Chàng trai Ba Na dẫn lối cho đồng bào phát triển du lịch bản làng

 333 lượt xem
Cầm trong tay tấm bằng cử nhân ngành Quản lý văn hóa, Đinh A Ngưi trở về với núi rừng, buôn làng mình và mang theo giấc mơ khởi nghiệp từ chính những di sản mà ông bà để lại. Homestay A Ngưi Kbang đi vào hoạt động từ năm 2019 không chỉ là điểm hẹn yêu thích của du khách khi đến với Tây Nguyên, mà còn là nguồn cảm hứng để dân làng Ba Na nơi đây bắt tay làm du lịch. 


   Đinh A Ngưi là cán bộ của Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
    Đinh A Ngưi hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Trong những lần dẫn tour cho khách du lịch ghé thăm Kbang, thấy nhu cầu của khách muốn được trải nghiệm và khám phá thêm về Tây Nguyên, A Ngưi chợt nhận ra phải làm gì đó để níu giữ du khách, đồng thời quảng bá được những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na. Nghĩ là làm, tháng 2/2019, anh bắt đầu mở ra dịch vụ homestay và thiết kế các tour du lịch trên địa bàn huyện Kbang.
    Trên diện tích 1 ha, homestay của A Ngưi được xây dựng bước đầu với 4 phòng ngủ và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tại nhà sinh hoạt chung, A Ngưi bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của đồng bào Ba Na: Cồng chiêng, đàn T’rưng, nhiều trang phục, vật dụng được làm từ thổ cẩm đẹp và tinh xảo do chính tay mẹ anh trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt… A Ngưi tái hiện không gian văn hóa Ba Na ở ngay khuôn viên nhà mình và lấy nơi này làm địa điểm sinh hoạt văn hóa, trải nghiệm hoạt động hàng ngày của người dân địa phương. 
 
A Ngưi tái hiện không gian văn hóa Ba Na ở ngay khuôn viên nhà mình

    Tại homestay A Ngưi, du khách được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống như cơm lam, gà nướng, cà đắng; cùng các nghệ nhân đan gùi, dệt váy, áo; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe hát kể sử thi… Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm thực tế vào rừng khai thác mật ong, hái rau, bắt cá suối cũng như các tour du lịch sinh thái. 
     Các nơi nghe tiếng dần tìm đến ngày một đông và vô cùng thích thú. Trung bình mỗi tuần homestay đón từ 30 - 100 khách. Nhiều khi, lượng khách đi theo đoàn tăng đột biến, lên đến 4 - 5 đoàn trong dịp cuối tuần. Tính đến cuối năm 2019, lượng khách lưu trú ở homestay đã lên đến gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước.
 
Homestay của A Ngưi trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, trải nghiệm hoạt động hàng ngày của người dân địa phương.

    Vốn là cán bộ của Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang, A Ngưi hiểu rõ những nét văn hóa đặc sắc cũng như thế mạnh của đồng bào Ba Na. Với phương châm lấy di sản nuôi di sản, cộng đồng cùng hưởng lợi, anh vận động các hộ dân của làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng tham gia cùng làm du lịch. Họ chăn nuôi, trồng rau, trồng các loại cây ăn quả, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, hát sử thi, ủ rượu cần để só sẵn nguyên liệu phục vụ khách…
    “Mình rất tâm đắc câu nói: Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Vì vậy, mình mong muốn cả cộng đồng làng Kgiang chung tay làm du lịch để nâng cao thu nhập, đồng thời bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống”- A Ngưi chia sẻ.
    Tuy nhiên, những ngày đầu, mọi việc không hề thuận lợi. Bà con chưa quen với cách nghĩ, cách làm ăn lớn, gặp khó khăn khi giao tiếp với khách do ngôn ngữ bất đồng. A Ngưi lại phải vừa vận động, vừa thuyết phục. Cho đến khi đón lượt khách đầu tiên, những gia đình tham gia phục vụ, từ bán con gà, mớ lá mì, ngọn rau đắng, trái cà gai, ghè rượu, đến mặc trang phục dân tộc diễn tấu cồng chiêng, đều có thù lao bằng hoặc hơn hẳn một ngày đi làm rẫy thuê. Bà con dần tin tưởng và bắt tay cùng A Ngưi làm du lịch. Đến nay, mỗi khi có khách ghé thăm, dù không đặt lịch trước, homestay của A Ngưi vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách, bởi heo, gà, rượu tất cả đều có sẵn trong vườn nhà dân, không lo thiếu.
Mô hình làm du lịch này đã tạo việc làm cho gần 200 người dân trong làng với mức thu nhập trung bình 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài việc biểu diễn cồng chiêng, đan lát…, mỗi người dân đều có thể trở thành “hướng dẫn viên” thân thiện, nhiệt tình. Hiện làng Kgiang có khoảng 30 người có kỹ năng thường xuyên dẫn khách trải nghiệm thực tế vào rừng.
 
Trải nghiệm dệt thổ cẩm tại Homestay

    Trong những ngày homestay vắng khách vì dịch Covid-19, A Ngưi tranh thủ xây thêm hai nhà sàn để có thêm chỗ đón khách, dự trù kinh phí đầu tư vào khoảng gần 1 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, homestay có thể đón một lúc 200 khách.
    Hiện nay, Đinh A Ngưi đã hoàn thành Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng. Đây không những là điểm nhấn du lịch cộng đồng của huyện mà còn là mô hình kiểu mẫu về tổ chức sản xuất; giúp đồng bào bản địa phát triển kinh tế ổn định, bền vững, phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na. 
    Chia sẻ về thành công của mình, A Ngưi khiêm tốn: “Muốn có một rừng cây, bạn cần đi trồng từng cây. Câu chuyện khởi nghiệp của bản thân A Ngưi cũng như A Ngưi đang trồng cây hiện tại. Bản thân không có gì trong tay, nhưng kiên trì; định hướng tốt và chọn đúng thời điểm nên đang dần hình thành. Mọi thứ không phải dễ dàng, nếu bạn muốn khởi nghiệp cần kiên trì và cần mẫn với định hướng và kế hoạch của mình. Hy vọng tất cả các bạn trẻ đừng vội bỏ cuộc, sai thì sửa, làm chưa đúng thì làm lại, không có ai mới làm đã thành công ngay.”
                                                                                                                                                       Diệu Anh
 

 
Ý kiến của bạn