Giúp đồng bào Dao nâng cao giá trị lúa nếp tài

 334 lượt xem
Lúa nếp tài là giống lúa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ba năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), Hợp tác xã (HTX) Yến Dương, tỉnh Bắc Kạn đã vận động người dân mở rộng diện tích, áp dụng phương thức canh tác hữu cơ, đăng ký mã vạch, tem, truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu, để đưa sản phẩm gạo này ngày càng vươn xa trên thị trường. 


   Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương giới thiệu mô hình trồng lúa nếp tài
    Nếp tài là tên gọi tiếng địa phương của đồng bào dân tộc Dao, được dịch là nếp "tự về", là giống lúa bản địa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên tập quán canh tác của đồng bào dân tộc nơi đây. Trồng lúa nếp tài được xem như một nét văn hóa được đồng bào nơi đây gìn giữ, bảo tồn và nuôi dưỡng. 
    Lúa nếp tài cho hạt gạo có hương thơm đặc trưng; khi nấu, cơm rất dẻo và ráo, mềm, không nát. Đặc biệt, gạo này nếu được sử dụng để làm các loại bánh truyền thống thì sau 3 - 4 ngày vẫn mềm, ngon, nên được nhiều người yêu thích. Do là gạo truyền thống nên bà con chủ yếu trồng để phục vụ gia đình, làm quà biếu, số lượng bán ra thị trường rất ít và cũng chỉ bán tại địa phương.
 
Lãnh đạo HTX Yến Dương kiểm tra chất lượng lúa nếp tài của các hộ liên kết sản xuất
    HTX Yến Dương là đơn vị tiên phong trong việc vận động, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng lúa nếp tài và đưa lúa nếp tài thành sản phẩm hàng hóa. Mô hình được triển khai thí điểm từ năm 2018 với 2ha.Đến năm 2019, để việc sản xuất và bao tiêu được chặt chẽ, nhóm trồng lúa nếp tài của HTX Yến Dương được thành lập, cho hơn 30 hộ tham gia, canh tác.
    Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Quá trình vận động người dân thực hiện mô hình, HTX gặp không ít khó khăn. Để lựa chọn và tìm loại giống chuẩn mất rất nhiều thời gian, phải đến từng nhà và phải nhờ đến sự chia sẻ của những gia đình canh tác lâu năm. Việc thay đổi tập quán canh tác của bà con cũng không dễ dàng gì. 
    Để nâng cao nhận thức của bà con trong kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây lúa, chị Ninh phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn không ngừng tuyên truyền sâu rộng, tham gia trực tiếp cùng bà con theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa ở từng giai đoạn.
    Chị Triệu Thị Tâm, tổ trưởng nhóm trồng lúa nếp tài chia sẻ: “Vừa rồi sâu bệnh hại trắng hết cả cánh đồng nếp tài, tôi cùng bà con lo lắng lắm, chỉ sợ mất mùa. Nhưng may có HTX Yến Dương kịp thời hỗ trợ, đưa ra những biện pháp phòng trừ có hiệu quả bằng các phương pháp thủ công và các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ sinh học, lúa nếp tài đã vươn lên, chuyển mình phát triển.”
 
HTX Yến Dương quảng bá sản phẩm lúa nếp tài tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh
    Bà con HTX và người dân tham gia mô hình được tập huấn canh tác hữu cơ. Quá trình thực hiện, các hộ luôn tuân thủ quy trình sản xuất, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ; thực hiện ủ phân vi sinh bón cho cây trồng; ghi chép nhật ký sản xuất. Bước đầu, các hộ đã ý thức được lợi ích của việc sản xuất hữu cơ, trước hết là bảo vệ sức khỏe của bản thân người nông dân, môi trường sinh thái, sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập. Bà Triệu Thị Đào, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương cho biết: “Trước đây chúng tôi chỉ trồng đủ ăn thôi, bây giờ mở rộng thêm để bán cho HTX Yến Dương. Từ lúc có hàng bán đi, cuộc sống của chúng tôi ổn định hơn, con cái được đi học đầy đủ, có quần áo đẹp, cặp sách để tới trường…”
    Đến nay, HTX đã liên kết gieo cấy 15 ha lúa nếp tài, với 70 hộ dân tham gia; đồng thời hỗ trợ bà con tiêu thụ với giá 14.000 đồng/kg lúa nếp tài. Trung bình năng suất giống lúa này đạt đến 30 tạ/ha, thu nhập bình quân 42 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, tiếp tục khuyến khích phụ nữ người dân tộc thiểu số tại hai thôn Phiêng Phàng và Nà Pài tham gia, qua đó tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo cho bà con.
    Qua hơn 3 năm không ngừng xây dựng và mở rộng phát triển thương hiệu thị trường, đến nay gạo nếp tài được rất nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn và ví như “Hạt ngọc của núi rừng”. 
    Xây dựng thương hiệu gạo nếp tài đang mở ra hướng mới, tạo cơ hội cho nông dân địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập và giải quyết việc làm. Chị Ma Thị Ninh cho biết: “Với mô hình trồng lúa nếp tài, hàng năm HTX Yến Dương đã lập kế hoạch cụ thể về thời gian, mục tiêu, tiêu chuẩn, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện. Chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm đặc sản nếp tài đã đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phân hạng chứng nhận Ocop 3 sao. Hiện nay HTX đang hoàn thiện các thủ tục chứng nhận gạo nếp tài đạt hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS.” Với những chiến lược cụ thể và bước đi vững chắc, HTX Yến Dương đang chắp cánh cho thương hiệu gạo nếp tài ngày càng vươn xa.
                                                                                                                                                    Diệu Anh

 
Ý kiến của bạn