Trong chiến tranh, họ không tiếc máu xương gửi lại chiến trường một phần cơ thể. Hoà bình lập lại họ tiếp tục giữ trọn niềm tin đối với Đảng và Nhà nước, kiên trì lao động, sản xuất để làm tấm gương cho thế hệ con cháu học tập, noi theo.
Ông Võ Văn Oanh, thương binh 2/4, ở ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, còn nhớ rất rõ những ngày đầu tham gia cách mạng. Khi còn nhỏ, ông làm công tác truyền đơn ở xã. Đến năm 17 tuổi được vào Tiểu đoàn Ngô Văn Sở tham gia nhiều trận chiến ác liệt. Trong một lần tập binh cùng đồng đội, ông cán phải mìn, để lại nơi chiến trường cánh tay phải. Sau lần ấy, ông được rút về hậu phương tiếp tục nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng khác của cách mạng.
Thương binh 2/4 Võ Văn Oanh tuổi đã cao nhưng vẫn say mê lao động.
Sau năm 1975, ông tham gia công tác ở huyện Năm Căn. Dù chỉ còn một cánh tay nhưng ông cùng vợ luôn cố gắng lao động, tăng gia sản xuất, nên kinh tế gia đình ổn định, 8 người con có cuộc sống riêng và con cháu được học hành đến nơi đến chốn. Ông luôn nhắc nhở con cháu ghi nhớ công lao của cách mạng, của ông cha đi trước để biết giúp đỡ mọi người. Gia đình ông được bà con lối xóm kính trọng.
Không riêng gia đình ông Oanh, gia đình ông Trần Hữu Phát là thương binh 4/4, cư ngụ khóm 7, thị trấn Năm Căn, cũng là một trong những gia đình được xét tặng danh hiệu "Gia đình cách mạng gương mẫu” và “Người công dân kiểu mẫu" nhiều năm liền.
Năm 17 tuổi, ông Phát tham gia đội du kích xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, kiên cường bám trụ cùng đồng đội. Nhiều trận chiến đối đầu với địch không làm ông lo sợ. Nhiều lần bị thương, nên hiện nay trí nhớ và thính lực của ông bị hạn chế.
Khi hoà bình lập lại, do mất sức lao động, ông Phát cùng vợ là bà Châu Tuyết Mai cũng là thương binh 4/4 về quê hương Năm Căn làm kinh tế để nuôi 5 người con. Tuổi đã xế chiều, ông bà sống trong căn nhà tình nghĩa, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ sự chăm sóc của các con và nguồn trợ cấp của Nhà nước đối với gia đình chính sách. Tuy nhiên, trong ngôi nhà ấy, truyền thống cách mạng luôn được nêu cao.
Ông Đỗ Phương Đông, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thị trấn Năm Căn, cho biết, thị trấn Năm Căn hiện có trên 300 hộ gia đình liệt sĩ và gia đình người có công cách mạng. Qua đợt bình xét “Gia đình cách mạng gương mẫu” và “Người công dân kiểu mẫu” 5 năm và 3 năm, thị trấn đã chọn được 32 hộ gia đình.
Danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu” 5 năm liền và “Người công dân kiểu mẫu” 3 năm sẽ được huyện Năm Căn khen tặng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay. Đây không những là niềm tự hào của cá nhân, gia đình đối với làng xóm, bà con, mà còn là niềm tự hào của quê hương Năm Căn vốn có truyền thống anh hùng./.