Cách đây hơn 65 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Thời gian qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Thanh niên Đồng Tháp xây dựng giao thông nông thôn.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định thi đua yêu nước là động lực to lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Công tác thi đua - khen thưởng đã góp phần to lớn phát huy cao độ truyền thống yêu nước; khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị các cấp đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua có tác dụng thiết thực. Các cơ quan thông tin đại chúng đã chú ý hơn việc tuyên truyền biểu dương người tốt, việc tốt. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc được các cấp, các ngành và Nhà nước khen thưởng đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ở Đồng Tháp, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các địa phương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao. Tập trung vào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như các phong trào thi đua: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”,... gắn liền với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, thiết thực, được các tầng lớp nhân dân đón nhận và hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các ngành, địa phương đã chủ động phát hiện, khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích; chú trọng khen thưởng xứng đáng cho các cá nhân trực tiếp công tác, chiến đấu, lao động và học tập. Phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp và đã đi vào chiều sâu. Chất lượng khen thưởng ở các cấp, các ngành được nâng lên; công tác khen thưởng đột xuất, khen thưởng cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất ngày càng được coi trọng.
Trong thời gian tới, hưởng ứng nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, với tư tưởng chỉ đạo của phong trào thi đua, khen thưởng năm 2013 là “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phát triển phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực với những nội dung mới, với chiều sâu, chiều rộng và những sắc thái mới.
Nội dung các phong trào thi đua cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho phong trào thi đua thật sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, đơn vị, cá nhân. Cần quan tâm phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở, chú trọng khen thưởng những người lao động trực tiếp có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những tấm gương bình dị mà cao quý trong cuộc sống.