Cô học trò giàu sáng tạo

 14097 lượt xem
(BTĐKT)-Ấn tượng về cô học trò Trần Thị Tố Như, học sinh lớp 9C, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Ái Tử huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thật gần gũi, dễ mến. Em có vóc người nhỏ nhắn, hiền lành nhưng là “ bé hạt tiêu” với thành tích học tập của em thật đáng nể. Chín năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Năm học lớp 8, lớp 9 em đạt giải Nhì môn Tiếng Anh trên Interrnet cấp huyện, giải Ba môn Toán trên mạng Interrnet cấp tỉnh… Đặc biệt, em Trần Thị Tố Như và 2 bạn học sinh: Lê Thanh Thiên (cùng học lớp 9C) và Võ Duy Khánh (lớp 9B) cùng trường vừa vinh dự giành được giải Nhất hội thi Khoa học và Kỹ thuật VISEF tỉnh Quảng Trị năm 2013 với thiết kế “ ngôi nhà sống chung với lũ”. 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 người con. Ba Như công tác ở ngành Công An đã nghỉ hưu, mẹ làm nội trợ. Kinh tế gia đình cũng không dư dật. Từ nhỏ, em Như đã ý thức được phải cố gắng phấn đấu học tập để trở thành một học sinh giỏi toàn diện. Ngoài giờ học, em luôn chịu khó giúp đỡ ba mẹ công việc nhà và bảo ban các em học hành. Em Trần Thị Tố Như vừa thi đỗ vào trường PTTH thị xã Quảng Trị, một ngôi trường điểm của tỉnh Quảng Trị với bề dày truyền thống dạy tốt, học tốt.

Bí quyết để học giỏi của em Như thật đơn giản. Em tự học là chủ yếu. Em luôn xem bài mới trước khi đến lớp để tiếp thu bài thầy cô giảng nhanh chóng và có thể học thuộc bài trên lớp. Không hiểu chỗ nào, em hỏi thầy cô ngay và trao đổi sôi nổi với bạn bè. Đối với những kiến thức rộng lớn, chưa hiểu hết, em Như say sưa tìm hiểu trên mạng Interrnet.
 
Nhiều lần xem các chương trình nói tiếng Anh trên ti vi và có chuyến du lịch vào TP Hồ Chí Minh, Như rất đam mê học tiếng Anh và mong muốn nói tiếng Anh giỏi như các anh chị phát thanh viên, hương dẫn viên du lịch. Vì thế, em đăng ký trở thành thành viên của các trang Web: tiếng Anh 123, Hello Chào, đăng ký nói chuyện Sky với người nước ngoài, xem phim hoạt hình có phụ đề song ngữ…để trau dồi khả năng nói và nghe tiếng Anh.
 
Không những học giỏi, em Như còn là thành viên Ban cán sự lớp, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện do trường, lớp tổ chức, chuẩn bị các nội dung phong phú cho chương trình sinh hoạt chào cờ sáng thứ hai hàng tuần. Sắp sửa trở thành cô học trò PTTH, em Trần Thị Tố Như luôn quyết tâm giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và ấp ủ ước mơ được đi du học.
 
Khi được hỏi về giải Nhất hội thi Khoa học và Kỹ thuật VISEF tỉnh Quảng Trị năm 2013 với thiết kế “ ngôi nhà sống chung với lũ”, em Như kể lại rằng: Đã từng chứng kiến những trận lũ lịch sử ở quê cướp đi bao sinh mạng, của cải của bà con nông dân. Trong tâm trí của em không thể quên được trận đại hồng thủy ở quê em tại Triệu Long vào năm 2009. Vì thế, em luôn ấp ủ ý tưởng về một ngôi nhà sống chung với lũ, giúp đỡ bà con nông dân có cách chống chọi với mưa lũ tốt nhất để tránh thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. 
 
Từ ý tưởng trên, em Trần Thị Tố Như cùng với 2 người bạn thân là Lê Thanh Thiên (cùng học lớp 9C) và Võ Duy Khánh (lớp 9B) dưới sự hướng dẫn của cô giáo dạy toán Nguyễn Thị Vân đã hoàn thành xuất sắc đề tài mô hình trên.
 
