Nữ doanh nhân nặng lòng với bà con vùng cao Lai Châu

 460 lượt xem
Tạo việc làm cho hơn 400 lao động có thu nhập ổn định, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng tiền thuế/năm và tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, Anh hùng Lao động Hoàng Thị Nhâm - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) Hoàng Nhâm, thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè) là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu thời gian qua. 

    Vượt khó làm kinh tế mới
    Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, nhưng cả cuộc đời nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm lại gắn bó với vùng đất Tây Bắc. Năm 1977, khi mới 12 tuổi, bà đã khai tăng lên bốn tuổi để đủ tuổi tình nguyện vào lực lượng thanh niên xung phong, công tác ở huyện Easup (Đắk Lắk). Hai năm sau đó, bà viết đơn nhập ngũ để thực hiện mơ ước trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Suốt những năm tháng trong quân ngũ, bà luôn phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Khi phục viên, bà quyết định không về quê mà xin chuyển về làm trong ngành thương nghiệp ở huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), một địa bàn xa xôi, khó khăn của đất nước.
 
Doanh nhân Hoàng Thị Nhâm báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ III
    Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới mảnh đất Mường Tè năm 1983, bà Hoàng Thị Nhâm đã sớm được chứng kiến những nỗi vất vả của người dân vùng cao khi giao thông chưa phát triển, thiếu thông tin và vô cùng nghèo khó. “Quanh năm cuộc sống của họ không có thông tin, văn hóa, thậm chí không có cả đèn dầu thắp sáng mà phải đốt củi để lấy ánh sáng vào buổi tối. Muốn mua một viên thuốc cho con lúc ốm, bà con ở đây phải mất cả một ngày đường, vạch rừng, vạch núi để xuống trạm y tế. Có mớ rau ngon mang được đến chợ bán thì cũng đã héo mất rồi…” – Bà nhớ lại.
    Chưa kể, nơi đây thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt. Từ miền xuôi lên miền núi công tác, hơn ai hết, bà thấm thía những khó khăn, vất vả của đồng bào ở đây. Bà kể: “Với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và tính cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, tôi tự nhủ, phải cố gắng lao động, cải thiện cuộc sống. Năm 1990, khi tích lũy được ít vốn thì một trận lũ đã cuốn trôi toàn bộ tài sản mà gia đình tôi đã gom góp được trong bảy năm. Cuộc sống gia đình lại trở về con số không. Song, nhờ nghị lực và bản lĩnh của người lính, tôi tiếp tục làm kinh tế. Năm 1996, lại một trận lũ lịch sử xảy ra tại Lai Châu đã cướp đi tất cả công sức của tôi và tôi quyết tâm đứng dậy làm lại một lần nữa.”
    Thời gian đó, Chính phủ có chương trình đầu tư cho 500 xã đặc biệt khó khăn làm đường dân sinh, thủy lợi, xây dựng trường học. Với suy nghĩ, mở đường, phá ốc đảo, là cơ hội “chở” nhiều thứ ở thế giới bên ngoài về với bà con, bà Hoàng Thị Nhâm mạnh dạn đứng lên thành lập doanh nghiệp, nhận thi công những con đường. Với phương châm “làm đến đâu, chất lượng, hiệu quả đến đó”, với một số công trình chưa kịp giải ngân, bà vẫn mạnh dạn vay vốn để công trình được thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ…
    Bà chia sẻ: “Các công trình đầu tư tổng mức vốn rất thấp chỉ có hơn một trăm triệu đồng cho một trường học, vận chuyển xi măng, cát đá, tôn lợp mái toàn bộ bằng sức người, đường đi chỉ lách rừng. Có những đồng nghiệp còn nói chẳng hiểu sao mà tôi lại nhận các công trình ở những nơi quá khó khăn gian khổ mà giá trị công trình lại thấp như vậy. Nhưng thấu hiểu nỗi khổ của người dân tộc nơi này, nên tôi vừa thuê vừa vận động bà con cùng góp sức, miễn là có đường để đi lại được.”
    Với sự từng trải và bản lĩnh can trường, cùng tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm; cộng với sự chung tay của bà con nhân dân, đặc biệt là sự quyết tâm, động viên của chính quyền địa phương, các con đường dài 2 km, rồi 15 km, 20 km lần lượt được hoàn thiện. Doanh nghiệp đã xây dựng được 200 km đường liên bản, 60 trường học; từ đó những cái tên như: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Toong, gắn liền với tên tuổi Doanh nghiệp Hoàng Nhâm. Những con đường tới bản, trụ sở trung tâm xã, đường liên xã ngày càng được mở rộng. Những công trình của bà thi công đều phát huy hết hiệu quả, nhờ có đường dân sinh và trường học mà nhân dân đã bớt đi rất nhiều khó khăn, đi lại, giao thương thuận tiện, văn hóa được phát triển, trẻ em đến tuổi đi học được cắp sách tới trường, dần dần xóa nạn mù chữ, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân.
    Từ hai bàn tay trắng, bà đã xây dựng nên Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nhâm (nay là Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm). Trong sản xuất, xây dựng, doanh nghiệp của bà luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nộp ngân sách đầy đủ. Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm hiện tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động phổ thông tại các địa phương với mức thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
    Tấm lòng nhân ái vì cộng đồng
    Không những điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả, doanh nhân Hoàng Thị Nhâm còn hết mình hỗ trợ cộng đồng, luôn đi đầu trong các phong trào do tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè phát động. Từ 2014 - 2018, bà tham gia giúp phụ nữ làm kinh tế gia đình, ủng hộ trẻ em khuyết tật chất độc màu da cam, các em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn; các quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa; ủng hộ chương trình Mùa xuân cho em, chương trình tình nguyện mùa đông với tổng trị giá trên 800 triệu đồng; ủng hộ các nơi có thiên tai lũ lụt, ủng hộ giúp đỡ các cựu chiến binh nghèo; thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trị giá 350 triệu đồng.
    Năm 2017, bà tham gia ủng hộ 50 triệu đồng cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, bà ủng hộ 300 triệu đồng chương trình “Em không phải bỏ học” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ chương trình xúc tiến việc làm - an sinh xã hội là 200 triệu đồng.
    Ngoài ra, từ 2016 - 2018, bà tặng 190 triệu đồng quà Tết nguyên đán cho các gia đình nghèo; nhận nuôi đỡ đầu cho 15 cháu học sinh từ 8 tuổi đến 18 tuổi mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các chương trình khác trên 300 triệu đồng. Năm 2018, ủng hộ bà con nhân dân tỉnh Lai Châu bị thiệt hại do mưa lũ trị giá 100 triệu đồng...
    Đặc biệt, năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đang tàn phá nặng nề nền kinh tế, bà vẫn “vững tay chèo” để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động của mình.
    Với những cố gắng trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng, bà Hoàng Thị Nhâm đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2014 và được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. 
                                                                                                                                                        Diệu Anh

 
Ý kiến của bạn