Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh: Chương trình xây dựng NTM trong những tháng đầu năm 2013 tiếp tục đạt những kết quả tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt mục đích, nội dung, yêu cầu xây dựng NTM được các cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo, triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể, đã và đang từng bước thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm chỉ đạo tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay ở các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất.
Hoa trồng trong nhà kính đem lại hiệu quả cao cho nông dân.
Thực tế cho thấy: Xã Tân Hội (xã điểm của Trung ương), ngoài sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cho xã, nhân dân đã đóng góp tiền, công lao động, hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, bộ mặt của Tân Hội khang trang nhiều so với trước khi xây dựng NTM, sản xuất phát triển nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Có nhiều điển hình trong huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất như: xây dựng đường giao thông, hội trường thôn, điện chiếu sáng tại thôn Tân Đà, Tân Phú; mô hình chăn nuôi, sản xuất rau, hoa mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Ở huyện Đơn Dương xuất hiện nhiều mô hình như huy động sức dân trong xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, xóa nhà tạm, cải tạo, xây dựng nhà ở, nhà văn hóa, chợ, hệ thống điện thắp sáng tại các xã Lạc Lâm, Quảng Lập, Lạc Xuân, Ka Đơn. Mô hình sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao với thu nhập bình quân đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm; mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoai tây, mô hình chăn nuôi bò sữa tại các xã Ka Đô, Đa Ròn, Tu Tra mang lại thu nhập ngày càng cao và ổn định (mức thu nhập trung bình trong chu kỳ cho sữa khoảng 4 triệu đồng/con/tháng). Với kết quả đó, huyện Đơn Dương được tỉnh chọn làm huyện điểm xây dựng đạt chuẩn NTM vào năm 2015… Phong trào xây dựng NTM lan rộng trên toàn tỉnh. Đó là mô hình tạo quỹ đối ứng từ cộng đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên, TP. Bảo Lộc. Huy động vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà tắm, nhà vệ sinh tại thôn K’Rai, xã Phú Hội (Đức Trọng); chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, xây dựng thôn xã sạch đẹp phục vụ xây dựng NTM ở huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh; mô hình xây dựng vùng nguyên liệu gắn với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến ở TP. Bảo Lộc… Đã xuất hiện các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả như: sản xuất hoa ở Đà Lạt, liên minh sản xuất cà phê ở Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng. Mô hình liên minh hợp tác trong chăn nuôi bò sữa ở xã Tu Tra (Đơn Dương), xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng). Ngoài ra có 40 nhóm (800 hộ) liên kết giữa các hộ chăn nuôi lợn với nhau. Trong đó, huyện Đức Trọng có 6 nhóm (120 hộ), huyện Lâm Hà 11 nhóm (220 hộ), huyện Di Linh 12 nhóm (240 hộ), huyện Bảo Lâm 11 nhóm (220 hộ). Các hộ trong nhóm đã thống nhất nâng cấp chuồng trại, cùng mua vật tư, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn tại nhà máy hoặc đại lý cấp I, thống nhất bán sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi… Qua đó giảm giá thành, đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, ổn định đầu ra, chủ động trong sản xuất. Từng bước hình thành liên minh sản xuất giữa các hộ: chăn nuôi – kinh doanh giết mổ - kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, huyện… Để tăng cường công tác xây dựng NTM trên lĩnh vực lâm nghiệp, Sở NN – PTNT tỉnh chọn 3 xã: Đa Sar (Lạc Dương), Liêng Srônh (Đam Rông) và An Nhơn (Đạ Tẻh) làm mô hình điểm, tập trung chỉ đạo, xây dựng các mô hình chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật nông, lâm nghiệp trên cơ sở lồng ghép các chính sách, dự án trên địa bàn xã để rút kinh nghiệm triển khai ra diện rộng.
Tuy đã xuất hiện một số mô hình tiêu biểu, cách làm hay và hiệu quả song nhìn chung một số xã do điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên tập trung nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất. Các mô hình sản xuất có hiệu quả chưa được nhân rộng, chưa phát triển rộng rãi mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, HTX với doanh nghiệp. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; chưa tạo chuyển biến mạnh về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.