Xung kích trong các hoạt động từ thiện, mang lại nhiều lợi ích cho vùng quê nghèo; tích cực tìm phương pháp làm ăn mới phát triển kinh tế gia đình... là những cách làm theo Bác của nhiều người dân ở xã Vị Tân, TP.Vị Thanh.
Nhiều người dân ở ấp 5 cho biết, tân Trưởng ấp Triệu Hồng Sơn được nhân dân tín nhiệm bầu cũng do ông rất năng nổ trong hoạt động từ thiện, làm nhiều việc có ích cho bà con. Gần chục cây cầu bắc ở các tuyến kênh của ấp đều có sự góp công của ông. Lúc thì vận động cây, lúc tất bật vận động tiền, rồi bỏ công làm cầu cùng mọi người. Bà Đặng Cẩm Thúy - vợ ông Sơn, chia sẻ: “Hồi trước dù không có chức vụ gì, ổng cũng nhiệt tình lắm, thấy đi nhậu nhẹt thì buồn chứ ổng đi làm từ thiện thì tôi ủng hộ hai tay”.
Cầu Kênh Tắc nối liền 2 ấp 4 và 5 của xã Vị Tân vừa được kiên cố hóa sau nhiều năm tồn tại theo kiểu “khúc bê tông, khúc ván”, được người dân gọi là cây cầu đặc biệt. Ông Nguyễn Văn Xuân, người dân ở ấp 4, cho biết: Nhiều người bị té kênh bởi cây cầu… kỳ cục này, nhưng nghĩ chỉ là chuyện nhỏ nên cũng không ai quan tâm, cứ để vậy mấy năm nay. Rồi ông Sơn cùng mấy người dân gom góp tiền sửa chữa, lót bê tông hết dốc nên cầu mới được như hôm nay. Còn bà Nguyễn Thị Hai, người dân ở ấp 5, thì bảo rằng, bây giờ có ông nào say xỉn cũng không sợ bị té kênh nữa, cây cầu không còn “đặc biệt” vì đã giống như bao cây cầu khác rồi.
Ở ấp 5, ông Sơn được xem là người khởi xướng cho việc vận động nhân dân góp công, góp tiền làm cầu. Hơn chục năm trước, ở ấp này hiếm có cầu bê tông. Thấy học sinh đi lại khó khăn, ông Sơn vận động dân đốn cây, góp tiền mua đinh, bỏ ngày công bắc cầu. Ban đầu chỉ là cầu cây, rồi sau là cầu bê tông. Có khi ông phải bỏ nhiều ngày công đi xin mấy trụ cầu cũ, cột điện về làm trụ cầu, việc làm của ông được nhiều người ủng hộ.
Không chỉ ở ấp này, mà trong xã và những xã lân cận hễ có ai đến rủ đi bắc cầu là ông hăng hái đi ngay. Ông Dương Văn Vũ, cán bộ Tuyên giáo Đảng ủy xã Vị Tân cho biết, ông Sơn có uy tín trong dân, trước đây chỉ là dân thường nhưng ông đi vận động hay lắm, số tiền dân đóng góp nhiều khi xây xong cầu còn dư, vậy là ông để dành sửa chữa những cây cầu khác.
Ở ấp 5 này, ông Sơn còn được biết đến là người hết lòng với xóm làng khi thường xuyên vận động quà cho hộ nghèo. Mỗi năm 2 lần, vợ chồng ông lại đem gạo đến tận nhà những hộ khó khăn, trung bình 1 năm cũng hơn 100kg gạo được cho tặng. Ông cũng vận động anh em trong gia đình tặng cho hộ nghèo ở ấp từ 30-40 phần quà/năm.
Ông Sơn bảo rằng, so với những người khác, ông làm từ thiện chưa nhiều, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, giúp được gì cho dân là ông sẵn lòng…
Vừa qua, 2 cá nhân được Thành ủy Vị Thanh khen thưởng vì thực hiện tốt Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều là người dân. Ngoài ông Sơn hết lòng làm việc ý nghĩa, còn có những người dân quyết tâm thực hiện những mô hình làm ăn hiệu quả, ổn định cuộc sống, như bà Lê Thị Thu Em, ở ấp 2, xã Vị Tân. Ở ấp này, bà Thu Em nổi tiếng với mô hình nuôi vịt xiêm và gà thả vườn. Hiện tại, vườn nhà của bà có khoảng 90 con vịt và gần 200 con gà, mỗi tháng trừ hết chi phí, gia đình bà Thu Em thu lãi được hơn triệu đồng. Hai vợ chồng già này được những gia đình trẻ ngưỡng mộ và tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Trước đây, bà Thu Em cũng nổi tiếng với mô hình trồng nấm mèo đem lại thu nhập khá. Bà cho rằng, cũng đã thử sức nhiều mô hình mới có được mô hình hiệu quả này. “Cần, kiệm”… là 2 từ mà bà Thu Em và chồng thường nhắc đến và dạy dỗ 5 người con của mình để có cuộc sống ổn định.
“Ngày xưa cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, với lại đất ở đây xấu lắm chỉ trồng cau, trồng khóm, làm không đủ ăn, biết cái khổ nên dù đã cao tuổi nhưng hai vợ chồng tôi vẫn cố gắng làm những việc vừa sức, tăng thêm thu nhập” - bà Thu Em nói.
Hai vợ chồng bà Thu Em là gương sáng để những người cao tuổi ấp 2 này học hỏi. Mỗi người có cách riêng làm theo Bác, trong đó giúp đỡ người khó khăn, hết lòng với công tác từ thiện hoặc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho gia đình cũng là cách hay.