Huyện Than Uyên, Lai Châu: Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững

 248 lượt xem
 

 Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu xác định phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị; là mục tiêu phấn đấu, là thước đo để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Với những cách làm và hướng đi đúng đắn, đến tháng 3/2018, Than Uyên đã thoát khỏi diện huyện nghèo, tiến từng bước vững chắc trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng ổi của HTX Thanh niên Hua Nà, huyện Than Uyên mang lại thu nhập ổn định cho người dân tại địa phương

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Than Uyên đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTHĐ/HU, ngày 17/10/2016 về ổn định đời sống vùng đồng bào tái định cư thủy điện Huội Quảng - Bản Chát; Chương trình hành động số 09-CTHĐ/HU thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững.

UBND huyện tập trung chỉ đạo công tác rà soát quỹ đất, làm tốt quy hoạch vùng sản xuất, nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng. Ban hành Kế hoạch số 668/KH-UBND về thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Hằng năm, cụ thể hóa các mục tiêu trong Chương trình hành động của cấp ủy vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tổ chức hội nghị thảo luận và giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, xã, thị trấn đảm bảo sát thực và mang tính khả thi cao.

Cùng với đó, Đảng ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo các cấp, các ngành sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước kết hợp với huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn;triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập của hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Trong triển khai thực hiện, huyện đã làm tốt công tác huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp. Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng với phương thức cầm tay chỉ việc. Huyện đã phát động nhiều buổi ra quân chung tay xây dựng nông thôn mới, làm đất trồng chè, xây dựng bản du lịch cộng đồng…Lãnh đạo huyện đã trực tiếp cùng với cán bộ, công chức, viên chức của huyện xuống tận các thôn bản động viên và tham gia lao động cùng bà con nhân dân. Nhiều tổ công tác của MTTQ và các đoàn thể huyện xuống tận các thôn bản tuyên truyền, vận động, dân chủ bàn bạc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho bà con. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tổ chức nhiều đợt cho các hộ dân đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại các huyện bạn, tỉnh bạn,qua đó nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế, nhất là từ nông nghiệp…

Cách làm này đã tạo được niềm tin và động lực để bà con nhân dân quyết tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, không cam chịu đói nghèo, từ đó thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, kinh tế - xã hội của huyện đã phát triển đúng định hướng, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đặc biệt là xây dựng thành công vùng sản xuất lúa chất lượng cao, thương hiệu gạo Séng Cù Than Uyên; xây dựng nhãn hiệu, xác định chỉ dẫn địa lý ổi Hua Nà, gạo nếp Tan Pỏm, chè Tà Mung và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như cao su, sơn tra, mắc ca… Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, hình thành các gia trại, trang trại chăn nuôi lợn, gà, thỏ…, phát triển nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện cả về quy mô, sản lượng, hình thành các chuỗi giá trị liên kết, tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp... Qua đó, từng bước tạo được sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nông nghiệp.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được xây dựng, nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, kích thích sản xuất phát triển. Các công trình hồ đập, kênh mương thủy lợi được đầu tư tăng diện tích chủ động nước, người dân có điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng. Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm bảo vệ. Toàn huyện đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,64 tiêu chí/xã, tăng 2,5 tiêu chí so với năm 2015. Chất lượng các tiêu chí được duy trì và ngày càng nâng cao. Số hộ khá, giàu tăng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng từ 19,7 triệu đồng năm 2016 lên 36 triệu đồng năm 2019, riêng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 37,1 triệu đồng, tăng 20,3 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 37,21% năm 2016 xuống còn 13,98% năm 2019, bình quân giảm 5,13%/năm.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ý thức tự vươn lên của người nghèo trên địa bàn huyện, đến tháng 3/2018, huyện Than Uyên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát ra khỏi huyện nghèo; đã có 3/7 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, chiếm 42% (vượt chỉ tiêu huyện đề ra).

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được ổn định, giữ vững. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện Than Uyên phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

                                                                                                                                                                                             Hà Giang

 
Ý kiến của bạn