Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Nội vụ

 203 lượt xem
 

Sáng ngày 02/7/2021, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Nội vụ.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

             Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường, Vũ Chiến Thắng, Trương Hải Long; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu ở địa phương có lãnh đạo Sở Nội vụ và người đứng đầu các đơn vị thuộc Sở Nội vụ; Trưởng phòng Phòng Nội vụ cấp huyện; các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp, đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước, của dân tộc ta và cũng là khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới đầy niềm tin và triển vọng về sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, toàn ngành Nội vụ đã thể chế hóa thành chương trình hành động, bám sát chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện.

6 tháng đầu năm 2021, ngành Nội vụ đã cố gắng, nỗ lực vượt bậc, hoàn thành khối lượng công việc lớn, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương. Nổi bật là, hệ thống ngành Nội vụ đã chủ động tham mưu, góp phần rất tích cực vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý ngành, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đảng bộ các địa phương, khẩn trương tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực ngành. Trong đó tập trung mục tiêu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển của ngành; Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và những văn bản chỉ đạo quan trọng trên lĩnh vực ngành theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, bám sát yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển chung; tập trung xây dựng một số dự án Luật (sửa đổi) trình Quốc hội, các đề án, chiến lược như chương trình tổng thể cải cách hành chính, về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, về chiến lược phát triển thanh niên, chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài .v.v...; tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại một số thành phố lớn. Đồng thời, toàn ngành đã tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các mặt công tác của ngành tạo sự ổn định và nền tảng quan trọng để tiếp tục đổi mới, phát triển và hội nhập của ngành.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, đánh giá chất lượng tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp tháo gỡ.

Hai là, đề xuất các giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương.

Ba là, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 đã đề ra, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh báo cáo tóm tắt sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Nội vụ

Báo cáo tóm tắt sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành Nội vụ, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ Nội vụ đã đề ra phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, chính vì vậy, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có công việc của Bộ, ngành Nội vụ. Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong 6 tháng đầu năm ngành Nội vụ đạt được những kết quả trọng tâm, cụ thể:

Về công tác xây dựng thể chế, chính sách: Bộ đã trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định và 01 Chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư và 03 văn bản hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản, đề án trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về công tác tổ chức nhà nước: đã tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị thông qua Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất; đề xuất chủ trương giao biên chế và thực hiện tinh giản biên chế năm 2022 và các năm tiếp theo; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các Nghị định liên quan về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm; tích cực rà soát, đánh giá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương thuộc lĩnh vực Nội vụ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới, tạo cơ sở quan trọng hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Công tác xây dựng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý; dự thảo Nghị định quy định về thực hiện chế độ hợp đồng tại cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Các bộ chuyên ngành đang tích cực rà soát, xây dựng và ban hành các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức thuộc lĩnh vực quản lý bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; đồng thời chủ động rà soát và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới phương thức dạy và học, khuyến khích hình thức trực tuyến, từ xa; sửa đổi quy định về chứng chỉ bồi dưỡng. Ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ cấp xã tại chỗ, kết hợp tăng cường tri thức trẻ trong phát triển bền vững khu vực biên giới. Tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bộ đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng tham mưu cho Chính phủ tổ chức triển khai mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố này theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV bảo đảm kịp thời, ổn định để triển khai công tác bầu cử theo chỉ đạo của Trung ương. Tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập đơn vị hành chính của một số địa phương. Tổ chức đánh giá, chuẩn bị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Nghị quyết số 1211/2016/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để có giải pháp phù hợp tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trong giai đoạn 2021-2026 và nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương; đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng quy định về chế độ tiền lương mới nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách, trình cấp có thẩm quyền để kịp thực hiện từ ngày 01/7/2022.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020; xây dựng, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

                                   Điểm cầu trực tuyến tại các địa phương 

Về công tác tôn giáo, tín ngưỡng: Triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; chấn chỉnh kịp thời các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham mưu tổ chức buổi gặp mặt của Chủ tịch nước với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chuẩn bị tốt cho buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo; tổ chức thăm, chúc mừng các tổ chức tôn giáo nhân dịp các ngày lễ trọng như: lễ Phật đản, lễ Phục sinh, tết Chol Chnam Thmay... Do vậy, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định, chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tham gia ủng hộ “Qũy vắc-xin phòng Covid-19”; ban hành kịp thời văn bản yêu cầu tạm dừng các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tập trung trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; tiến hành rà soát từng cơ sở thờ tự, đặc biệt là các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo cấp cơ sở, hoạt động nhỏ, lẻ để thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Về công tác thi đua, khen thưởng: Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chỉ thị về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; kịp thời hướng dẫn công tác xét khen thưởng về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đổi mới quy trình xét khen thưởng theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính. Chủ động nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng.

Về công tác văn thư, lưu trữ: Tập trung hoàn thiện các Đề án: “Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước lĩnh vực văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung thống nhất tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước”, “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ công cuộc đổi mới đất nước và phát triển kinh tế - xã hội”; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về nghiệp vụ kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ. Công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ ở các bộ, ngành và địa phương tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Đã tổ chức các cuộc triển lãm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ lịch sử được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, như: triển lãm “Bầu cử Quốc hội - Ngày hội non sông”; triển lãm “Ba Đình - Lịch sử - Đổi mới và phát triển”; lựa chọn tài liệu, biên soạn bản thảo sách: Nguyễn Tất Thành - Hành trình tìm đường cứu nước phục vụ trưng bày hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chia sẻ những kết quả nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021; đồng thời, nêu lên một số khó khăn, đề xuất, kiến nghị trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức…

                Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội nghị

                 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội nghị

                  Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại Hội nghị

    Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Nguyễn Văn Lượng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ đã công bố Quyết định về tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng cho 13 tập thể và 13 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc tham mưu tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

                           Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ Nội vụ

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2021 của các cơ quan, đơn vị trong Bộ và ngành Nội vụ; đồng thời đề nghị toàn ngành Nội vụ cần tiếp tục bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là lĩnh vực tổ chức bộ máy và công chức, viên chức; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ và các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và phương hướng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường năng lực phân tích, dự báo và đề xuất chính sách trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, lựa chọn mô hình mới, cách làm hay; đồng thời, tận dụng tối đa các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục tham mưu đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả.

Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ; chú trọng việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ; đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc và vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ./.

                                                                                                                                                                    Mạnh Quân

https://tcnn.vn/news/detail/51256/Hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-so-ket-cong-tac-6-thang-dau-nam-va-trien-khai-nhiem-vu-cong-tac-6-thang-cuoi-nam-2021-cua-nganh-Noi-vu.html

 
Ý kiến của bạn