Tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

 8296 lượt xem
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người có công. Người căn dặn “bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ” và Người luôn mẫu mực thực hiện tư tưởng này. 

Đất nước giành được độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp bộc lộ dã tâm quyết cướp nước ta một lần nữa. Toàn thể nhân dân Việt Nam lại phải bước vào một cuộc chiến đấu mới đầy cam go, thử thách, quyết liệt để giữ vững giang sơn gấm vóc của Tổ quốc. Trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thấu hiểu những khó khăn, hy sinh to lớn của quân và dân ta khi bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược. 

Ngày 16-2-1947, Người ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu, bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Tháng 6-1947, tại một địa điểm thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã tổ chức họp bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27-7 hàng năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Chiều ngày 27-7-1947, cuộc mít tinh “Ngày Thương binh toàn quốc” được tổ chức lần đầu tiên tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). 
 
Sau ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), Trung uơng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định từ tháng 7-1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày thường binh, liệt sĩ” và được tổ chức trang trọng hàng năm trên quy mô cả nước. 
 
Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đi thăm các đồng chí thương binh, gia đinh liệt sĩ, gia đình có công với Tổ quốc. Người thường xuyên căn dặn anh, chị em thương binh, bệnh binh phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan yêu đời, giữ vững truyền thống vẻ vang và bản chất cách mạng của quân đội; giữ gìn kỷ luật đoàn kết thương yêu giữa anh, chị em thương, bệnh binh với nhau; đồng thời biết ơn sự săn sóc của nhân dân, của đồng đội, không được ra vẻ công thần, ỷ lại và phải có nghị lực vượt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Người luôn động viên, khuyến khích thương, bệnh binh khi đã khôi phục sức khỏe cần sớm hòa nhập vào cộng đồng, cố gắng học tập, tham gia sản xuất, cống hiến nhiều cho xã hội, phấn đấu trở thành “Người công dân kiểu mẫu” và những “Gia đình cách mạng gương mẫu”. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở các ban ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương phải luôn “tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”. Trước lúc đi xa, Người đã căn dặn trong Di chúc: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình… Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. 
 
Khắc ghi sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, chế độ thực hiện công bằng xã hội, đền ơn đáp nghĩa đối với người và gia đình có cống hiến. đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của hàng triệu người có công với Tổ quốc. 
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng nêu rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công…”. Để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, trước hết đòi hỏi các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị cần triển khai thực hiện tốt hai Pháp lệnh Ưu đãi đối với người có công (Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng), đồng thời tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của đất nước. Không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc với những việc làm hiệu quả, thiết thực, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách, vừa góp phần ổn định và phát triển đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa. 
 
 Bình Dương hiện đang quản lý 47.525 hồ sơ đối tượng người có công. Trong đó, có 14.976 hồ sơ liệt sĩ, 10 cán bộ tiền khởi nghĩa, 4 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 3.563 thương binh, 640 bệnh binh, 4.710 người có công với cách mạng, 9.683 cán bộ hoạt động kháng chiến từ trần trước ngày 1-1-1995. Đặc biệt, tỉnh có 824 mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng (hiện 40 mẹ còn sống) và một số đối tượng khác. Trong số hồ sơ đang quản lý này, có 8.676 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. 
 
 
 
Ý kiến của bạn