Thi đua thiết thực

 7758 lượt xem
Ông Trần Văn Anh (Ba Anh), một người dân cố cựu sống tại ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, nhớ lại: “Từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi ở đây, chứng kiến những thăng trầm của vùng đất này. Hồi đó nghèo lắm, đi bộ còn khó, nhưng 7-8 năm trở lại đây, có ai về Rạch Gòi sẽ thấy nhiều đổi khác”. 

Câu chuyện của ông Ba Anh giúp chúng tôi biết rõ hơn một địa phương bật lên nhờ những mô hình thi đua đột phá, thiết thực. Bên căn nhà mới xây lại sắp hoàn thành, ông Ba Anh kể lại những chuyện thăng trầm của đời người gắn bó với vùng đất này.

Chỉ tay về hướng căn nhà, ông cười lộ hàm răng đã “rơi rụng” ít nhiều, nói: “Lộ làng khang trang rồi, bây giờ cũng sửa sang nhà cho đàng hoàng, lộ đẹp, nhà đẹp nhìn mới đẹp đúng hông ?”.
 
Hơn chục năm trước, xóm Láng Hầm này hiếm có nhà tường, nhưng bây giờ những biệt thự nho nhỏ mọc lên san sát, nhà nào cũng hàng rào bê tông hoành tráng. Vậy ai đã làm nên những điều này? - chỉ có dân. 
 
Câu chuyện nhân dân nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua, giúp sức cho chính quyền hoàn thành nhiều công trình trọng điểm bắt đầu từ đây. Thị trấn Rạch Gòi 4 năm trở lại đây nổi lên điểm sáng trong phong trào thi đua với nhiều mô hình hay, đột phá được tỉnh công nhận, nhiều địa phương khác học hỏi.
 
Khoảng năm 2007, 2008, nơi đây nhen nhóm mô hình đèn trước ngõ, mõ trong nhà, rồi dần lan ra toàn huyện; rồi có những cung đường là điểm nhấn ở thôn quê. Tuy chưa phải giàu có nhưng rất văn minh, nói như những cụ già là xây dựng phố theo cách của dân nghèo, khi kinh phí đầu tư đèn đường chưa thể đến nông thôn thì người dân tự mua bóng đèn, căng dây điện để làm… đèn đường.
 
Những năm tiếp theo, phong trào thi đua lại có những điểm nhấn mới, sáng tạo và nổi bật. Như vận động nhân dân kè mé chống sạt lở, rồi xã hội hóa trong xây dựng giao thông nông thôn. Có thể thấy, những mô hình ở thị trấn này không lạ, cũng chưa hẳn đã mới, nhưng điều đặc biệt là ở chỗ được đông đảo nhân dân tham gia. 
 
Năm 2013, thị trấn không được phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng đường, cầu nông thôn, nhưng thị trấn lại có nhu cầu xây dựng, thế là phong trào thi đua của địa phương tập trung vào vấn đề này. Từ đây, mô hình đột phá xây dựng đường giao thông nông thôn có xe ô tô về tới nhà thông tin ấp được thực hiện. Tuyến đường có chiều dài 1.500m, ngang 3,5m; 100% hộ dân trồng hàng rào cây xanh hoặc làm hàng rào bê tông liền kề; 100% hộ dân làm cột cờ bằng sắt, treo đèn trước ngõ; cứ cách 8m đường được trồng 1 cây sao và hoa kiểng, cách 20m lại đặt một băng ghế đá… Ngoài ấp Láng Hầm, ô tô có thể chạy đến nhà thông tin các ấp khác như ấp Láng Hầm A, ấp Xáng Mới A…
 
Tính ra, nhân dân ấp Láng Hầm đã đóng góp 1,4 tỉ đồng (hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, trồng cây, kè mé); kinh phí làm lộ khoảng 1,6 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1m = 150.000 đồng, kinh phí còn lại do mạnh thường quân tài trợ.
 
Cũng tại ấp Láng Hầm, còn xây dựng thêm mô hình “6 không, 4 đạt” cũng là mô hình thi đua đột phá nổi bật đã được tỉnh khảo sát (ban đầu thí điểm 300m trên tuyến đường gần 1.000m trên địa bàn ấp). Người dân phải cam kết “6 không”: không vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông; lộ không cầu; dân cam kết không sử dụng ma túy; không vi phạm luật giao thông; không tệ nạn xã hội; không vi phạm pháp luật; và đạt các tiêu chí nông thôn mới; cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, hàng rào không cách khoảng; đạt tiêu chí về môi trường và tuyến sông không bị sạt lở; 300m đường đều có ghế đá, ta-luy đất được thay bằng gạch thẻ… Kinh phí xây dựng đều từ nguồn xã hội hóa với gần 1 tỉ đồng.
 
Như vậy, gần 4 tỉ đồng để thực hiện 2 mô hình này ở ấp Láng Hầm đều từ nguồn xã hội hóa. Câu chuyện thi đua ở thị trấn Rạch Gòi là câu chuyện nhỏ nhưng là bài học lớn. Sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân, sự quyết tâm, hết lòng của chính quyền đã tạo nên những điểm nhấn trong phong trào thi đua tại đây. Trong thi đua, không phải cứ xây dựng được những công trình tiền tỉ mới hay, mà quan trọng là xây dựng được những mô hình thiết thực ở địa phương. Những gì dân cần và bài học sức dân lại một lần nữa được nhắc đến, dù có “khó trăm lần” thì “dân liệu cũng xong”.
 
 
Ý kiến của bạn