Người phụ nữ giỏi làm kinh tế, hết mình vì cộng đồng

 105 lượt xem
Với tâm niệm “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Nơi nào có đoàn kết và tình yêu thương, nơi đó có sức mạnh”, bà Trịnh Thị Hồng, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm giàu. Không chỉ vậy, bà còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. 

Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, 5 anh em bà sống nương tựa vào nhau và sự đùm bọc của bà con lối xóm.Với sự cố gắng vượt khó, bà Hồng học hết lớp 9, sau đó di cư từ quê nhà Quảng Nam ra Đà Nẵng tìm cơ hội đổi đời. Ngày làm công nhân may, tối học bổ túc văn hóa, bà tốt nghiệp lớp 12 và tiếp tục học về tài chính - kế toán.
Năm 2008, bà chuyển về phường Hòa Minh sinh sống. Hăng hái tham gia công tác xã hội, bà được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Phụ nữ khu dân cư Hòa Phú 5.
Biến rác thành sản phẩm hữu dụng
Với sự yêu thích công nghệ sinh học, bà Hồng đã tự nghiên cứu, chế biến các sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm sạch đồ gia dụng từ các loại rau, củ, quả, hoa tươi đã qua sử dụng. Những thứ bỏ không ai lấy, cho chẳng ai nhận ấy đã cuốn hút bà say mê tìm tòi, nghiên cứu nhiều năm liền.
Chia sẻ về cái duyên đến lĩnh vực này, bà Hồng cho biết: Năm 2011, trong một lần xe chở rác của công ty môi trường bị sự cố 4 ngày liền, rác ở khu phố tồn đọng, bốc mùi hôi thối, tôi đã suy nghĩ liệu có thể biến những thứ rác thải hữu cơ thế này thành sản phẩm hữu dụng trong đời sống hay không. 
 
Bà Hồng chia sẻ kinh nghiệm trong Hội nghị Tập huấn về công tác bảo vệ môi trường do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức

May mắn, đến năm 2012, bà Hồng được mời đi Philippines dự hội thảo “Phát triển cộng đồng nghèo châu Á”. Tại đây, bà đã được nghe thuyết trình về phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo sản phẩm sinh học bằng công nghệ enzyme.
Với kiến thức được nghe tại đây, bà đã mày mò, nghiên cứu và bắt tay vào thử nghiệm dự án “Chế phẩm sinh học đa dụng”. Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng bà không hề nản lòng. Sau 5 năm mày mò nghiên cứu, bà đã thành công với quy trình ủ rác thải thực vật, biến những thứ phế thải thành sản phẩm nước rửa chén, lau nhà sinh học. 
Chia sẻ về quy trình biến rác thải hữu cơ thành sản phẩm, bà Hồng cho biết: Các loại rau, củ, quả hư hỏng, hoa tươi đã qua sử dụng… được rửa sạch, sau đó bỏ vào thùng theo công thức: 3kg nguyên liệu + 10 lít nước + 0,3kg đường, ủ 30 ngày sẽ tạo ra 1 lít dung dịch chế phẩm. Dung dịch chế phẩm sẽ được xử lý theo những công thức khác nhau, rồi đưa qua thiết bị làm tăng độ pH lên ngưỡng cho phép và ủ 3 tháng, sẽ cho ra sản phẩm.
Với thành công từ dự án này, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng (Minh Hồng Biotech) do bà sáng lập ra đời vào năm 2015. Công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ thiên nhiên, sử dụng 100% rau, củ, quả, lá cây, dược liệu…
Cũng theo bà Hồng, những sản phẩm này có nhiều ưu điểm như: Có thể tẩy rửa sạch vết bẩn mà không cần dùng tới hóa chất; giá rẻ chỉ 1,5-9,5 lần so với các chế phẩm cùng loại trên thị trường.
Đến nay, sản phẩm của bà ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều của người dân trong thành phố và 63 tỉnh/thành trên cả nước. 
Tích cực với công tác xã hội
Không chỉ bản lĩnh trong phát triển kinh tế, với cương vị là Trưởng Ban công tác Mặt trận Hòa Phú 5 bà Hồng đã tích cực hỗ trợ các hộ dân nơi đây vươn lên làm giàu. Bà cùng Ban công tác Mặt trận đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến để đẩy mạnh hoạt động của Hội. Tiêu biểu như sáng kiến thành lập 6 mô hình hoạt động có hiệu quả gồm: Tổ góp vốn tình thương; tổ tiết kiệm 2T (tiết kiệm, tận dụng); đội thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường; con ngoan, trò giỏi; tuyên truyền - tìm hiểu pháp luật; chế phẩm sinh học đa dụng được sản xuất từ rác thải hữu cơ thực vật thành nước rửa chén sinh học, nước lau nhà sinh học.
Đặc biệt, mô hình “Chế phẩm sinh học đa dụng” do bà thực hiện đã góp phần giải quyết 3 vấn đề lớn của xã hội hiện nay là: Bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững và bảo vệ sức khỏe con người. 
 
Bà Hồng tích cực tham gia công tác từ thiện tại địa phương

Năm 2016, mô hình này đã vượt qua hơn 400 dự án của cả nước tại cuộc thi sáng tạo do HATCH FAIR 2016 tổ chức, được chọn đi dự thi quốc tế tại Phần Lan.
Thương hiệu dự án “Chế phẩm sinh học đa dụng” Minh Hồng cũng từ đó ngày càng lan rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Không chỉ tại Đà Nẵng mà Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế… đã ký hợp đồng và được bà Hồng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại chế phẩm sinh học. 
“Dự án đã giúp hàng ngàn người có việc làm, thu nhập ổn định từ những loại hoa, rau, củ, quả vứt bỏ. Những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được tôi bao tiêu sản phẩm”- bà Hồng vui vẻ chia sẻ.
Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Đà Nẵng đã trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội. Trong thời gian đó, bà Hồng đã vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hỗ trợ hơn 10 nghìn suất quà cho các đối tượng bị mất việc làm với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ bữa ăn tại 2 chốt kiểm dịch phía nam hầm đèo Hải Vân và chân đèo Hải Vân với trị giá 13 triệu đồng. Bà cũng hỗ trợ 35 triệu đồng để mua nước rửa tay sát khuẩn cho 442 người dân ở bãi rác Khánh Sơn, làng Vân và người nghèo trên địa bàn quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
 
Bà Hồng trao quà ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19

Bên cạnh đó, bà tiếp tục duy trì Bếp ăn từ thiện dành cho 40 bệnh nhân tâm thần không có thân nhân phục vụ 2 bữa cơm/ngày với giá trị gần 300 triệu đồng. Sau khoảng thời gian giãn cách xã hội, 6 nồi cháo tình thương do bà chủ trì hoạt động trở lại đã trao hơn 12 nghìn suất cơm cho bệnh nhân ở Bệnh viện Ung thư, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm điều dưỡng tâm thần, Bệnh viện Giao thông 5, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu với giá trị hơn 180 triệu đồng. Đặc biệt, bà đã vận động hỗ trợ thường xuyên cho 7 em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh ung thư với số tiền 1 triệu đồng/em.
Với bản lĩnh vươn lên làm giàu, cùng những đóng góp tích cực cho công tác xã hội, bà Trịnh Thị Hồng đã được tặng: Giải thưởng Môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường trao vào năm 2017; giải Ba cuộc thi Ý tưởng sáng tạo Công nghệ thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng phụ nữ nông thôn năm 2019; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019…
                                                                                                                                                                   Quang Minh


 

 
Ý kiến của bạn