Hà Giang: “Dân vận khéo” góp phần phát triển kinh tế - xã hội

 9657 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc Dân vận rất quan trọng, Dân vận kém thì việc gì cũng kém, Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tư tưởng “Dân vận” của Bác cũng chính là quan điểm của Đảng ta coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. 

Trong những năm qua, phong trào thi đua và xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở cơ sở đã mang lại hiệu quả thiết thực được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có trên 866 tập thể, 386 cá nhân điển hình. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển KT, VH - XH có 623 mô hình; QP - AN 145 mô hình; xây dựng củng cố chính trị 93 mô hình... điển hình như: Mô hình thanh niên bảo vệ ANTT; làm đường đại đoàn kết, nhà đại đoàn kêt; thôn bản không có tệ nạn xã hội ở huyện Xín Mần; mô hình không sinh con thứ 3 ở (Quản Bạ); xếp đá làm ruộng lúa nước xã Yên Phú (Bắc Mê); xây dựng làng văn hóa - Du lịch cộng đồng: Làm đường GTNT ở xã Xà Phìn (Đồng Văn); xây dựng phong cách cán bộ, đảng viên làm dân vận khéo ở xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì); vận động nhân dân hiến đất xây trường học ở huyện Yên Minh; xóa nhà tạm của Hội Nông dân tỉnh; tiếng khèn đêm khuya, tiếng mõ an ninh của Công an tỉnh ...

 
Từ những kết quả thực tế đạt được có thể khẳng định: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy được quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân, góp phần vận động nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tạo dựng mối quan hệ ngày càng gắn bó gữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đóng góp tích cực vào những thành tựu trong phát triển KT, VH - XH, AN - QP, xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
 
Bên cạnh những thành tích đạt được trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: Việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai ở các đơn vị còn chậm, các mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực tôn giáo, trong các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước còn ít. Một số mô hình còn mang tính tự phát, các mô hình chủ yếu tập trung vào lĩnh vực KT, VH - XH, ít có mô hình về bảo vệ môi trường sinh thái, công tác dân tộc và tôn giáo... Để phong trào thi đua của tỉnh Hà Giang ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy có hiệu quả cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Nâng cao hơn nữa nhận thức, nghiên cứu học tập tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 1148-QĐ/TU của BTV; các chỉ thị, nghị quyết, quy chế của Đảng đối với công tác vận động quần chúng, công tác tôn giáo, dân tộc, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách thiết thực cụ thể; triển khai tốt Pháp lệnh về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới; tập trung làm tốt công tác XĐGN, xây dựng nông thôn mới... MTTQ, các tổ chức đoàn, thể tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia phát triển KT - XH, AN – QP; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” vào các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay như bảo vệ môi trường, XĐGN, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở...
 
 
Ý kiến của bạn