Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức

 9197 lượt xem
Sáng ngày 26/7/2013, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức (Hội nghị). 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thái Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Tiến Dĩnh, Trần Anh Tuấn; Lãnh đạo, đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ngành ở Trung ương; Lãnh đạo Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ;
Ngoài ra, tại 63 điểm cầu ở các địa phương có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Nội vụ, phòng Nội vụ các quận, huyện.
 
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định: cải cách hành chính (CCHC) là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, đảm bảo sự ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cải cách chế độ công vụ, công chức là một nội dung được Chính phủ xác định là một điểm nhấn, giữ vai trò trọng yếu trong CCHC ở giai đoạn hiện nay. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tập trung chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương các cấp đã tích cực triển khai và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại và cải cách chế độ công vụ, công chức. Tuy nhiên, công tác CCHC, cải cách công vụ, công chức của nhiều Bộ, ngành, địa phương còn chậm, kết quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa cao. Là một nội dung quan trọng và cốt lõi của nền hành chính quốc gia, cải cách chế độ công vụ, công chức đã và đang là một nhiệm vụ được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm, đặc biệt trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có nhấn mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức như một nhiệm vụ trọng tâm. Thực tế, trong nhiều năm, chế độ công vụ, công chức có nhiều cải cách, tuy nhiên cải cách công vụ, công chức cần tiếp tục được thực hiện để xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.  Hội nghị sẽ nghe Báo cáo tiếp tục đẩy mạnh CCHC - cải cách chế độ công vụ, công chức; phát biểu tham luận của một số Bộ ngành, địa phương về kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện đẩy mạnh CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức, đánh giá kết quả đã đạt được, tìm ra những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung, tích cực phát biểu ý kiến, nhất là nêu lên những khó khăn vướng mắc, từ đó có những kiến nghị, đề nghị với các Bộ, ngành Trung ương, với Chính phủ để triển khai có hiệu quả CCHC và tiếp tục thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức trong thời gian tới.
 
Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Báo cáo tiếp tục đẩy mạnh CCHC – cải cách chế độ công vụ, công chức (Báo cáo). 
 
Báo cáo khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2013, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đã được nhiều Bộ, ngành và địa phương tập trung quan tâm, nhiều đồng chí lãnh đạo của các Bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp đôn đốc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra CCHC, qua đó đã đạt được một số kết quả tốt. Công tác kiểm tra CCHC đã được quan tâm, tham gia tích cực và quyết liệt của nhiều cơ quan, ban, ngành, qua đó đã kiến nghị các cơ quan, địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC và phát huy mặt tích cực, những kết quả đạt được để công tác CCHC tại cơ quan, địa phương được tốt hơn. Công tác tổ chức và triển khai thực hiện xác định Chỉ số CCHC năm 2012 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được các cơ quan đơn vị tích cực, đẩy mạnh thực hiện. Chất lượng tiếp dân của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp ngày càng được nâng cao, cùng với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); nhân rộng mô hình một cửa điện tử; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận này. Công tác lập kế hoạch CCHC, kế hoạch tuyên truyền, kế hoạch kiểm tra, xây dựng báo cáo CCHC quý và 6 tháng đầu năm 2013 được thực hiện khá tốt, chất lượng báo cáo đã được nâng cao tại các Bộ, ngành và địa phương. Đến nay đã có 21/30 Bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch CCHC năm 2013.
 
Đối với việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Báo cáo chỉ rõ: Việc triển khai các nội dung đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đã và đang được tiến hành ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước. Tính đến nay, tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập xong Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Bộ, ngành, địa phương mình. Một số Ban Chỉ đạo đã kịp thời ban hành quy chế làm việc và xây dựng kế hoạch triển khai xác định vị trí việc làm cũng như các nội dung khác có liên quan; tổ chức tập huấn cho các đơn vị thuộc và trực thuộc phương pháp xác định vị trí việc làm và chỉ đạo, triển khai việc xác định vị trí việc làm trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Đã xây dựng được hệ thống thể chế quản lý công chức và hệ thống thể chế quản lý viên chức theo đúng tinh thần và các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, qua đó phân biệt giữa công chức và viên chức để có cơ chế quản lý phù hợp. Một số Bộ, ngành đã chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai thí điểm một số cơ chế mới trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như việc áp dụng hình thức thi tuyển bằng phần mềm trên máy tính; triển khai xác định vị trí việc làm; thí điểm tổ chức thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; xây dựng tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức hành chính, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức…
 
 
 Các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương.
 
