Công nghiệp nông thôn ngày càng khởi sắc

 9093 lượt xem
Lĩnh vực công nghiệp nông thôn có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển ngành Công nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế của tỉnh Trà Vinh nói chung. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi cả tỉnh đang chung sức xây dựng nông thôn mới thì sự phát triển công nghiệp nông thôn càng có vai trò quan trọng. Những năm trước đây, khi sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh thì hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn có quy mô nhỏ, thu hút ít lao động. Hiện nay, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, nhiều địa phương hình thành nhiều nhà máy công suất lớn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. 

Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 9.186 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút 51.605 lao động có việc làm thường xuyên và sản xuất nhiều sản phẩm hàng hoá. Thu hút 56 dự án (24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư trên 768 tỷ đồng. 

Huyện Châu Thành có 1.028 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho trên 8.893 lao động. Các doanh nghiệp luôn kinh doanh, sản xuất ổn định, tạo việc làm mới cho nhiều lao động như Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Mỹ Nguyên, Hợp tác xã Thành Trung, doanh nghiệp tư nhân Văn Chất, doanh nghiệp tư nhân Mỹ Huyền… 
 
Ông Trần Văn Đấu, Quản đốc Công ty TNHH Mỹ Nguyên chuyên sản xuất đồ dùng khách sạn (kem đánh răng, bàn chải), ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc (Châu Thành) cho biết: Với mục tiêu quảng bá thương hiệu, đảm bảo nguồn doanh thu và giải quyết việc làm cho người lao động, cùng với những khó khăn về tình hình suy thoái của nền kinh tế và khó khăn chung của các doanh nghiệp, hiện nay Công ty TNHH Mỹ Nguyên vẫn đứng vững trên thị trường sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty luôn năng động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đáp ứng cho thị trường. Ngoài việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công ty còn giải quyết việc làm cho 230 lao động với lương bình quân 02 - 2,5 triệu đồng/người/tháng và thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, để người lao động an tâm làm việc trong doanh nghiệp. 
 
Theo ông Dương Giải Phóng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương: Ngoài phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống như làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; làng nghề TTCN xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành; làng nghề TTCN xã Đại An, huyện Trà Cú; làng nghề đan đát thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải; làng nghề trồng hoa kiểng ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh; làng nghề trồng hoa kiểng Long Bình, phường 4, thành phố Trà Vinh; làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành; làng nghề khai thác sơ chế chế biến thủy hải sản, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; làng nghề bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang. Các làng nghề này giải quyết việc làm cho trên 9.500 lao động, với thu nhập bình quân từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 4.660 tỷ đồng, tăng 1.654,76 tỷ đồng so với năm 2008. 
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành hữu quan thì lĩnh vực công nghiệp nông thôn vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như: Hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ; thiếu tiềm lực về tài chính; vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động ít; chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường chưa cao... 
 
 Để công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, theo ông Dương Giải Phóng: Sở Công thương sẽ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần thứ II năm 2014, để phát huy giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn của cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tại địa phương, nhằm khuyến khích, phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao, đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn; xây dựng và thực hiện kế hoạch của dự án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công thương giai đoạn 2012 - 2015; triển khai thực hiện mô hình “Phát triển làng nghề gắn với phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn xã Đức Mỹ, huyện Càng Long” để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và làng nghề tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đầu tư mở rộng sản xuất, liên kết thị trường tìm đầu ra cho các sản phẩm từ cây lát và cây dừa; phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo tại địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới... 
 
 
Ý kiến của bạn