Ngôi nhà dùng vật liệu chủ yếu bằng gỗ có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, ước tính chi phí thực tế khoảng 45 - 50 triệu đồng.
 
Em Trần Thị Tố Như cho biết, việc xây dựng ngôi nhà không đòi hỏi quá khắt khe về vật liệu, cầu kỳ về kỹ thuật.
 
Ngôi nhà gồm hai phần: Phần cố định giữ chức năng chính của ngôi nhà, là phần không gian sinh hoạt. Phần hai là phần di động, là nơi ở cho con người khi xảy ra có bão lũ.
 
Phía dưới ngôi nhà là  8 trụ sắt trượt chống rỉ cùng hệ thống thùng phi với khoảng 40 thùng, có tác dụng khi có lũ, nước lên tới đâu, nhà sẽ dâng lên tới đó nhờ lực đẩy của thùng phi và hệ thống trụ sắt trượt. Trọng tải của ngôi nhà có khả năng nâng lên đến gần 5 tấn.
 
Phần mái hiên trước và mái hiên sau được làm bằng gỗ hoặc mái tôn. Xung quanh nhà được thiết kế vật liệu gỗ nhẹ (nhóm 3,4), có tác dụng giảm trọng lượng ngôi nhà khi có lũ về sẽ dâng cao hơn và chịu được trọng tải lớn. Em Tố Như cho biết: "Chúng em đã tranh luận rất nhiều và thất bại cũng không ít. Thế nên, lúc thấy ngôi nhà nổi lên tương ứng với mực nước, cô trò chúng em đều mừng đến độ không nói nên lời".
 
Chia sẻ về ý tưởng, em Tố Như nói: “Quê em thuộc vùng trũng xã Triệu Long, mỗi mùa mưa bão tới đều phải chạy đi tránh nạn. Nhiều khi, nước lũ nhanh quá cuốn trôi đồ đạc, tài sản cả năm trời người dân tích cóp làm ăn. Bằng kiến thức được thầy cô giáo giảng dạy, em muốn làm được một điều gì đó để giúp người dân bớt khổ, đảm bảo tài sản, tính mạng khi lũ tới và yên tâm sinh sống”.
 
Em Tố Như và hai người bạn đồng hành giới thiệu về mô hình ngôi nhà sống chung với lũ.
 
Đề tài “Ngôi nhà sống chung với lũ” đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, tâm huyết và khả năng ứng dụng thực tế. Quá trình lao động sáng tạo miệt mài và tình yêu quê hương sâu sắc của các học sinh sớm chinh phục Ban giám khảo Hội thi Nghiên cứu khoa học - kĩ thuật dành cho học sinh khối trung học từ lớp 9 đến lớp 12. Mô hình "Nhà sống chung với lũ" đã vượt qua 58 đề tài của vòng chung khảo để dành giải Nhất. Giải thưởng này là niềm động viên lớn đối với các em Tố Như, Duy Khánh, Thanh Thiên và cô giáo Nguyễn Thị Vân. Tuy nhiên, đó không phải là cái đích mà cô trò hướng đến. Ai cũng mong ngôi nhà đặc biệt này sẽ được ứng dụng rộng rãi để giúp người dân vượt qua những mùa lũ lụt một cách yên bình. Cô giáo Nguyễn Thị Vân - hướng dẫn trực tiếp mô hình này trăn trở: Nhóm 3 học sinh đoạt giải này nhiều năm liền đều là học sinh giỏi. Ý tưởng về đề tài mô hình chống lũ, chống bão của các em đều bắt nguồn từ thực tế bão lũ miền Trung. Ngôi nhà có khả năng ứng dụng cao, hy vọng mở ra cơ hội cho người dân miền Trung sống chung với lũ, giảm tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Mong rằng kết quả nghiên cứu của các em sẽ được các cơ quan nghiên cứu ứng dụng và được các mạnh thường quân hỗ trợ để mô hình sẽ được đưa vào cuộc sống, giúp người dân sống chung với lũ”.
 
Bình Minh
 
Ý kiến của bạn