Trong những năm qua, tiếp nối những truyền thống, thành tích đã đạt được, ngành Tư pháp Thái Bình đã không ngừng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ để luôn xứng đáng là “Đơn vị thi đua xuất sắc”, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngay từ đầu năm bám sát các chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp, của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã hoàn thành vai trò là cơ quan Thường trực của Tổ giúp việc giúp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xây dựng kịp thời, đúng thời hạn dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tính đến hết ngày 31/3/2013, toàn tỉnh đã tổ chức 1.161 hội nghị, hôi thảo, tọa đàm với 24.790 người tham gia góp trên 54.800 ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; in 547.825 cuốn tài liệu bản so sánh Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, in 600.000 phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đối với Hộ gia đình, 200.000 phiếu xin ý kiến đối với cá nhân và 24.000 hướng dẫn cách ghi và tổng hợp phiếu xin ý kiến.
Công tác quản lý nhà nước về văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) ở cả 3 cấp đều được chú trọng, chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Trong 6 tháng đầu năm, cấp tỉnh ban hành được 16 văn bản QPPL; cấp huyện ban hành được 08 văn bản QPPL và cấp xã ban hành được 1.186 văn bản. Sở Tư pháp thẩm định 11 dự thảo văn bản QPPL của UBND tỉnh, phối hợp với Ban pháp chế- Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm định 07 dự thảo, góp ý 51 dự thảo, trong đó có 15 dự thảo văn bản của Trung ương và 36 dự thảo văn bản QPPL ở địa phương. Tự kiểm tra 735 văn bản, tiếp nhận để kiểm tra theo thẩm quyền 299 văn bản, rà soát 917 văn bản. Thông qua các hoạt động góp ý, thẩm định đã kịp thời phát hiện, chính lý nhiều vấn đề thuộc nội dung của dự thảo văn bản như chưa đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi… trên cở sở đó đề xuất sửa đổi bổ sung và ban hành mới nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý điều hành bằng pháp luật.
Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3116/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 về việc ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập chung theo dõi về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời có văn bản chỉ đạo Tư pháp cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật để công tác này ngày càng đi vào nề nếp.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được chú trọng và mang lại hiệu quả thiết thực, cũng nhờ làm tốt công tác PBGDPL mà các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp của các địa phương trong tỉnh đã được hạn chế và chủ yếu được giải quyết ngay tại cơ sở. Với vai trò là cơ quan thương trực của Hội đồng phổ biến giáo dục cấp tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp các ngành và địa phương trong tỉnh: Tổng kết 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự; 07 năm thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005; 08 năm thi hành Luật Bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em. Triển khai nhiều văn bản pháp luật mới có hiệu lực trong năm như: Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định Tư pháp. 08/08 huyện, thành phố đã tổ chức triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tiếp tục tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, ma túy, tội phạm, các chế độ chính sách đối với người có công, cấm đốt pháo nổ, thả “đèn trời”… Cũng trong 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan đơn vị địa phương trong tỉnh tổ chức 6.908 cuộc tuyên truyền pháp luật (không bao gồm các hội nghị về sửa đổi Hiến pháp ) thu hút 474.338 lượt người tham dự. Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn phát thanh 28.569 chương trình phổ biến pháp luật, cấp phát miễn phí hàng chục nghìn tờ rơi các loại.
