Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược của Đảng ta

 9032 lượt xem
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban chỉ đạo sơ kết Nghị quyết Trung ương 7 dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam khẳng định, 5 năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đã được Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; thông qua việc phát huy vai trò của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch đã bổ sung hoàn thiện nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức thành viên, các ban, bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn nội dung, biện pháp thực hiện tới MTTQ các tỉnh, thành phố về tham gia xây dựng nông thôn mới.
 
Cụ thể, trong 5 năm qua, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 12 triệu m2 đất để làm đường, công trình công cộng…, các địa phương đã huy động được hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã.Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã vận động được 4.935.770 triệu đồng; chương trình an sinh xã hội được 18.097.661 triệu đồng; xây dựng mới, sửa chữa 441.563 căn nhà đại đoàn kết...
 
Qua 5 năm thực hiện, thực tiễn đã khẳng định, Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm xây dựng nông thôn mới là hợp ý Đảng, lòng dân. Kết quả đạt được đã góp phần tăng cường và mở rộng việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tạo nên sức mạnh to lớn ngay từ mỗi địa bàn dân cư trong cả nước; tạo tiền đề và điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản; góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố thêm một bước...
 
Nhiều tỉnh, thành phố đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tốt của các cấp chính quyền, MTTQ đã tiến hành xây dựng đề án, chương trình tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với tham gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa thành các tiêu chí, nội dung, thang điểm để tiến hành trong từng giai đoạn, như vậy cuộc vận động được tăng cường thêm nguồn lực và thuận lợi cho việc triển khai ở cơ sở.
 
Việc tổ chức thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được lồng ghép và tiến hành đồng thời với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Vì vậy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng được sát sao hơn, công tác phối hợp với chính quyền được tốt hơn, sự vào cuộc của Mặt trận và các tổ chức thành viên có hiệu quả thiết thực hơn.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết như cơ chế, chính sách, biện pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện, nguồn lực. Một bộ phận nhân dân còn cho rằng xây dựng nông thôn mới là dự án được Nhà nước đầu tư lớn vì vậy vẫn còn biểu hiện trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Ở cấp xã do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ này, công tác chỉ đạo điều hành thiếu quyết liệt, thiếu tính chủ động, sáng tạo, vẫn còn biểu hiện trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Mô hình nông thôn mới tuy đã cơ bản được hình thành ở các xã điểm, nhưng một số kết quả đạt được về cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện, kết quả về sản xuất, thu nhập, văn hoá, xã hội, môi trường còn chưa thật vững chắc. Sản xuất vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ, lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, đời sống văn hoá còn thấp... Nếu không được tiếp tục đầu tư, củng cố nâng cấp thì mô hình đạt được còn chưa hoàn chỉnh, khó bền vững.
 
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã minh chứng rõ thêm những kết quả đạt được, đồng thời đề xuất những kiến nghị rất cụ thể, xác đáng như có cơ chế quản lý lồng ghép các chương trình, dự án để không chồng chéo; cần đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là vốn cho sản xuất, tạo việc làm; có biện pháp huy động nhiều hơn nữa nguồn lực trong nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới...
 
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Nghị quyết Trung ương 7 ra đời đón nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là 73% dân số nông thôn. Nghị quyết góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân nên sớm đi vào cuộc sống. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là thành tựu trong công cuộc đổi mới của Đảng ta.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém so với tầm quan trọng chiến lược của nó. Nông nghiệp phát triển chưa toàn diện dù đã có một số ngành nổi lên; sản xuất chưa đồng bộ, yếu tố công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khoa học còn hạn chế, hiệu quả còn thấp, thu nhập của người nông dân chưa phải no đủ và làm giàu được. Tính toàn diện của nông nghiệp chưa bảo đảm, kinh tế rừng, biển còn hạn chế. Nông dân còn bỏ ruộng khá nhiều; chất lượng nguồn nhân lực nông thôn còn hạn chế, đào tạo chưa tốt, chuyển dịch còn chậm. Một số cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, đường, trường, trạm đã được giải quyết nhưng chất lượng chưa cao...
 
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là vấn đề đất nước ta phải kiên trì, bền bỉ giải quyết từng bước một, không nóng vội, vì đây là vấn đề chiến lược của Đảng ta. Chúng ta tổ chức sơ kết 5 năm không phải là thấy thành tích rồi chủ quan, dừng lại mà chủ yếu là phải thấy những tồn tại để vượt lên, thấy vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách sâu sắc hơn. Mục đích của Nghị quyết để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân lâu dài và không ngừng nâng lên. Đây là công việc của cả hệ thống chính trị nhưng nông dân phải là chủ thể, là lực lượng để thực hiện.
 
Cùng với đó phải xây dựng nông thôn từng bước hiện đại, nông thôn với đô thị phải gắn bó với nhau. Phải làm cho Nghị quyết lan tỏa trong cả nước, trong từng khu dân cư. Do đó, các chính sách, công tác chỉ đạo phải phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương. Cần có những kiến nghị liên quan đến bố trí nguồn lực, sử dụng nguồn lực. Trong xây dựng nông thôn mới nếu chạy hàng ngang đạt 19 tiêu chí là rất đáng lo ngại. Trong chỉ đạo tránh hình thức chủ nghĩa...
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, với vai trò của mình, MTTQ các cấp phải tập hợp được các tổ chức thành viên, thống nhất hành động, thực hiện đồng bộ... để khẳng định vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết, qua đó tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
 
 
Ý kiến của bạn