TỌA ĐÀM VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐIỀU 101 LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG VÀ KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG

 475 lượt xem
 

Sáng 22/6, tại Trụ sở các Cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức cuộc tọa đàm về việc thực hiện Điều 101 Luật Thi đua khen thưởng và khen thưởng đối với Thanh niên xung phong. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì tọa đàm.

                                                     Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tôc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) Phạm Huy Giang đã cho biết về tình hình thực hiện Điều 101 Luật Thi đua, khen thưởng và việc thực hiện khen thưởng đối với thanh niên xung phong.

Cụ thể, công tác khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Thi đua, khen thưởng đến nay cơ bản đã hoàn thành. Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung, chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích kháng chiến, đảm bảo các tập thể, cá nhân có thành tích trong kháng chiến, đủ tiêu chuẩn đều được khen thưởng theo quy định, không bỏ sót trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn chưa được khen thưởng.


      Trưởng Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang phát biểu

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế, đó là đối với khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp thực hiện từ năm 1961 đến nay đã gần 60 năm; thành tích trong cuộc kháng chiến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thực hiện từ năm 1981 đến nay đã gần 40 năm nên nhiều trường hợp không còn đủ căn cứ, tài liệu để thẩm định, xác minh đúng sai. Do hoàn ảnh chiến tranh, do chính sách khen thưởng và đãi ngộ không ban hành đồng bộ, do nhận thức của nhân dân về công tác khen thưởng này và do một số nơi thiếu tích cực giải quyết nên còn tồn đọng một số trường hợp. Ngoài ra, đã có không ít trường hợp xác nhận sai gây khó khăn cho việc xét duyệt hồ sơ trình khen thưởng. Qua rà soát ở các địa phương hiện còn nhiều hồ sơ khen thưởng kháng chiến, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, phần lớn các hồ sơ đề nghị khen thưởng còn tồn đọng là hồ sơ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã trả đi, trả lại nhiều lần không có căn cứ xét đề nghị khen thưởng theo quy định hiện hành.

Riêng đối với khen thưởng lực lượng cựu Thanh niên xung phong theo Kết luận số 3257-CV/VPTW ngay 07/02/2017 của Ban Bí thư. Theo đó, Ban Bí thư đã có Kết luận: “Đồng ý chủ trương tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đồng thời “Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Chỉnh phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp tình hình mới, trong đó có nội dung khen thưởng huy chương cho thanh niên xung phong nói trên”.

Thực hiện chương trình sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trong đó có nội dung về việc tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để xin ý kiến các cơ quan chức năng theo quy định.

Thảo luận tại tọa đàm, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các đại biểu đề nghị nhiều nội dung sửa đổi trong Luật lần này cần phải được tổng kết, rà soát kỹ lưỡng, làm rõ những nhiệm vụ có thể chấm dứt và những hình thức khen thưởng vẫn cần tiếp tục, vấn đề xét huân huy chương đối với thành tích kháng chiến cần phải được xem xét để báo cáo xin chủ trương; đồng thời có đánh giá tác động rõ ràng và đề xuất nguồn lực tài chính để thực hiện.

Về việc thực hiện khen thưởng đối với Thanh niên xung phong, Thường trực Ủy ban tán thành với chủ trương tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đồng thời, Thường trực Ủy ban chỉ rõ, Ban soạn thảo đề xuất Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang phải tặng hoặc truy tặng cho cá nhân thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, trong xây dựng bảo vệ tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế. Vậy Ban soạn thảo cần có đầy đủ thông tin để cung cấp cho Ủy ban về lực lượng thanh niên xung phong sau kháng chiến hiện nay tổng số là bao nhiêu, sự khác biệt so với các lực lượng khác như thế nào.

Bên cạnh đó, một số ý kiến Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét về việc có nên phân hạng của các huy chương theo các thành tích khác nhau hay không, hay quy định chung một hình thức khen thưởng. Đồng thời việc khen về danh hiệu này có đi đôi với thưởng không?

                          Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho ý kiến

Cũng cho ý kiến thảo luận tại tọa đàm, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Nguyễn Cao Vãng cho biết, Thanh niên xung phong tủ lực lượng có tính chất đặc thù, được huy động làm nhiệm vụ ở những địa bàn trọng điểm, chiến sự diễn ra rất ác liệt, nơi gian khổ khó khăn để bảo đảm mạch máu giao thông, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu và khắc phục hậu quả chiến tranh. Thanh niên xung phong đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Ban chấp hành Trung ương Đảng tặng bức trướng “Thanh niên xung phong chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công xuất sắc"; 43 tập thể và 40 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Tuy nhiên, về cá nhân, chỉ có 12% Thanh niên xung phong sau khi xuất ngũ được chuyển ngành, chuyển đi học được cộng dồn thời gian công tác sau đó để tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến; thời gian làm nhiệm vụ, tại ngũ, Thanh niên xung phong chưa được Nhà nước khen thưởng, do đó nguyện vọng thiết tha của mỗi cán bộ, chiến sỹ đề nghị Đảng, Nhà nước sớm tặng thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để ghi nhận, vinh dự về thời gian tham gia Lực lượng Thanh niên xung phong.

Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cũng chỉ rõ, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đại diện cho cựu Thanh niên xung phong cả trước rất phấn khởi thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng là cần thiết để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho Thanh niên xung phong. Do đó, về đề xuất sửa đổi luật, Hội thống nhất Điều 52 có danh mục “Huy chương Thanh niên xung vẻ vang”; đồng thời quy định rõ "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân là Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có thời gian tại ngũ tư 02 năm trở lên”.

Kết luận một số nội dung tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý quý báu, tâm huyết của Thường trực Ủy ban và các đại biểu tham dự. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, các đề xuất về việc tổng kết cũng như thực hiện Điều 101 nói riêng và toàn bộ Luật Thi đua khen thưởng và khen thưởng nói chung, Ủy ban sẽ có thêm thông tin cho việc thẩm tra tốt dự án Luật này./.

                                                                                                                                       Hồ Hương- Bùi Hùng

https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=56579

 
Ý kiến của bạn