1. Mé Pu (Đức Linh): Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng
Mé Pu là xã thuần nông, thu nhập người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. 3 năm qua, xã đã tổ chức nhiều mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như: nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo theo công nghệ đệm lót sinh học, sản xuất giống lúa xác nhận… sau đó nhân rộng ra, đem lại nhiều hiệu quả. Vụ Đông Xuân 2012 – 2013, Mé Pu liên kết với một số doanh nghiệp để chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng giống mới và phân sinh học, phương pháp đầu tư thâm canh gieo trồng bắp lai trên chân ruộng 2 vụ lúa, 1 vụ màu, kết quả rất khả quan. Sau đó Mé Pu nhận rộng mô hình trên, được hơn 406ha bắp lai (năng suất 80 tạ/ha), 40 ha đậu phộng (năng suất 20 tạ/ha). Đây là khâu đột phá cho chuyển đổi cây trồng, khiến nhân dân rất phấn khởi.
Làm đường giao thông nông thôn ở Mé Pu.
Người dân Mé Pu rất tích cực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Đến nay nhân dân đã đóng góp 7,6 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, đề án thu gom rác thải, quy hoạch nghĩa trang nhân dân, tu bổ giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng các đường điện thắp sáng khu dân cư. Ngoài góp tiền, dân còn hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để mở rộng đường sá.
Mé Pu đã đạt 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, năm nay xã phấn đấu đạt 3 tiêu chí nữa về cơ cấu lao động, giáo dục và môi trường, và hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015.
2. Nghị Đức (Tánh Linh): Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Nghị Đức rà soát các tiêu chí, phân chia từng giai đoạn thực hiện, mỗi năm phấn đấu đạt từ 2 -5 tiêu chí, tập trung vào các tiêu chí không cần sự hỗ trợ của nhà nước như: chợ, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự… xã tập trung tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu để xây dựng nông thôn mới thì mỗi hộ gia đình, ngõ, xóm phải làm những gì, thôn, xã phải làm những gì, để tự giác tham gia.
Chương trình Cánh đồng mẫu ở Nghị Đức (Tánh Linh).
Nhờ thực hiện đúng phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, Nghị Đức đã huy động được sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới, như đổ đá nâng nền đường, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu cống, nhà văn hóa thôn… Nghị Đức đang cố gắng đến cuối năm nay sẽ đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
3. Hải Ninh (Bắc Bình): Huy động sức dân làm giao thông nông thôn
Trong 21 xã điểm xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận, sau 3 năm Hải Ninh là xã tăng được nhiều nhất (9 tiêu chí) gồm: quy hoạch, giao thông, điện, chợ, bưu điện, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, y tế, văn hóa, môi trường. Nổi bật nhất của Hải Ninh là phát huy nội lực, huy động sức dân làm giao thông nông thôn, trong đó bà con Việt kiều là con em của địa phương đóng góp rất tích cực.
Nhân dân xã Hải Ninh đã đóng góp đến nay được hơn 4,1 tỷ đồng, để cùng với nguồn hỗ trợ của nhà nước (hơn 3,1 tỷ đồng) bê tông hóa được 26 công trình có tổng chiều dài 4.151m (chiều rộng mặt đường từ 4m đến 18m). Đường sá được xây dựng khang trang, sạch sẽ là động lực để người dân trong xã đầu tư xây dựng nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nhựa hóa đường giao thông nông thôn ở Hải Ninh.
Những năm đến, Hải Ninh tiếp tục bê tông hóa các tuyến giao thông còn lại trên địa bàn xã, theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng thời huy động sức dân tham gia xây dựng bê tông hóa kênh mương.
6 bài học xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc
Hàn Quốc đã rất thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm: Chính phủ hỗ trợ một phần đầu tư hạ tầng để nông thôn tự mình vươn lên, xốc lại tinh thần, đánh thức khát vọng, thay đổi tâm lý thụ động, ỷ lại. Sau đây là 6 bài học về xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc:
1. Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Phương châm là dân quyết định và làm mọi việc: dự án nào cần ưu tiên làm trước, công khai bàn bạc, quyết định thiết kế, chỉ đạo thi công, nghiệm thu công trình.
2. Lấy phát triển sản xuất để tăng thu nhập làm gốc: các cơ quan, đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, khoa học công nghệ, giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa. Nhà nước và doanh nghiệp xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn để chế biến, tiêu thụ nông sản và có chính sách tín dụng nông thôn để thúc đẩy sản xuất.
3. Đào tạo cán bộ phục vụ phát triển nông thôn.
4. Phát huy dân chủ để xây dựng nông thôn mới: các nguồn hỗ trợ từ nhà nước đều được công khai, dân chủ, bàn bạc để dân quyết định lựa chọn dự án theo mức độ cần thiết ở địa phương, phương thức đóng góp, giám sát công trình.
5. Phát triển hợp tác xã kiểu mới phục vụ nhu cầu của dân, từ dịch vụ tín dụng, cung cấp đầu vào cho sản xuất, tiêu thụ nông sản, đến bảo hiểm nông nghiệp.
6. Bảo vệ, phát triển môi trường nông thôn bằng sức mạnh của dân.