Chuyến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo Campuchia đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè, nhất là giữa thời điểm lũ lụt đang hoành hành khu vực biên giới Takeo và An Giang.
Những ngày qua, mực nước lũ đầu nguồn tại Tân Châu, Châu Đốc đã vượt báo động III và đứng ở mức cao, không chỉ gây ngập lụt cho các xã, thị trấn ven kênh Vĩnh Tế (Tri Tôn – Tịnh Biên – Châu Đốc), mà còn gây khó khăn thêm đối với người dân Campuchia ở phum, sóc của các xã giáp ranh thuộc quận Kirivong, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia. Quận trưởng Dac Tong Leam nói, tuy Kirivong là địa hình vùng cao và có nhiều đồi núi, song người dân sinh sống ở Ta Ô, xã Som và một số nơi khác tiếp giáp đồng bằng đã bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa lũ này. “Ở đây đâu có cụm, tuyến dân cư vượt lũ như ven kênh Vĩnh Tế của Tri Tôn và Tịnh Biên. Do nhà cửa cất rải rác theo các phum, sóc xa xôi hẻo lánh nên khi mực nước tràn đồng thì bị ngập ngay, phải kê kích nhiều lần, thậm chí di dời chạy lũ lên gò cao” – ông Leam thông tin.
Ở giáp ranh xã An Phú (huyện Tịnh Biên), nhà ông Kao Mang bị ngập phải kê kích lên 2 lần và hôm đi lên Bệnh viện Kirivong để khám mắt và chuẩn bị mổ, ở nhà con cái còn đang tiếp tục kê lên lần nữa. Ông Mang bộc bạch: “Năm nay 65 tuổi, nhà nghèo và ở xa lắm, mắt bị mờ mà hổng biết tại sao. Nghe có bác sĩ An Giang qua khám hổng tốn tiền, mừng quá”. Vượt quãng đường 25 – 30 cây số từ Ta Ô, xã Som (giáp ranh 2 xã Vĩnh Gia và Lạc Qưới) về trung tâm để được khám mắt và chuẩn bị mổ, bà Uonl (75 tuổi) phải quá giang người trong phum và mang theo cả cơm ăn, vì quá nghèo đâu có tiền để chi phí, một phần nhà cửa bị nước ngập nên khi đến khám bệnh, bà Uonl luôn miệng nói: “Cảm ơn huyện Tri Tôn và thầy thuốc An Giang”.
Người già đi khám lọc mắt phải mang cơm theo ăn vì nhà ở xa trung tâm.
Thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp huyện – quận giữa Tri Tôn và Kirivong, thời gian qua 2 địa phương biên giới này đã có nhiều hoạt động thiết thực, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển 2 bên biên giới Việt Nam – Campuchia. Mùa lũ 2011, quận Kirivong đề nghị Tri Tôn hỗ trợ khám bệnh và cấp thuốc, kết hợp khám lọc và mổ mắt. “Trên tinh thần anh em, láng giềng hai bên biên giới. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng hình thức xã hội hóa” – ông Trần Quốc Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tri Tôn, cho hay. Chuyến đi “tiền trạm” gồm có 25 y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng đoàn nói: “Đây là chuyến đi tình nghĩa, chuyến đi đặc biệt trong mùa lũ, chúng tôi chọn các bác sĩ hàng đầu, có uy tín ở các khoa để giúp bạn. Cứu người là trên hết, anh chị em không ai nệ công”.
Chi phí 2 chuyến đi “tiền trạm” và “chính thức” lên khoảng 1,5 tỷ đồng, do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp; trong đó, có phần hỗ trợ tích cực của đội ngũ y – bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, đợt mổ mắt sắp tới, đoàn sẽ tặng quà cứu trợ lũ lụt và mổ mắt chính thức cho 200 người nghèo Campuchia tại quận Kirivong. Trước hết, khám lọc mắt, khám bệnh đa khoa và cấp thuốc miễn phí cho hơn 600 người. Bác sĩ Ou Sok Hak, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Kirivong, tỏ ra vui mừng trước sự hợp tác có hiệu quả của huyện Tri Tôn và sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp từ An Giang. “Giá cả thuốc men ở đây đắt đỏ, mà dân Campuchia phần lớn đều nghèo. Có thầy thuốc Việt Nam qua khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, rồi còn mổ mắt không lấy tiền mọi người vô cùng vui mừng” – ông Hak bảo. Hồi trước, ông đã sang học ở Việt Nam 7 năm, nên hiểu rõ tình cảm của người thầy thuốc Việt Nam đối với bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo như dân Campuchia.
Cửa khẩu Quốc tế Phom Din – Tịnh Biên bây giờ như ốc đảo. Quan sát cánh đồng mênh mông nước Tịnh Biên – Tri Tôn – Kiri vong, người ta không khỏi choáng ngộp, sững sờ trước dòng nước chảy dữ dội từ cầu cạn Xuân Tô đổ cuồn cuộn về phía Giang Thành, Hà Tiên. Chuyến khám bệnh, mổ mắt nhân đạo và cấp thuốc của huyện Tri Tôn cùng với y – sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang càng tôn cao hình ảnh láng giềng hữu nghị và tình người trong vùng lũ An Giang – Takeo.