; Công viên giọt nước Đăk Bla; Công trình đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Kon Tum; Kè chống sạt lở bờ sông Đăk Bla; Kè chống sạt lở Quốc lộ 24 (đoạn qua TP Kon Tum) và Sân vận động tỉnh.
Có thể khẳng định các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong 2 năm 2011-2012 đã phát triển rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị, thể hiện sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Các phong trào thi đua từ tỉnh đến cơ sở đã được tiến hành kịp thời, thiết thực, xác định được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, có biện pháp khả thi. Mỗi phong trào thi đua đã gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Nhờ thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhận thức của các cấp uỷ được nâng lên, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã có sự phối hợp trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực lôi cuốn, khuyến khích, động viên mọi cá nhân, tập thể phát huy tốt truyền thống yêu nước và cách mạng, năng động, sáng tạo để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.