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao hiệu quả của việc triển khai  thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, tăng cường ứng dụng CNTT, đơn giản hóa các thủ hành chính ở các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua; việc tuyển dụng công chức theo hình thức mới thông qua ứng dụng CNTT đã khẳng định tính ưu việt hơn so với hình thức cũ, đảm bảo tốt hơn, triệt để hơn trong nguyên tắc khách quan, công bằng trong tuyển dụng công chức. Nhiều đại biểu cũng đã nêu lên những lúng túng, khó khăn trong việc triển khai thực hiện xác định vị trí việc làm ở Bộ, ngành và địa phương và đề nghị Bộ Nội vụ có thêm những hướng dẫn cụ thể hơn. Vấn đề thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo nên tiếp tục được nhân rộng, nhưng cũng cần có nghiên cứu, hướng dẫn để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; những khó khăn trong việc thực hiện đánh giá công chức, để đưa ra khỏi nền công vụ những công chức yếu kém tiếp tục được đặt ra. Một số đại biểu yêu cầu thực hiện thí điểm nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo; yêu cầu sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức hành chính, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức…
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra nhiều tồn tại trong việc thực hiện CCHC ở các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, CCHC nói chung còn chậm, còn hình thức, lãnh đạo các cấp chưa coi CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa chỉ đạo sâu sát công tác này. Nhiều Bộ, ban, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch CCHC năm 2013; việc xây dựng văn bản pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ. Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính chưa cao, một số ngành thủ tục hành chính còn rườm rà, một số địa phương triển khai công tác cắt giảm thủ tục hành chính còn chậm.
 
Về Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức – đây là một Đề án khó. Bộ Nội vụ đã tích cực triển khai Đề án. Bước đầu đã hoàn thiện một bước thể chế thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Việc thi tuyển công chức đã có đổi mới về chất, giảm tiêu cực. Một số địa phương đã thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo. Tuy nhiên, thời gian qua, một số Bộ, ngành chưa quan tâm triển khai cải cách chế độ công vụ, công chức; chưa chủ động, chậm ban hành kế hoạch triển khai. Nhiều cơ quan chậm triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; tuyển dụng chưa đảm bảo chất lượng, còn tiêu cực, tạo dư luận không tốt. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới phải tập trung thực hiện xác định vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; Bộ Nội vụ cần tập huấn kỹ với các Bộ ngành và địa phương đảm bảo chất lượng, để không làm đi làm lại; thực hiện sửa đổi tiêu chuẩn chức danh công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; ứng dụng CNTT trong thi tuyển công chức, viên chức, nhân rộng trong phạm vi cả nước; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, không chỉ tập trung vào số lượng mà vào cả chất lượng, đưa ra khỏi nên công vụ những người không đủ sức khỏe và trình độ, năng lực, phẩm chất; tinh giản theo hướng số tuyển dụng bổ sung chỉ bằng ½ số lượng tinh giản; thí điểm thực hiện chế độ công chức hợp đồng để đảm bảo tính năng động của nền công vụ; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tuyển dụng cán bộ quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, có tính kế thừa; xác định rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ, xử nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật. Cải cách chế độ công vụ, công chức đi liền với CCHC.
 
Đối với hoạt động CCHC, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp Bộ, cấp tỉnh triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo công tác CCHC; CCHC là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc. Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan công bố Bộ chỉ số CCHC năm 2012 trong quý III 2013. Thực hiện tập huấn bồi dưỡng cho công chức chuyên trách công tác CCHC. Tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; Bộ Nội vụ sớm trình Đề án một cửa liên thông hiện đại. Tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện công khai minh bạch rõ ràng các thủ tục. Các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng kiện toàn tổ chức, bộ  máy làm công tác CCHC.
 
 
Ý kiến của bạn