Thực hiện Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật. Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1404/QĐ-UBND về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thái Bình. Hội đồng do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch do đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp đảm nhiệm và đại điện lãnh đạo 26 sở, ngành tham gia làm thành viên.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội đồng trong thời gian tới và cũng là đa số ý kiến nhất trí của các thành viên của Hội đồng tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm. Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng bổ sung thêm 03 thành viên bao gồm: Ủy viên thường trực, lãnh đạo Báo Thái Bình và Bộ đội biên phòng tỉnh. Đồng thời tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động để phù hợp với các quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cùng với Hội đồng cấp tỉnh, Sở Tư pháp cũng hướng dẫn việc kiện toàn Hội đồng PBGDPL cấp huyện. Hiện nay Thái Bình đã có 02 huyện Tiền Hải và Hưng Hà kiện toàn Hội đồng theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng cấp huyện do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch, đồng chí Trưởng Phòng Tư pháp làm Phó Chủ tịch và lãnh đạo các phòng, ban theo quy định là thành viên. Hội đồng cấp huyện được kiện toàn nhìn chung đủ về số lượng, thực hiện chức năng tư vấn cho UBND cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL ở địa phương hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Toàn tỉnh hiện có 2.054 tổ hòa giải với 15.343 hòa giải viên. Hòa giải thành 2.795 vụ việc trong tổng số 3.551 việc, đạt trên 78,7%. Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho hơn 300 đối tượng là cán bộ tư pháp, tổ trưởng tổ hòa giải, tổ trưởng tổ dân phố của huyện Thái Thụy và Thành phố Thái Bình. Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần ổn định tình hình, phục vụ kịp thời nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tăng cường hướng mạnh về cơ sở. Trung tâm thực hiện 27 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tiếp nhận và trợ giúp pháp lý cho 387 trường hợp, tậc trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, môi trường, hôn nhân, gia đình, chế độ chính sách tại 27 xã thuộc các huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Thái Thụy và Đông Hưng. Phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức TGPL lưu động ở 04 xã của huyện Vũ Thư cho các đối tượng là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tiếp tục được thực hiện tốt. Trung tâm đã thực hiện 15 vụ việc trong đó có 10/15 vụ việc theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Công tác quản lý nhà nước về Hành chính tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người dân, thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa và niêm yết công khai. Trong 6 tháng đầu năm 2013 toàn tỉnh đã thực hiện đăng ký kết hôn cho 10.307 trường hợp trong đó có 49 trường hợp có yếu tố nước ngoài, ghi chú kết hôn có yếu tố nước ngoài 26 trường hợp; đăng ký khai sinh 16.193 trường hợp trong đó có 17 trường hợp có yếu tố nước ngoài; đăng ký con nuôi 23 trường hợp trong đó có 01 trường hợp có yếu tố nước ngoài. Tiếp nhận 2.272 thông tin Lý lịch tư pháp của công dân do Tòa án các cấp và các cơ quan liên quan trong và ngoài tỉnh cung cấp. Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tra cứu và cấp 1.151 Phiếu Lý lịch Tư pháp cho tổ chức, công dân đảm bảo thời gian quy định. Toàn tỉnh thực hiện chứng thực và cấp 512.532 bản sao, chứng thực 25.400 chữ ký. Hoạt động chứng thực trên đại bàn tỉnh luôn được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân có nhu cầu, không có sai phạm lớn trong qúa trình thực hiện.
Hưởng ứng phong trào Ngành Tư pháp chung sức góp phầp xây dựng nông thôn mới. Sở Tư pháp chỉ đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở tập trung hướng trọng tâm hoạt động về các xã điểm ngành hỗ trợ về công tác tư pháp trong xây dựng nông thôn mới như: Vũ Lạc, Quỳnh Minh, Minh Hòa, Vũ Hòa, Tân Phong, Đông Quý…; phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý; hộ tịch... phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong thời gian tới ngành Tư pháp Thái Bình tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp- Lê Thành Long tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2013: Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, tiếp tục triển khai các nội dung của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn thực hiện “Ngày pháp luật” có hiệu quả thiết thực hơn; triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính tập trung vào những nội dung có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành; hoàn thành việc bố trí tổ chức cán bộ pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác thẩm định, tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản QPPL; Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các hoạt động của các tổ chức luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp thực hiện đúng quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân; tăng cường tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động để tư vấn pháp luật cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trong đó chú trọng các xã vùng xa trung tâm huyện; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính công, kiểm soát và cải thiện chất lượng thủ tục hành chính theo phạm vi của ngành; thực hiện các phong trào thi đua một các cụ thể, thiết thực để luôn xứng đáng với danh hiệu “Đơn vị thi đua xuất sắc”