“Hoa việc thiện” trên thành phố mang tên Bác

 654 lượt xem
 

Nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh đã triển khai đến các cấp Hội phong trào thi đua “Hoa việc thiện” nhằm phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nhân ái - Năng động - Sáng tạo”, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Vườn “Hoa việc thiện” của toàn thành phố đã không ngừng khoe sắc, xuất hiện hàng ngàn bông hoa việc thiện trên các lĩnh vực, làm sáng lên tình người của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

                   Giao lưu với các gương điển hình “Hoa việc thiện” năm 2020

Lan tỏa nghĩa tình

Hàng năm Thường trực Hội Chữ thập đỏ thành phố đã xây dựng và triển khai phong trào thi đua thông qua Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đến Hội Chữ thập đỏ quận, huyện, đơn vị trực thuộc; hướng dẫn cụ thể về công tác chỉ đạo cuộc vận động tại địa phương, khảo sát các đối tượng, xây dựng nguồn lực, tổ chức trợ giúp, đánh giá và thống kê báo cáo định kỳ; quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và nhân dân về ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động; định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, nhân rộng các mô hình mới.

 Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh cho biết: Mục đích và nội dung của phong trào “Hoa việc thiện” là kêu gọi, khuyến khích, cổ vũ, động viên tất cả các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp tham gia các hoạt động nhân đạo ở tất cả các vùng miền, các địa phương, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn; thúc đẩy phong trào thi đua trong hệ thống Hội; giáo dục lòng nhân ái, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng và xã hội.

Để thực hiện phong trào này, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã ban hành Hướng dẫn tiêu chí bình chọn điển hình “Hoa việc thiện” và triển khai rộng rãi trong hệ thống, hướng dẫn các đơn vị phương pháp thực hiện phong trào “Hoa việc thiện”. Thực chất đây là cách làm thi đua mới, là nghệ thuật, sự khéo léo trong công tác vận động nhân dân, tình nguyện viên chữ thập đỏ phát huy truyền thống nhân ái, “kết nối, sẻ chia và lan tỏa”, qua đó góp phần thực hiện phong trào thi đua ngày càng hiệu quả hơn. Từ vườn hoa của Thành Hội, đến nay mỗi quận, huyện đều có một vườn “Hoa việc thiện”.

Hội đã thông qua các hoạt động sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, cổ vũ, giới thiệu gương “Hoa việc thiện” trên báo, bản tin nhân đạo, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố; tuyên dương những cá nhân điển hình “Hoa việc thiện” tiêu biểu, biên soạn và phát hành kỷ yếu “Hoa việc thiện” để nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong công tác Hội và các phong trào Chữ thập đỏ của thành phố.

Phong trào thi đua nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp Hội, hội viên và tình nguyện viên. Nhiều mô hình hoạt động xã hội nhân đạo, chăm lo người yếu thế trong xã hội được phát huy và nhân rộng; gắn kết các tập thể, cá nhân cùng tham gia.

Trong 5 năm qua, phong trào thi đua “Hoa việc thiện” toàn thành phố đã trợ giúp nhân đạo hơn 14,4 triệu trường hợp với tổng giá trị trên 1.193 tỷ đồng. Trong đó, trợ cấp thường xuyên 141.249 lượt cụ già; 54.607 lượt trẻ em nghèo khuyết tật, mồ côi, người bệnh tâm thần, người bệnh nan y, hộ dân tộc Chăm nghèo, gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ thành phố đã vận động, tổ chức các chuyến khám bệnh phát thuốc và tặng quà tại các xã vùng sâu vùng xa với tần suất trên 50 chuyến/năm. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã trao tặng trên 24.181 thẻ bảo hiểm y tế; phẫu thuật tim cho 116 trẻ em bệnh tim bẩm sinh; phẫu thuật mắt miễn phí 10.009 người, mổ hàm ếch cho 201 em với tổng trị giá trên 41 tỷ đồng.

Ngoài ra, công tác vận động hiến máu tình nguyện cũng được chú trọng triển khai với kết quả vận động được 976.151 túi máu, tương đương 1.238.625 đơn vị máu, góp phần đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện trong thành phố với chất lượng máu an toàn cao.

Nhân lên những mô hình mới, cách làm hay

Từ phong trào thi đua “Hoa việc thiện” gắn với Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện”, đã có nhiều mô hình mới, các chương trình hay được nhân rộng như: Mô hình của Đội thanh niên Chữ thập đỏ Quận 3 đi vận động và mang cơm đến các cụ già neo đơn; mô hình bếp ăn tình thương đã lan tỏa khắp nơi, tập hợp ngày càng nhiều các tổ chức, đơn vị, cá nhân chung tay cùng Hội hỗ trợ, chăm lo những người yếu thế trong xã hội. Mô hình học bổng Chữ thập đỏ, Chương trình “Trợ cấp học tập” đã được khởi xướng nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện học tập được an tâm tiếp tục đến trường, đến khi hoàn thành khóa học, đã trợ cấp hàng năm cho 150 học sinh, sinh viên với trị giá 6 triệu đồng/năm.

Qua từng năm, các cấp Hội triển khai Phong trào thi đua “Hoa việc thiện” với nhiều điểm mới, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phong trào ở cơ sở. Nội dung, chất lượng phong trào thi đua “Hoa việc thiện” ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, nhiều mô hình bám sát vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị; qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ góp phần tăng cường và củng cố tổ chức Hội.

Việc triển khai tiêu chí bình chọn điển hình “Hoa việc thiện” đã làm cho cơ sở thuận lợi hơn trong việc mở rộng phong trào trên nhiều lĩnh vực và việc bình chọn được thuận lợi hơn, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện; số lượng điển hình “Hoa việc thiện” được tuyên dương tại các cấp tăng so với năm năm trước; chất lượng điển hình được nâng lên.

Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã tổ chức tuyên dương gương điển hình “Hoa việc thiện” tiêu biểu trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11); số lượng điển hình “Hoa việc thiện” tiêu biểu được tuyên dương tương ứng với số năm thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Để thực hiện tốt phong trào “Hoa việc thiện”, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện; định kỳ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Phong trào thi đua “Hoa việc thiện” đã gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua yêu nước, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Phong trào “Hoa việc thiện” đã trở thành thương hiệu của Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh. Đó vừa là phong trào thi đua, vừa là hoạt động tri ân những người làm công tác nhân đạo, góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

                                                                                                                                                                                          Hữu Tuấn

 
Ý kiến của bạn