Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống

 10779 lượt xem
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh Kon Tum đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 15-CT/TU, ngày 6-5-2010 về đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. 

 Hiệu quả mang lại

 Công tác nghiên cứu khoa học được khuyến khích triển khai thực hiện. Từ năm 2010-2012 có 65 đề tài, dự án được triển khai thực hiện; đến cuối năm 2012 có 36 đề tài, dự án đã kết thúc được nghiệm thu, 29 đề tài, dự án đang thực hiện. Đã tiến hành chuyển giao 13 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, phục vụ việc xây dựng các chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Chuyển giao 18 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu nghiên cứu công tác khảo nghiệm, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất ở các địa phương, đơn vị kinh tế; góp phần chuyển đổi cơ cấu giống, nâng cao nâng suất cây trồng, vật nuôi, phục vụ yêu cầu đảm bảo an toàn lương thực, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trên địa bàn và xuất khẩu. Chuyển giao 04 đề tài, dự án trên lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường và lĩnh vực khác, chủ yếu tập trung điều tra, phát hiện và xác định tiềm năng của các loại khoáng sản có giá trị kinh tế để kêu gọi đầu tư, phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp khai thác - chế biến của tỉnh.
 
Nhiều mô hình thực nghiệm, ứng dụng đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh đưa vào sản xuất, triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa-xã hội của tỉnh. Tiến hành ứng dụng công nghệ sinh học trong tuyển chọn, lai tạo và nhân giống cây trồng; tiếp cận công nghệ nuôi cấy mô, tế bào nhân giống (nhân giống in vitro) và phục tráng các giống cây trồng như giống ngô nếp, cà phê, phong lan và bước đầu nghiên cứu nuôi cấy mô cây Sâm Ngọc linh, sâm Dây; ứng dụng công nghệ giâm hom, chiết, ghép, các chất điều hòa sinh trưởng để nhân giống vô tính các giống cây rau hoa, cây ăn quả (suplơ xanh, suplơ trắng, ớt tây, khoai tây, đậu Hà Lan, bí, hoa cúc, cẩm chướng, ly ly,... ). Qua nhiều năm thử nghiệm, khảo nghiệm, đã tuyển chọn được nhiều loại giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng ở từng địa phương như giống lúa nhị lai 838, HT1, IR46, Ỉ5629, nông ưu 28, ngô lai CP888, CP989, VND10, V98/2, bò lai sind, gà thả vườn, nuôi cá Tầm, cá Hồi ... 
 
Phong trào toàn dân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào mọi mặt của sản xuất và đời sống được triển khai sâu rộng; khuyến khích cán bộ, công chức, công nhân, nông dân và các chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đăng ký nghiên cứu các đề tài, dự án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề xuất giải pháp công tác hiệu quả; đăng ký ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, công nghệ cao, các phương tiện hiện đại vào lao động, sản xuất, công tác và sinh hoạt đời sống, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, năng suất lao động, cải thiện môi trường lao động và chất lượng sản phẩm.
 
Định kỳ 2 năm tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và hằng năm tổ chức Hội thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng trong toàn tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo được phong trào khá rộng khắp về phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. 
 
Đối với nông dân, đã tập trung khuyến khích lao động nông thôn tích cực tham gia các hoạt động triển khai các đề tài, dự án ở địa phương, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả; biết lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, áp dụng các quy trình, phương pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi; tiếp cận và làm chủ các loại phương tiện sản xuất hiện đại, nâng suất, phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương. Đối với công nhân, đã tập trung khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến. Tiếp cận, làm chủ các loại công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại; rèn luyện tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, đổi mới giải pháp công tác nhằm cải tiến lề lối làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng tham mưu; giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, kiểm soát chất lượng công việc. Khuyến khích các chủ doanh nghiệp dần thay đổi phương thức sản xuất cũ, tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị, máy móc hiện đại và làm chủ công nghệ mới phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đăng ký bảo hộ thương hiệu, uy tín sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện nền kinh tế thị trường; cải tiến phương thức quản lý nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. 
 
Để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
 
Tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng Chỉ thị 15-CT/TU, ngày 6-5-2010 của Ban thường vụ Tỉnh ủy gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01-11-2012 của Trung ương và Chương trình 47-CTr/TU, ngày 09-4-2013 của Tỉnh ủy; xác định việc triển khai phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống là một trong những nội dung lãnh đạo chủ yếu của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, là nhiệm vụ then chốt của địa phương, đơn vị. Hằng năm, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo đưa nội dung lãnh đạo phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống ở địa phương, đơn vị mình thành nội dung chương trình, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện.
 
Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng, xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả về ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác, lao động sản xuất và đời sống. Có kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác khoa học, công nghệ của tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống.
 
Xây dựng chính sách thu hút hoặc thuê các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học giỏi đến làm việc hoặc tư vấn trong công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm thực hiện tốt chức năng tư vấn, thẩm định, phản biện các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Rà soát, bổ sung, sửa đổi quy trình, tiêu chí và thực hiện chặt chẽ công tác tuyển chọn, xét chọn đề tài, dự án, bảo đảm mỗi đề tài, dự án khi được nghiên cứu phải có tính khả thi cao, có khả năng chuyển giao, ứng dụng vào thực tế; có chính sách khen thưởng hợp lý và hỗ trợ đối với những tổ chức, cá nhân có sáng kiến khoa học tiêu biểu.
 
 
Ý kiến của bạn